Su-30MK2 Việt Nam đủ sức đánh chìm tàu chiến địch mà không cần tên lửa diệt hạm chuyên dụng

Mặc dù tầm bắn ngắn hơn Kh-31A và không phải là tên lửa diệt hạm chuyên nghiệp, nhưng sự kết hợp giữa Kh-29TE với Su-30MK2 vẫn tạo ra hiệu quả rất cao.

Kh-29 (AS-14 Kedge) là một gia đình tên lửa không đối đất tầm ngắn mang đầu đạn lớn do Liên Xô/Nga chế tạo, có thể trang bị cho máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 hoặc tiêm kích đa năng Su-30MK2.

Phiên bản Kh-29TE là loại sử dụng cơ chế dẫn đường TV, được lắp đầu dò quang học tự động nhận dạng vật thể Tubus-2, tên lửa trước khi phóng sẽ "nhận diện" hình ảnh mục tiêu và sau khi phi công bấm nút khai hỏa, Kh-29 tự động bay tới theo dạng "phóng và quên". So với Kh-29T, biến thể Kh-29TE có tầm bắn kéo dài từ 10 km lên thành 30 km.

Giá phóng Kh-29 là loại APU-58 và AKU-58, tên lửa sẽ được thả rơi khỏi máy bay trước khi động cơ kích hoạt. Cấu hình mang tối đa Kh-29 trên Su-27/30 là 6 đạn, MiG-27 Flogger 2 đạn, Su-17/22M4 Fitter 2 đạn và Su-24M Fencer 3 đạn.

Tên lửa không đối đất Kh-29TE được trưng bày tại Triển lãm hàng không MAKS 2007. Ảnh: A.V Karlenko.

Tên lửa không đối đất Kh-29TE được trưng bày tại Triển lãm hàng không MAKS 2007. Ảnh: A.V Karlenko.

Mặc dù vai trò chính là tên lửa đối đất dùng để yểm trợ hỏa lực trên bộ, chuyên diệt các loại công sự kiên cố, nhưng đầu đạn trọng lượng 320 kg của Kh-29TE đủ sức đánh chìm một chiến hạm có lượng giãn nước lên tới 10.000 tấn, vận tốc lên tới 1.250 km/h của nó khiến hệ thống phòng không đối phương phải rất vất vả khi đối phó.

Kh-29TE thường được trang bị cho cường kích Su-22, nhưng dĩ nhiên là Su-30MK2 của Không quân nhân dân Việt Nam cũng hay mang loại tên lửa này trong những lần trực ban tác chiến.

Nếu áp dụng chiến thuật bay thấp bám mặt biển để tiếp cận mục tiêu rồi bất ngờ phóng đạn, Kh-29TE vẫn rất hiệu quả khi tấn công các loại tàu chiến đấu, tàu đổ bộ, tàu hậu cần... của đối phương. Đây là vũ khí bổ trợ cho Kh-31A nhờ số lượng nhiều hơn (ước tính 100 quả) trong khi chờ đợi bản KCT 15 phóng từ trên không được hoàn thiện.

Tên lửa Kh-29TE dưới cánh tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Không quân Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Tên lửa Kh-29TE dưới cánh tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Không quân Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Trong bài viết "Sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ công tác tham mưu kỹ thuật" đăng trên báo Quân đội Nhân dân vào năm 2017 cho biết, Bộ Tham mưu Tổng cục Kỹ thuật đã chỉ đạo và tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật.

Một trong những hạng mục đã hoàn thành chính là cải tiến thành công tên lửa không đối đất Kh-29T/L. Có khả năng đạn tên lửa đã được thay thế những thành phần công nghệ cũ bằng linh kiện mới cho độ tin cậy cao hơn.

Thành tựu trên đã góp phần nâng cao chất lượng vũ khí trang bị kỹ thuật, giúp Quân đội Nhân dân Việt Nam đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của môi trường tác chiến công nghệ cao.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/su-30mk2-viet-nam-du-suc-danh-chim-tau-chien-dich-ma-khong-can-ten-lua-diet-ham-chuyen-dung/20190828113735407