Sốt xuất huyết tăng cao, người dân nâng cao ý thức phòng ngừa

5 tuần gần đây, bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng mạnh trên địa bàn tỉnh và đã có 3 ca tử vong. Trước thực trạng báo động, địa phương đã đề ra các biện pháp cấp bách nhằm phòng, chống căn bệnh nguy hiểm này.

Ca mắc tăng gần 50% so cùng kỳ

Ngày 6-7, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 2.200 ca mắc SXH, tăng gần 50% so cùng kỳ năm trước (năm 2021 ghi nhận 1.352 ca). Đáng chú ý có 3 ca tử vong (năm 2021 có 1 ca tử vong) đều là trẻ dưới 15 tuổi, 1 ở huyện Phú Riềng, 2 ở thành phố Đồng Xoài.

Các địa phương có số ca mắc SXH cao như: Đồng Phú hơn 260 ca, Đồng Xoài hơn 250 ca, Chơn Thành hơn 250 ca, Phú Riềng hơn 240 ca... Trung bình 1 tuần trên địa bàn tỉnh có hơn 200 ca mắc SXH.

Thanh niên phường Phú Đức,TX. Bình Long phát quang bụi rậm các tuyến đường dân sinh trên địa bàn phường để phòng, chống sốt xuất huyết

Thanh niên phường Phú Đức,TX. Bình Long phát quang bụi rậm các tuyến đường dân sinh trên địa bàn phường để phòng, chống sốt xuất huyết

Theo bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, bệnh SXH tăng mạnh trong 5 tuần gần đây ở khắp các địa phương. Qua xác minh 3 trường hợp tử vong cho thấy, khi mắc bệnh, các em đều được đưa đến cơ sở y tế gần nhà hoặc mua thuốc về tự điều trị, đến khi bệnh chuyển biến rất nặng mới được đưa đến các bệnh viện tuyến cuối ở TP. Hồ Chí Minh điều trị và không qua khỏi.

“Bệnh SXH thường xảy ra ở trẻ em. Khi thấy trẻ có các triệu chứng như: đau bụng, sốt cao, chảy máu chân răng, ngủ li bì, ngủ sai giờ so với bình thường… người nhà nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Nếu bệnh nặng, các y, bác sĩ sẽ chuyển lên tuyến trên. Bộ Y tế đã đưa ra phác đồ điều trị chung đối với bệnh SXH và các y, bác sĩ ở tuyến tỉnh đều đã được các bác sĩ ở tuyến trên (tuyến cuối) tập huấn theo phác đồ điều trị chung. Do đó, khi trẻ có các biểu hiện nặng của bệnh SXH, người nhà cần đưa trẻ đến bệnh viện tuyến tỉnh để được can thiệp kịp thời” - bác sĩ Xuân khuyến cáo.

Cần nâng cao ý thức phòng bệnh

Bác sĩ Phạm Hoàng Xuân cho biết, nguyên nhân bệnh SXH tăng mạnh do mưa dày, khí hậu ẩm thấp dễ phát sinh mầm bệnh. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong phòng bệnh chưa cao; chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH mà ngành y tế đã khuyến cáo.

Nhân viên Trạm Y tế xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước phun thuốc phòng, chống sốt xuất huyết tại các cơ quan công sở trên địa bàn xã

Nhân viên Trạm Y tế xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước phun thuốc phòng, chống sốt xuất huyết tại các cơ quan công sở trên địa bàn xã

“Qua kiểm tra, giám sát, nhiều hộ gia đình vẫn còn các vật dụng chứa nước sinh hoạt không được vệ sinh thường xuyên, nhiều dụng cụ chứa nước không cần thiết chưa được loại bỏ, các dụng cụ phế thải không được thu gom, xử lý đúng cách… Đó là những nơi để muỗi truyền bệnh SXH sinh sản và phát triển. Ngoài ra, một số lượng lớn công nhân từ các tỉnh khác vào làm ở khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đa số sinh sống tại các khu nhà trọ chật chội là điều kiện để bệnh dễ lây lan” - bác sĩ Xuân cho biết thêm.

Cán bộ đoàn thanh niên phường Phú Đức, thị xã Bình Long hướng dẫn người dân diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết

Cán bộ đoàn thanh niên phường Phú Đức, thị xã Bình Long hướng dẫn người dân diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết

Để ứng phó trước diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của bệnh SXH trên địa bàn tỉnh, bác sĩ Xuân cho biết, CDC Bình Phước đã và đang cùng trung tâm y tế các địa phương tổ chức đợt phun hóa chất diện rộng, nhất là địa bàn có số ca mắc cao và tử vong vì SXH. Mặt khác, CDC Bình Phước cũng sẽ tham gia giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch. Về điều trị, sẽ phối hợp điều trị ca nặng, theo dõi kịp thời để chữa trị, hạn chế thấp nhất ca tử vong.

Bác sĩ Xuân khuyến cáo, để phòng, chống SXH, vấn đề cấp bách đặt ra lúc này đối với các cấp, ngành và từng hộ dân là không chủ quan cũng không trông chờ, ỷ lại hoàn toàn vào ngành y tế. Bệnh SXH đã tồn tại từ lâu và đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Do đó, mỗi hộ dân phải có ý thức, chủ động phòng bệnh bằng cách loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp thường xuyên; vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà…

Ngoài ra, phòng, chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài che kín tay chân; ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày; dùng các biện pháp thông thường để xua đuổi và diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi trong gia đình. Người bị SXH hoặc nghi bị mắc bệnh phải nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây sang người khác. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc SXH cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, hướng dẫn và điều trị kịp thời, tránh để quá nặng sẽ có nguy cơ tử vong.

Trước tình hình số ca mắc SXH tăng cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị tăng cường công tác phòng, chống dịch; chủ động giám sát dịch tễ, phát hiện sớm ca bệnh SXH, khống chế kịp thời dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện phòng, chống dịch tại tuyến huyện để điều phối, cung cấp cho các đơn vị theo diễn biến SXH từng địa bàn.

Bùi Liêm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/14/134762/sot-xuat-huyet-tang-cao-nguoi-dan-nang-cao-y-thuc-phong-ngua