Sri Lanka đóng cửa trường học, kêu gọi công chức làm việc ở nhà

Người dân xếp hàng chờ mua nhiên liệu để đun nấu tại Colombo, Sri Lanka, ngày 17/6/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Sri Lanka đang trong "cơn khát" nhiên liệu trầm trọng, buộc nước này phải đề ra các biện pháp nhằm tiết kiệm nhiên liệu như đóng cửa trường học, yêu cầu công chức làm việc ở nhà.

Trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ ở mức thấp kỷ lục, đảo quốc 22 triệu dân này đang nỗ lực chi trả cho các hóa đơn nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu gồm lương thực, thuốc men và nhất là nhiên liệu. Tại một trạm xăng ở trung tâm thủ đô Colombo, quân đội phát phiếu xếp hàng mua xăng cho những người đến mua xăng.

Bác tài xế xe lam W.D.Shelton, 67 tuổi, xếp thứ 24 trong hàng người chờ mua xăng, cho biết bác đã xếp hàng trong 4 ngày, không ngủ hoặc ăn trong thời gian chờ đợi này.

Không có xăng chạy xe, bác Shelton không thể nuôi gia đình. Kể từ tuần trước, đoàn người xếp hàng chờ mua xăng tại đây ngày một dài ra.

Trong tình hình khan hiếm như vậy, xăng sẽ được ưu tiên phân phối cho các phương tiện giao thông công cộng, các trạm phát điện và cơ sở y tế, với một số được chia cho các cảng biển và sân bay.

Chính phủ đã yêu cầu các công chức làm việc ở nhà cho đến khi có thông báo mới trong khi trường học thủ đô Colombia và các vùng xung quanh đóng cửa trong ít nhất một tuần.

Trước đó, ngày 25/6, Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera ngày cho biết quốc gia này đang cạn kiệt xăng và dầu diesel sau khi một số chuyến hàng dự kiến bị trì hoãn vô thời hạn.

Ông Wijesekera cho hay các lô hàng dầu mỏ đến hạn vào tuần trước đã không xuất bến trong khi những lô hàng - dự kiến đến vào tuần tới, cũng sẽ không đến được Sri Lanka vì lý do “tài chính và hậu cần".

Sri Lanka đang đối mặt tình trạng thiếu ngoại hối nghiêm trọng để chi trả ngay cho những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu nhất, gồm thực phẩm, thuốc men và xăng dầu, và quốc gia này đang kêu gọi các khoản tài trợ quốc tế.

Tập đoàn dầu khí Ceylon (CPC) do nhà nước điều hành cũng đóng cửa nhà máy lọc dầu duy nhất của mình do thiếu dầu thô.

Hôm 22/6, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết nền kinh tế của quốc gia Nam Á với 22 triệu dân "phải đối mặt với sự sụp đổ hoàn toàn" và kêu gọi mọi người sử dụng tiết kiệm nhiên liệu.

Không thể trả khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỉ USD, Chính phủ Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ vào tháng 4/2022.

Các nhà lãnh đạo đang đàm phán về một gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), song dự kiến phải mất nhiều tháng, khoản tiền này mới có thể được thông qua.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/280166/sri-lanka-dong-cua-truong-hoc-keu-goi-cong-chuc-lam-viec-o-nha.html