Sự chuyển mình tích cực của điện ảnh Việt
Nửa đầu năm 2025, điện ảnh Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ khi liên tục có những bộ phim đạt doanh thu 'khủng', tạo nên hiệu ứng tích cực không chỉ trên thị trường phòng vé mà còn trong đời sống văn hóa nghệ thuật.

“Bộ tứ báo thủ” của Trấn Thành với doanh thu trên 332 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Box Office Vietnam – đơn vị độc lập theo dõi doanh thu phòng vé, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, có gần 20 phim Việt được phát hành, mang về tổng doanh thu hơn 1.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng doanh thu phòng vé toàn quốc. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy phim Việt đang dần lấy lại thị phần vốn từng bị lấn át bởi phim ngoại nhập.
Nổi bật nhất trong danh sách là “Bộ tứ báo thủ” của Trấn Thành với doanh thu trên 332 tỷ đồng – dẫn đầu các phim nội. Kế đó là “Nhà gia tiên” (gần 240 tỷ), “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” của Victor Vũ (249 tỷ), “Lật mặt 8: Vòng tay nắng” của Lý Hải (232 tỷ), “Nụ hôn bạc tỷ” (210 tỷ), “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” (172 tỷ), “Quỷ nhập tràng” (150 tỷ) và “Đèn âm hồn” (105 tỷ)... đều là những phim Việt có sự đầu tư bài bản về mặt sản xuất, truyền thông và chiến lược phát hành.
Đáng chú ý, sự đa dạng trong đề tài và thể loại là điểm sáng giúp phim Việt tiếp cận rộng rãi hơn với nhiều nhóm khán giả. Không chỉ gói gọn trong các dòng phim hài hước hay tình cảm dễ xem, nhiều tác phẩm đã mạnh dạn khai thác những chủ đề khó như chiến tranh, lịch sử, tâm linh hay các vấn đề xã hội. Chẳng hạn, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã tạo nên một góc nhìn mới về dòng phim chiến tranh cách mạng. Với lối kể chuyện hiện đại, giàu cảm xúc, phim đã gây ấn tượng mạnh, đặc biệt là với giới trẻ.

“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là một bộ phim thuộc thể loại lịch sử - chiến tranh - chính kịch đã tạo nên một góc nhìn mới về dòng phim chiến tranh cách mạng.
Cùng với đó, dòng phim tâm linh – kinh dị mang màu sắc dân gian như “Đèn âm hồn”, “Quỷ nhập tràng”… cũng có sự bứt phá. Dù còn nhận nhiều ý kiến trái chiều về mặt nội dung, hình ảnh và kỹ thuật dựng phim, nhưng thành công về doanh thu đã phần nào cho thấy khán giả Việt đang có xu hướng yêu thích các tác phẩm khai thác chất liệu văn hóa truyền thống. Đây được xem là một hướng đi tiềm năng, tạo điều kiện để các nhà làm phim sáng tạo nội dung mang bản sắc riêng, đồng thời đáp ứng được yếu tố giải trí thị trường.
Dù doanh thu cao không hoàn toàn đồng nghĩa với chất lượng, nhưng đây vẫn là tín hiệu tích cực cho thấy phim Việt đang dần lấy lại thị phần, thậm chí có khả năng vượt qua những đối thủ nước ngoài từng chiếm ưu thế trên chính sân nhà.

"Đèn âm hồn" lấy cảm hứng từ tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương".
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, việc phim Việt liên tiếp thắng lớn không chỉ là một "cú hích" cho điện ảnh Việt, mà còn là động lực để các nhà làm phim, đặc biệt nhà làm phim trẻ mạnh dạn đầu tư, khai thác tiềm năng. Để điện ảnh Việt phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới, rất cần một chiến lược phát triển dài hơi, có định hướng rõ ràng để bền vững, trong đó, vấn đề về nguồn nhân lực vẫn một bài toán khó cần được tập trung giải quyết.
Muốn duy trì đà tăng trưởng này, ngành điện ảnh cần một chiến lược phát triển tổng thể, trong đó chú trọng cân bằng giữa thương mại và nghệ thuật, đầu tư cho nhân lực và cải tiến mô hình sản xuất – phát hành. Khi đó, điện ảnh Việt mới thực sự có thể vươn ra quốc tế với một bản sắc rõ nét và chất lượng vững vàng.