Sống khỏe như thế nào?

Điều gì khiến bạn cảm thấy thú vị nhất trong cuộc sống này? Có lẽ là nhiều đáp án được đưa ra còn với người viết bài này đó là 'chất thơ' trong chính cuộc sống của mình.

Một chất thơ đến từ chính những gì ta đang có. Và hôm nay, người viết xin kể về chất thơ ấy qua tâm sự của một bà cụ 107 tuổi ở Anh có tên là Walmsley (sinh ngày 9/10/1916): “Tôi đã sống lâu rồi phải không? Bí quyết là tôi luôn có đồ ăn ngon và cảm thấy ngon miệng. Tôi chưa bao giờ đói. Thơ cũng giúp tôi sống lâu. Tôi luôn yêu thơ” (theo: An Yên-Vietnamnet).

Thất bại nhưng không được từ bỏ ước mơ.

Thất bại nhưng không được từ bỏ ước mơ.

Chỉ qua vài dòng tâm sự ngắn ngủi nhưng đủ cho chúng ta thấy bà cụ ở quận Hyndburn này đã sống qua “5 đời vua, nữ hoàng của Vương quốc Anh” một cách viên mãn như thế nào. Cụ được ăn ngon khi đói, được sống cùng thi ca… Trong một thế kỉ qua, thế giới đầy những biến động nhanh gấp, bất ngờ từ chiến tranh, dịch bệnh đến biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế… Bà Walmsley vốn dĩ cũng chỉ làm đầu bếp trong một trường học, có cuộc sống bình dị, vậy điều gì đã khiến cuộc đời bà đầy ắp những dư vị tốt đẹp, vượt thoát ra khỏi sự tác động của cuộc sống. Có lẽ để hiểu được điều này chúng ta cần phải nhìn rộng hơn, thấm thía hơn để thấy được biết đâu thơ, đồ ăn và sự “ngon miệng” đến từ một thái độ sống: sống khỏe từ quan niệm chứ không chỉ có thân thể khỏe, môi trường sống trong lành hay thu nhập cao…

Biết đâu, trong suy nghĩ của những người hạnh phúc và may mắn như bà Walmsley lại đã từng xuất hiện khái niệm tương tự như "think different" (hãy suy nghĩ khác biệt) như chính slogan của Steve Jobs cách đấy ¼ thế kỉ. Suy nghĩ khác biệt đó là cách không cho trí óc của chúng ta lười nhác như một kẻ ngủ nướng trước bình minh rực rỡ; cam chịu nghèo đói trước cơ hội làm giàu chân chính hay sống tạm bợ trên chồng chất những bất cập.

Cách đây chưa lâu, nhà toán học người Mỹ có tên là Persi Diaconis (cùng nhóm nghiên cứu) đã tiến hành “thực nghiệm dựa trên 350.757 lần tung đồng xu, Diaconis kết luận rằng có 50,8% khả năng đồng xu xuất hiện cùng mặt với mặt ban đầu mà nó được tung ra” (Theo www.iflscience.com). Đồng xu là vật dụng có lẽ đã bị lãng quên trong thời đại ngày nay khi giao dịch điện tử lên ngôi và chuyện những mã QR, những tin nhắn, video call thay thế cho telephone box và mua bán nhỏ lẻ nơi công cộng nhưng xác xuất mà nó có thể tạo ra vẫn đủ khiến chúng ta phải suy nghĩ lại. Đâu thể cứ an phận với 50/50 nào đó hay cứ nghĩ đến khả năng xấu nhất để rồi lại tự trách mình đã tụt hậu, đã không có cơ hội thăng tiến.

Nhà triết học người Anh, Francis Bacon (1561 -1626) từng nói: “Người khôn ngoan sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn những gì mà anh ta tìm thấy”. Nếu ví cuộc đời ta như hai mặt của đồng xu kia thì có lẽ cơ hội mà một người tạo ra cho mình còn lớn hơn cả 50,8% của sự may rủi. Nhưng liệu có phải sự táo bạo cách tân nào cũng đồng nghĩa với cơ hội thành công hay lợi ích trước mắt được đánh đổi bằng những tổn hại lâu dài.

Chúng ta đứng trước áp lực từng ngày bởi một câu hỏi của cuộc sống.

Chúng ta đứng trước áp lực từng ngày bởi một câu hỏi của cuộc sống.

Chắc chắn, khi nghe nhắc đến hai từ “sống khỏe” nhiều người lớn tuổi sẽ nhớ ra và tỏ thái độ lo lắng với trend "night owl" (cú đêm) của một số Gen Z ngày nay. Liệu sự khác biệt này có tạo ra cơ hội tốt cho các bạn trẻ? Bạn Huỳnh Thị Thanh Cúc, sinh viên năm 2 khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Khoảng thời gian về đêm là lúc mà mình nảy ra nhiều ý tưởng nhất, vì lúc đó yên tĩnh giúp mình dễ tập trung và suy nghĩ được nhiều hơn. Hầu như tất cả ý tưởng của mình đều được suy nghĩ trong đêm khuya”.

Thậm chí, một số nhà khoa học còn có những phát hiện về lợi ích của xu hướng này: “Theo một số nghiên cứu được thực hiện bởi nhà tâm lý học Richard D. Roberts và Patrick C. Kyllonen từ Đại học Barcelona, người thường xuyên hoạt động về đêm thường có tính cách táo bạo, thích tìm kiếm những điều mới lạ và không ngại đương đầu thử thách. Họ cũng có điểm mạnh về những vấn đề liên quan đến toán học, đọc hiểu, trí nhớ ngắn hạn và tốc độ xử lý. Bất ngờ rằng, người thường xuyên ngủ muộn có điểm số về trí thông minh cao hơn người có thói quen dậy sớm vào buổi sáng” (theo: Đăng Trình-Báo Thừa Thiên Huế).

Nhưng tại sao trong mấy ngàn năm qua, cả khi con người dư thừa điện năng để biến đêm thành ngày, thắp sáng các vùng tối chúng ta vẫn không chọn cách sống “ngủ ngày, thức đêm”? Hiển nhiên, đó là sự trái ngược với chu kì sinh học và một khi bạn “tuyên chiến” với con người sinh học trong mình sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường mà bác sĩ Trần Duy Quang (Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh) đã nêu trên Báo Thanh niên như: “rối loạn cảm giác, thiếu máu não, tăng nguy cơ bị tiểu đường, mắc các bệnh về tim mạch, béo phì, cũng như có khả năng vô sinh cao hơn, giảm ham muốn tình dục. Phụ nữ làm việc khuya thâu đêm suốt sáng có thể bị chậm trễ thời kỳ kinh nguyệt….”.

Theo người viết, từ mâu thuẫn này gợi ra những điều đáng suy ngẫm: Tại sao những người trẻ này phải lựa chọn giữa sức khỏe và hiệu quả công việc (thu nhập, thăng tiến)? Phải chăng họ chịu sự thúc bách của áp lực thành công như chính câu hỏi hàng ngày vẫn hiện lên trên dòng trạng thái của mạng xã hội Facebook: “Bạn đang nghĩ gì?”. Nếu mỗi ngày phải trả lời một câu hỏi như thế để rồi tổng gộp lại cả tháng, cả năm và năm, mười, mười lăm năm… và lâu hơn nữa sẽ tích tụ lại thành một tra vấn tâm hồn: Bạn đã làm được gì? Chúng ta sẽ sống ra sao ở phía bên kia của sự thành công với đồng xu số phận.

Ngày còn đi học, người viết từng được đọc một câu nói rất hay của nhà văn J.K.Rowling: “Sống mà không thất bại là điều bất khả thi, trừ khi bạn sống một cách quá thận trọng như thể bạn chưa từng sống - Nếu như thế, bạn đã thất bại sẵn rồi”. Sự “thất bại” mà nữ văn sĩ người người Scotland nhắc đến không phải là chấp nhận sự tồi tệ mà chính là việc chấp nhận cả hai khả năng xảy ra khi một đồng xu được tung lên. Thất bại đâu phải lúc nào cũng giống một trận hỏa hoạn, một cơn sóng thần để lại cho chúng ta hai bàn tay trắng. Nếu biết tích góp những bài học, dẹp bỏ đi sự tự ái của bản thân để hướng đến mục tiêu cao hơn sẽ thấy thành công đón đợi mình. Một người đủ bản lĩnh vượt qua thử thách, rút ra bài học từ thất bại và thành công chẳng phải là một người sống khỏe đó sao. Bởi lẽ, sự tỉnh táo giúp bạn luôn sung sức và mạnh mẽ trong tâm hồn.

Trên thế giới đã chứng kiến cánh cửa dẫn đến thành công lại bắt đầu từ con đường thất bại. Doanh nhân Harland David Sanders đã từng bị 1.000 nhà hàng từ chối nhập sản phẩm của mình trước khi chúng ta biết đến thương hiệu Gà rán Kentucky (KFC) nổi tiếng này của ông; ông Henry Ford từng ba lần bị phá sản; ông Walt Disney từng bị chê là: "thiếu trí tưởng tượng và không có ý tưởng hay ho"… nhưng rồi chính họ đã vươn tới đỉnh cao bằng những bài học quý giá đó. Bởi thế, sau tất cả các câu chuyện đã kể trên có một vấn đề được đặt ra: làm sao để sức sống của ý chí, nghị lực trở thành một nếp văn hóa cho chúng ta hôm nay chính là điều đáng lưu tâm nhất. Nhiều người đã và đang lặng lẽ làm những công việc ít được tung hô, thậm chí còn bị hiểu lầm, nghi ngờ nhưng lợi ích mà họ tạo ra thật đáng trân trọng.

Những cống hiến thầm lặng của nhóm Trung tâm phòng chống dịch bệnh TP Hồ Chí Minh.

Những cống hiến thầm lặng của nhóm Trung tâm phòng chống dịch bệnh TP Hồ Chí Minh.

Chắc có lẽ, không nhiều người trong số chúng ta hình dung được có cả một công việc ngồi đợi muỗi đến đốt của nhóm nhân viên Trung tâm phòng chống dịch bệnh TP Hồ Chí Minh (HCDC). Họ không được bôi thuốc vào vết đốt, phải cố giữ gìn thân thể loài côn trùng này nguyên vẹn nhất để phục vụ công tác nghiên cứu. Ngoài ra, còn không ít người vượt lên khó khăn để hoàn thành những công việc thầm lặng như thế. Trong con người họ có lẽ phải chất chứa một tâm huyết, một nghị lực và yêu nghề.

Sống khỏe là mong muốn của nhiều người. Có lẽ không ai muốn chính con người mình uể oải, chán chường nhưng để sống khỏe đúng nghĩa bạn phải thành thật và tâm huyết với cuộc đời này và không bao giờ được từ bỏ ước mơ…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/song-khoe-nhu-the-nao--i711601/