'Sóng' đầu tư dồn dập đổ về TP.HCM sau sáp nhập

'Siêu' đô thị TP.HCM sau sáp nhập nhanh chóng trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn khi hàng loạt tập đoàn liên tục đề xuất dự án quy mô lớn và đẩy mạnh kế hoạch mở rộng.

Liên tục mở rộng đầu tư

Trong nửa đầu tháng 7/2025, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được liên tiếp đón các nhà đầu tư quốc tế đến tìm hiểu, đề xuất và mở rộng đầu tư. Trong các buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, việc sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ giúp TP.HCM có thêm dư địa phát triển, mà còn tạo nền tảng để hình thành một siêu đô thị hiện đại, đa chức năng, giữ vai trò trung tâm đổi mới sáng tạo, logistics, tài chính và công nghiệp công nghệ cao.

Tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP.HCM với ông Horst Pudwill, Chủ tịch, kiêm Nhà sáng lập Tập đoàn Techtronic Industries (TTI) đầu tháng 7/2025, lãnh đạo TTI cho biết, đang xúc tiến kế hoạch mở rộng sản xuất tại Nhà máy Milwaukee ở Khu công nghệ cao TP.HCM. TTI mong muốn hợp tác với Thành phố trong phát triển chuỗi cung ứng và các giải pháp sản xuất tiên tiến.

Ngay sau đó, Tập đoàn Intel cũng có buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP.HCM để bàn thảo về kế hoạch đào tạo nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Chương trình đào tạo này sẽ tập trung cho cán bộ, công chức, người lao động đang đi làm.

Cùng thời điểm, Chủ tịch UBND TP.HCM làm việc với Thống đốc Trung tâm Tài chính quốc tế Astana (AIFC, Kazakhstan) để hợp tác xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố.

Trong lĩnh vực bán lẻ, tại buổi làm việc giữa ông Tezuka Daisuke, Tổng giám đốc AEON Việt Nam với Chủ tịch UBND TP.HCM, lãnh đạo tập đoàn này thông tin về kế hoạch mở thêm 3 trung tâm thương mại lớn tại TP.HCM, với tổng mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Trong lĩnh vực hạ tầng, Tập đoàn Gamuda Land (Malaysia) đề xuất UBND TP.HCM cho phép nghiên cứu xây dựng tuyến metro kết nối TP.HCM với sân bay Long Thành và một số tuyến đường sắt đô thị trong nội đô để tăng khả năng kết nối giao thông đô thị giữa trung tâm với các vùng lân cận.

Doanh nghiệp nội gia nhập làn sóng đầu tư vào TP.HCM

Không chỉ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, TP.HCM sau sáp nhập cũng chứng kiến làn sóng đề xuất đầu tư từ các tập đoàn trong nước, với quy mô chưa từng có.

Trong đó, Tập đoàn Sun Group đề xuất đầu tư một loạt dự án chiến lược như Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (426,9 ha), Khu đô thị Trường Thọ (144,7 ha), Khu thể thao Rạch Chiếc (186 ha)... Dự án đáng chú ý nhất được tập đoàn này đề xuất là xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn dài khoảng 40 km, quy mô từ 8 đến 10 làn xe, cùng với tuyến metro hoặc tramway chạy dọc sông Sài Gòn qua huyện Củ Chi (cũ).

Còn Tập đoàn Vingroup đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ với chiều dài 48,5 km. Nhà đầu tư đề xuất chuẩn bị đầu tư từ năm 2025, giai đoạn năm 2026 - 2028 sẽ thi công xây dựng, dự kiến năm 2028 vận hành thử và bàn giao. UBND TP.HCM đã chấp thuận cho nhà đầu tư nghiên cứu dự án và khoan khảo sát địa chất để phục vụ làm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Vingroup còn đề xuất đầu tư điện giá ngoài khơi Cần Giờ, với quy mô khoảng 3.000 MW, sản xuất lượng điện ước tính 9 tỷ kWh/năm, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD. Mục tiêu của Vingroup khi đầu tư dự án này là phục vụ nhu cầu cung cấp điện nội khu cho Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Tuy nhiên, dự án nhận được nhiều sự quan tâm nhất chính là các dự án đường sắt đô thị (metro). Trong tháng 6 và tháng 7/2025, hàng loạt liên danh nhà đầu tư đã gửi đề xuất dự án cụ thể đến UBND TP.HCM.

Trong đó, Liên danh Tập đoàn Đại Dũng, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) và Tập đoàn Hòa Phát (gọi tắt là Liên danh DCH) gửi văn bản đến UBND TP.HCM đề xuất được tham gia với vai trò là tổng thầu EPC (thiết kế, thi công xây lắp, cung cấp thiết bị) cho các dự án metro trên địa bàn Thành phố gồm tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên.

Cùng quan tâm đến tuyến Metro số 2 còn có Liên danh Đèo Cả, Fecon (Việt Nam) và Tập đoàn PowerChina, Công ty Sucgi (Trung Quốc). Liên danh này cũng đề xuất tham gia làm các tuyến metro khác tại TP.HCM.

Trong khi đó, Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Bến Thành - Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến Metro số 2 tại TP.HCM.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/song-dau-tu-don-dap-do-ve-tphcm-sau-sap-nhap-d340197.html