Sốt xuất huyết tại TP.HCM tăng, 10 ca tử vong: Ngành y tế cảnh báo
Sốt xuất huyết tại TP.HCM tăng gần 160% so với cùng kỳ năm ngoái, với 10 ca tử vong, ngành y tế đưa ra cảnh báo và triển khai nhiều giải pháp.
Sở y tế TP.HCM cảnh báo đây là thời điểm bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh.
Các ca sốt xuất huyết tăng gần 160% so với cùng kỳ năm 2024, đã ghi nhận 10 ca tử vong.
Nhiều ca sốc sốt xuất huyết nặng
Bệnh nhi 12 tuổi (quê Trà Vinh) là ca sốt xuất huyết nghiêm trọng được ghi nhận tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Trước đó bệnh nhi sốt cao liên tục 3 ngày, buồn nôn, bắt đầu hành kinh. Đến ngày thứ tư, tình trạng nôn ói nhiều hơn, trẻ hành kinh và đi cầu ra máu ồ ạt, dẫn đến mất máu nghiêm trọng.
Gia đình đưa trẻ vào Bệnh viện Sản - Nhi Trà Vinh, bác sĩ chẩn đoán bị sốc sốt xuất huyết nặng kèm xuất huyết tiêu hóa. Tuy nhiên, mỗi lần trẻ đi cầu ra máu, lượng máu mất ước tính khoảng nửa lít, khiến việc bù máu không đủ để duy trì sự sống.

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Trước tình trạng nguy kịch, bệnh nhi được hội chẩn khẩn cấp và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Bệnh nhi nhập viện trong trạng thái suy hô hấp, trụy tim mạch và xuất huyết tiêu hóa nặng. Các bác sĩ lập tức truyền dịch chống sốc, truyền máu bù lại.
Trong vòng hơn 24 giờ, bệnh nhi được truyền tổng cộng gần 10 lít máu và chế phẩm máu. Nhờ can thiệp kịp thời, sau 2 ngày, bệnh nhi được cai máy thở, không còn hành kinh và tiêu ra máu, sức khỏe dần ổn định trở lại.
Một trường hợp khác là bệnh nhi là ĐTLH (5 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Khai thác bệnh sử, ghi nhận trẻ sốt cao liên tục 2 ngày. Đến ngày thứ 3 của bệnh, trẻ biểu hiện đau bụng, ói ra dịch lợn cợn nâu, tiêu phân đen, tay chân lạnh. Người nhà đưa trẻ nhập bệnh viện địa phương, bác sĩ chẩn đoán trẻ sốc sốt xuất huyết nặng ngày 3.

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Ảnh: BVCC
Vì tình trạng trẻ diễn tiến nặng nên ĐTLH được chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố tiếp tục điều trị. Tại đây, trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 3, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan nặng, suy hô hấp nặng.
Trẻ được cho thở áp lực dương liên tục (CPAP), thở máy không xâm nhập, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm, chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải áp. Sau gần 10 ngày điều trị, trẻ bình phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng gan thận trở về bình thường.
Dễ bị chẩn đoán nhầm
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết trung bình mỗi ngày bệnh viện điều trị khoảng 10-15 trẻ mắc sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca điều trị nội trú vì sốt xuất huyết không tăng, nhưng ghi nhận có vài trường hợp biến chứng nặng, nguy kịch.

Sốt xuất huyết rất dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh thông thường. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Bác sĩ Tiến dự báo tình hình bệnh sốt xuất huyết có thể tăng trong thời gian tới khi miền Nam đang vào mùa mưa, đồng thời cảnh báo về tình trạng sốt xuất huyết ở trẻ thường không biểu hiện bệnh điển hình, dễ nhầm lẫn với bệnh hô hấp, tiêu hóa hoặc tay chân miệng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, thống kê cho thấy bệnh viện ghi nhận 108 ca sốc sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng 94,74% so với năm 2024.
Bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết khoa bắt đầu tiếp nhận các ca sốc sốt xuất huyết từ đầu tháng 4-5. Trong 2-3 tuần gần đây, gần như ngày nào cũng có ca sốc sốt xuất huyết nặng được chuyển vào khoa.
Theo bác sĩ Quang, mới đầu mùa nhưng tình trạng sốt xuất huyết của TP.HCM đã tăng, dự báo năm nay sốt xuất huyết sẽ nặng. Đáng nói hiện đang vào mùa mưa, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng. Do đó, cần tập trung nguồn lực, nhân lực để chuẩn bị cho phòng chống và điều trị sốt xuất huyết.
Ngay từ tháng 5-2025, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tập huấn điều trị và chẩn đoán sốt xuất huyết cho các bệnh viện tại TP.HCM, sau đó sẽ tiếp tục hướng dẫn cho 13 tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết phải thở máy. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Bác sĩ Quang cho biết thêm sốt xuất huyết rất dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh thông thường, do đó khuyến cáo người dân nên đến bệnh viện kiểm tra ngay nếu sau 2-3 ngày sốt cao không đỡ.
Đặc biệt, khi mắc sốt xuất huyết, cần theo dõi kĩ người bệnh trong ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. Bởi giai đoạn này, người bệnh dù đã giảm sốt nhưng rất dễ rơi vào tình trạng sốc, dẫn đến biến chứng.
“Việc chẩn đoán sớm thông qua xét nghiệm máu giúp phát hiện bệnh kịp thời, tăng cơ hội điều trị hiệu quả. Nếu để muộn, các biến chứng như rối loạn đông máu hoặc tổn thương nội tạng có thể khiến việc điều trị trở nên phức tạp” - bác sĩ Quang nói.
Cảnh báo sốt xuất huyết tăng cao
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết theo thống kê mới nhất, tính đến hết ngày 15-7-2025, TP.HCM ghi nhận 15.546 ca sốt xuất huyết Dengue, tăng 157,9% so với cùng kỳ năm 2024, và ghi nhận tổng cộng 10 ca tử vong.
Cụ thể, khu vực TP.HCM (trước sáp nhập) ghi nhận 11.914 ca (tăng 167,1% so với cùng kỳ 2024), trong đó 222 ca chuyển nặng (cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ 2024) và ghi nhận 6 trường hợp tử vong.
Khu vực Bình Dương (trước sáp nhập) ghi nhận 2.695 ca (tăng 148% so với cùng kỳ 2024), trong đó 65 ca chuyển nặng (cao gấp 5 lần so với cùng kỳ 2024) và ghi nhận 3 trường hợp tử vong.
Khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu (trước sáp nhập) ghi nhận 929 ca (tăng 109,2% so với cùng kỳ 2024) và ghi nhận 1 trường hợp tử vong.

Dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh và lan rộng địa bàn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Theo bà Nga, tổng số ca mắc được ghi nhận cho thấy dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh. Những con số về ca chuyển nặng và ca tử vong cho thấy gánh nặng điều trị đang gây áp lực lên hệ thống y tế.
Từ đó đòi hỏi sự phối hợp và hành động nhanh chóng từ chính quyền, ngành y tế và cộng đồng trong việc tìm và loại bỏ nơi muỗi vằn đẻ trứng, ngăn chặn sự lan rộng của bệnh, cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh để kịp thời điều trị.
Theo đó, ngành y tế TP.HCM đã tăng cường các hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch và đánh giá điểm nguy cơ, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại hộ gia đình.
Công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết được đẩy mạnh qua nhiều kênh, trong đó đẩy mạnh hướng dẫn sử dụng ứng dụng “Y tế trực tuyến” để người dân tiếp cận phản ánh các điểm nguy cơ phát sinh muỗi gây bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Trước tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, yêu cầu các cơ sở y tế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm số ca mắc và tử vong.
Về công tác dự phòng, ông nhấn mạnh cần tăng cường các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng, giám sát điểm nguy cơ và đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch tại cộng đồng. Các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch phải bị xử phạt nghiêm.
Về điều trị, các cơ sở y tế phải rà soát, phân loại ca bệnh theo mức độ để kịp thời phát hiện, cảnh báo các trường hợp nặng hoặc có nguy cơ trở nặng. Đồng thời, cần tổ chức tập huấn chuyên môn về điều trị sốt xuất huyết cho bác sĩ đa khoa, nội khoa và đào tạo hồi sức tích cực tại các tuyến chuyên sâu.
Các bệnh viện được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, báo cáo ca bệnh kịp thời và tuân thủ đúng phác đồ điều trị.
Sở Y tế cũng chỉ đạo khẩn trương xây dựng kịch bản điều trị cho các ca nặng tại các khu vực trọng điểm sau sáp nhập đơn vị hành chính, đồng thời sớm triển khai thêm các bệnh viện có năng lực hồi sức để giảm tải cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
“Y tế trực tuyến” phòng chống sốt xuất huyết
Ngành y tế TP.HCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại hộ gia đình, cộng đồng và các cơ sở công cộng.
Cụ thể, cần diệt lăng quăng thông qua việc thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp với từng loại vật chứa nước mà muỗi vằn có thể đẻ trứng.
Đối với các vật chứa nước sử dụng thường xuyên, cần đậy kín và chà rửa thường xuyên đối với vật chứa nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt hàng ngày như xô, thùng, hồ; thay nước và chà rửa thường xuyên đối với bình bông, đĩa lót chậu kiểng, ly nước cúng hoặc thả cá bảy màu ăn lăng quăng vào hòn non bộ, cây thủy sinh.
Đối với các vật chứa nước chưa sử dụng hoặc không sử dụng thường xuyên, cần phải có biện pháp sắp xếp, che chắn, không để ứ đọng nước.
Đối với các vật chứa nước không có mục đích sử dụng như phế liệu, cần thu gom và loại bỏ ngay khi có thể.
Ngoài ra, cần diệt muỗi và phòng ngừa muỗi chích bằng các biện pháp như ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt muỗi. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Người dân cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể trên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý.