Sử dụng công cụ hoán đổi rủi ro tín dụng trong quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
ThS. TRẦN CHÍ CHINH (Khoa Ngân hàng - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT:
Sự ra đời của công cụ hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit default swaps - CDS) là một trong những sự đổi mới của thị trường tài chính thế giới. Sự xuất hiện của chúng đã cung cấp cho các ngân hàng thương mại (NHTM) một công cụ mới để quản trị rủi ro tín dụng (RRTD). Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ CDS trong quản trị RRTD của các NHTM không chỉ mang lại lợi ích, chúng cũng gây ra rủi ro. Do vậy, việc tìm hiểu về những lợi ích và rủi ro, đồng thời phân tích các điều kiện sẽ giúp các NHTM Việt Nam có thể sử dụng hiệu quả công cụ CDS trong quản trị RRTD.
Từ khóa: Hoán đổi rủi ro tín dụng, quản trị giao dịch, quản trị danh mục, ngân hàng thương mại.
1. Đặt vấn đề
Trong giai đoạn gần đây, quản trị RRTD trong hoạt động cho vay đã có sự thay đổi lớn; từ quan điểm đến cách tiếp cận, cũng như phương pháp và kỹ thuật. Dưới quan điểm truyền thống, RRTD thường được nhìn nhận trong trạng thái tĩnh. Dưới quan điểm hiện đại, RRTD được xem xét trong trạng thái động. Cách tiếp cận cũng chuyển từ quản trị giao dịch sang quản trị danh mục. Trong khi đó, về phương pháp và kỹ thuật cũng chuyển từ mô hình "khởi tạo - duy trì/nắm giữ" thụ động sang mô hình "khởi tạo - phân bổ" chủ động đối với RRTD. Điểm giống nhau cơ bản giữa 2 loại mô hình này, đó là chúng sử dụng cùng cách thức, kỹ thuật để khởi tạo và giám sát đối với các khoản vay hoặc người vay. Điểm khác biệt giữa chúng, đó là với mô hình "khởi tạo - duy trì/nắm giữ" thụ động, các khoản vay sau khi được khởi tạo, chúng sẽ được các NHTM nắm giữ cho tới khi đáo hạn. Trong khi đó, với mô hình "khởi tạo - phân bổ" chủ động, các NHTM còn thường xuyên sử dụng các công cụ hiện đại để chủ động điều chỉnh RRTD của danh mục cho vay. Trong một môi trường luôn có sự biến động như thị trường cho vay, ngoài nhận diện, đánh giá/đo lường thường xuyên đối với từng khoản vay và danh mục cho vay, các NHTM cần phải sử dụng thêm các công cụ để chủ động điều chỉnh RRTD và/hoặc tỷ suất lợi nhuận đối với danh mục cho vay. Và một trong những công cụ để các NHTM thực hiện được điều này, đó là CDS.
Các nghiên cứu liên quan đến chủ đề về sử dụng công cụ CDS trong quản trị RRTD đã được nhiều tác giả đề cập với nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Tiếp cận về động cơ trong việc sử sụng CDS, Das (1998), Lê Hồ An Châu (2006), Parlour và Winton (2013), Atkeson và ctg (2015) tranh luận rằng, động cơ sử dụng công cụ CDS trong quản trị RRTD của các NHTM, bởi họ mong muốn đa dạng hóa danh mục cho vay, cải thiện mức độ RRTD tập trung hoặc quản trị chủ động đối với danh mục cho vay. Tiếp cận về lợi ích và rủi ro của việc sử dụng CDS, Acharya và Johnson (2007), Leitner (2012), Acharya và Bisin (2014) cho thấy, CDS có vai trò là công cụ chuyển giao RRTD, qua đó giúp ngân hàng phòng ngừa và bảo hiểm đối với RRTD. Tuy nhiên, cũng giống như các hình thức bảo hiểm khác, bên mua hoặc bên bán CDS có thể phải đối mặt với rủi ro được gây ra bởi các đối tác. Tiếp cận về giải pháp để hạn chế rủi ro, Nicolo và Pelizzon (2008), Bolton và Oehmke (2011, 2015) cho rằng, bên bán CDS có thể hạn chế được rủi ro thông qua kỹ thuật thiết kế các loại hợp đồng đối với CDS. Trong khi đó, Jarrow (2011), Biais và ctg (2016) cho rằng, bên mua CDS có thể hạn chế được rủi ro thông qua thanh toán hoặc giao dịch tập trung.
Mục tiêu bài viết này, đó là phân tích những lợi ích và rủi ro, điều kiện mà các NHTM cần phải đáp ứng; phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp để các NHTM Việt Nam có thể sử dụng hiệu quả công cụ CDS trong quản trị RRTD; đặc biệt là những điều kiện ứng với bối cảnh các NHTM Việt Nam đang triển khai quản trị rủi ro theo Basel II. Để thực hiện được mục tiêu này, tác giả bài viết sử dụng phương pháp tổng hợp, phương pháp thống kê mô tả và phương pháp chuyên gia.
2. Tổng quan về công cụ CDS
CDS là công cụ tài chính thuộc phái sinh tín dụng. Theo Kolb và Overdahl (2010): "CDS tương tự như hợp đồng bảo hiểm giữa hai chủ thể, bên bán sự bảo vệ (SBV) và bên mua SBV. Trong đó, bên mua SBV tìm kiếm an toàn đối với tài sản cơ sở. Bên bán SBV thỏa thuận cung cấp bảo hiểm để lấy phí. Tài sản cơ sở được hiểu là nghĩa vụ hoặc chủ thể tham chiếu".
Hull (2018) cho rằng, "CDS là hợp đồng cung cấp bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro từ sự vỡ nợ của công ty riêng biệt - chủ thể tham chiếu và sự vỡ nợ của công ty chính là sự cố tín dụng". Hiệp hội Phái sinh và Hoán đổi Quốc tế đã định nghĩa 8 sự cố tín dụng riêng biệt có liên quan đến chủ thể tham chiếu. Tuy nhiên, sự cố tín dụng được sử dụng phổ biến đó là sự phá sản và không thanh toán nợ của chủ thể tham chiếu. Ngoài ra, trong một số hợp đồng CDS, sự cố tín dụng còn bao hàm cả việc cơ cấu lại nợ hoặc việc sụt giảm hạng tín nhiệm đối với chủ thể tham chiếu.
Cơ chế hoạt động của CDS thì tương tự như cơ chế hoạt động của bảo hiểm. Trong đó, bên mua CDS được xem như là bên mua SBV, còn bên bán CDS có vai trò như là bên bán SBV. Trình tự các bước thực hiện quá trình giao dịch CDS có thể được khái quát như sau:
Hình 1: Sơ đồ hoán đổi rủi ro tín dụng
Bước 1, bên mua và bên bán thỏa thuận để ký kết hợp đồng CDS: Trong quản trị RRTD đối với hoạt động cho vay, bên mua CDS khi có nhu cầu cần bảo hiểm đối với một hoặc nhóm khoản vay, họ sẽ tìm kiếm các bên bán CDS có thể cung cấp sự bảo hiểm này. Mục đích chính của bên mua CDS thường là để phòng ngừa RRTD đối với những khoản vay hoặc cần giảm thiểu RRTD tập trung đối với danh mục cho vay. Trong khi đó, mục đích của bên bán CDS thường là để đa dạng hóa danh mục cho vay. Khi 2 bên đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, họ sẽ tiến hành thỏa thuận để ký kết hợp đồng CDS.
Bước 2, bên mua và bên bán thực hiện thanh toán phí CDS: Căn cứ vào các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng CDS, bên mua sẽ thực hiện việc thanh toán phí CDS cho bên bán. Bên bán sẽ không hoàn trả khoản phí CDS cho bên mua kể cả khi không có sự cố tín dụng xảy ra. Phương thức thanh toán phí CDS sẽ tùy thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng.
Bước 3, bên mua và bên bán thực hiện thanh toán khi sự cố tín dụng xảy ra: Trong thời gian hợp đồng CDS còn hiệu lực, nếu sự cố tín dụng xảy ra, bên bán CDS sẽ phải thực hiện thanh toán tới bên mua CDS. Ngược lại, nếu sự cố tín dụng không xảy ra thì khi đáo hạn, hợp đồng CDS sẽ tự động thanh lý. Về hình thức thanh toán, chúng có thể là thanh toán tiền hoặc chuyển giao vật chất, điều này sẽ do bên mua và bên bán thỏa thuận trước trong hợp đồng CDS.
3. Lợi ích và rủi ro của việc sử dụng CDS trong quản trị RRTD
3.1. Lợi ích
Thứ nhất, CDS là công cụ hữu ích giúp NHTM phòng ngừa, giảm thiểu RRTD tập trung hoặc đa dạng hóa danh mục cho vay: CDS là công cụ có thể giúp các NHTM hạn chế mâu thuẫn giữa mục tiêu tập trung hóa và mục tiêu đa dạng hóa danh mục cho vay. Bởi với mục tiêu tập trung hóa cho vay, các NHTM sẽ dành được lợi thế so sánh trong đánh giá và giám sát khoản vay hoặc người vay. Tuy nhiên, với mục tiêu tập trung hóa danh mục cho vay, các NHTM có thể phải đối mặt với RRTD tập trung. Nhưng với sự hiện diện của công cụ CDS, chúng đã cho phép các NHTM dễ dàng chuyển giao và nhận chuyển giao RRTD với các đối tác khác. Thông thường, các NHTM sẽ chuyển giao RRTD bằng việc mua CDS đối với các khoản vay thuộc những ngành, khu vực địa lý có RRTD tập trung ở mức cao. Song song với đó, các NHTM sẽ nhận chuyển giao RRTD bằng việc bán CDS đối với các khoản vay thuộc những ngành, khu vực địa lý có mức độ RRTD tập trung thấp, hoặc chưa có sự hiện diện trong danh mục cho vay.
Thứ hai, CDS là công cụ hữu ích giúp các NHTM định giá khoản vay hiệu quả hơn: CDS giúp NHTM có được sự hiểu biết sâu hơn về RRTD và quản trị RRTD. Chúng cũng giúp cho sự phát triển liên quan đến việc định giá khoản vay của các NHTM hiệu quả hơn. Ngoài ra, với sự hiện diện của công cụ CDS, các NHTM sẽ có thêm kết quả để so sánh với các phương pháp định giá khoản vay hiện đang được áp dụng.
Thứ ba, CDS là công cụ hữu ích giúp các NHTM quản trị chủ động đối với danh mục cho vay: Các NHTM có thể sử dụng CDS để chuyển giao một phần hoặc toàn bộ RRTD của khoản vay tới người khác hoặc cũng có thể nhận thêm rủi ro. Với cơ chế này, các NHTM có thể dễ dàng điều chỉnh mức độ RRTD và/hoặc tỷ suất lợi nhuận của danh mục cho vay. Điều này đã giúp cho các NHTM duy trì mức độ RRTD thực tế tương đương với mức độ RRTD mục tiêu.
3.2. Rủi ro
CDS mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho các NHTM trong việc quản trị RRTD. Tuy nhiên, chúng cũng có thể gây ra một số rủi ro, thách thức đối với các NHTM.
Thứ nhất, rủi ro pháp lý: Khi sử dụng công cụ CDS, các NHTM có thể phải đối mặt với rủi ro pháp lý. Điều này là bởi các hồ sơ liên quan đến CDS là khá phức tạp. Ngoài ra, RRTD thì ít được chuẩn hóa và là “hàng hóa” phức tạp hơn so với rủi ro lãi suất và rủi ro tiền tệ.
Thứ hai, rủi ro hoạt động: Công cụ CDS có thể làm thay đổi RRTD bằng các phương pháp phức tạp, đòi hỏi muốn sử dụng chúng cần phải hiểu rõ về sự phức tạp này.
Thứ ba, rủi ro thanh toán: Sự thanh toán đối với các hợp đồng CDS khi xảy ra sự vỡ nợ có thể khá phức tạp. Điều này là bởi sự định nghĩa liên quan đến sự cố tín dụng không phải lúc nào cũng rõ ràng.
4. Điều kiện các NHTM cần phải đáp ứng để sử dụng hiệu quả công cụ CDS trong quản trị RRTD
4.1. Điều kiện về nguồn nhân lực của các NHTM
Các NHTM chỉ có thể sử dụng hiệu quả công cụ CDS trong quản trị RRTD và chỉ khi họ có được đội nguồn nhân lực không những phải có khả năng nhận diện, đánh giá/đo lường, giám sát RRTD đối với từng khoản vay và danh mục cho vay; họ còn phải có khả năng vận dụng được các phương pháp để xác định những khoản vay cần chuyển giao RRTD.
Các NHTM cũng cần phải có đội nguồn nhân lực không chỉ phải có sự hiểu biết sâu, mà còn phải có khả năng vận dụng, cùng với đó là khả năng quản trị rủi ro đối với công cụ CDS.
4.2. Điều kiện về sự phát triển đối với quản trị RRTD của các NHTM
Sự phát triển về quản trị RRTD là một trong những yếu tố quan trọng để các NHTM sử dụng hiệu quả công cụ CDS. Sự phát triển về quản trị RRTD của các NHTM được thể hiện thông qua sự phát triển những công cụ có khả năng định lượng được RRTD, không những đối với từng giao dịch cho vay, mà cả đối với danh mục cho vay.
Song song với sự phát triển các công cụ/mô hình định lượng RRTD, để có thể sử dụng hiệu quả công cụ CDS, đòi hỏi các NHTM cũng phải phát triển các mô hình đo lường thành quả theo rủi ro, chẳng hạn như đường biên hiệu quả, mô hình đo lường dựa vào tỷ suất lợi nhuận của vốn được điều chỉnh theo rủi ro (RAROC). Ngoài ra, các NHTM cũng cần phải phát triển các mô hình quản trị rủi ro được tiếp cận theo quan điểm, phương pháp và kỹ thuật hiện đại, chẳng hạn như mô hình "khởi tạo - phân bổ" chủ động đối với RRTD.
5. Thực trạng về nguồn nhân lực và sự phát triển đối với quản trị RRTD của các NHTM Việt Nam
5.1. Thực trạng nguồn nhân lực của các NHTM Việt Nam
Phát triển đội ngũ nguồn nhân lực, đây cũng là một trong những vấn đề rất được quan tâm bởi các NHTM Việt Nam. Điều này được thể hiện từ khâu tuyển dụng đến khâu đào tạo. Về tuyển dụng, các NHTM Việt Nam rất chú trọng đến chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực được truyển dụng vào các bộ phận có liên quan đến quản trị RRTD về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và đặc biệt là phẩm chất đạo đức. Về đào tạo, các NHTM Việt Nam hàng năm thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về nghiệp vụ, nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp để lãnh đạo, nhân viên có thể đảm nhiệm tốt chức năng, nhiệm vụ quản trị RRTD. Kết quả khảo sát 189 người là lãnh đạo, nhân viên thẩm định tín dụng và quản lý RRTD tại 12 NHTM Việt Nam về các khóa đào tạo nghiệp vụ do Ngân hàng tổ chức mà họ đã tham gia trong năm 2018 cho thấy trong tổng số người được khảo sát, có: 41.8% số người đã tham gia từ 3 khóa đào tạo nghiệp vụ trở lên; 29.6% số người đã tham gia 2 khóa đào tạo nghiệp vụ; 21.2% số người đã tham gia 1 khóa đào tạo nghiệp vụ, và chỉ có 7.4% số người không tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ nào.
Hình 2: Số lượng các khóa đào tạo nghiệp vụ do ngân hàng tổ chức mà lãnh đạo, nhân viên đã tham gia trong năm 2018
5.2. Thực trạng sự phát triển đối với quản trị RRTD của các NHTM Việt Nam
Để đánh giá thực trạng sự phát triển đối với quản trị RRTD của các NHTM Việt Nam, tác giả bài viết đã tiến hành phỏng vấn các lãnh đạo tại 11 NHTM Việt Nam - thông qua phỏng vấn trực tiếp.
Kết quả cho thấy, hiện tại, các NHTM Việt Nam phần lớn mới chỉ phát triển được công cụ đo lường rủi ro giao dịch. Trong khi đó, đối với rủi ro danh mục, chúng được tiếp cận bởi phương pháp đánh giá rủi ro danh mục thông qua phân tích rủi ro tập trung. Bên cạnh đó, mô hình RAROC mặc dù đã được đề cập trong Thông tư 13 (2018), nhưng việc áp dụng mô hình này trong thực tiễn quản trị RRTD tại các NHTM Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Về thực tế sử dụng công cụ CDS trong quản trị RRTD, mặc dù hiện nay chúng cũng đã được quy định trong một số văn bản pháp lý của Việt Nam, chẳng hạn như Thông tư 41 (2016), Thông tư 13 (2018). Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam chưa hình thành thị trường CDS, do vậy, các NHTM Việt Nam cũng chưa sử dụng công cụ này để quản trị RRTD.
6. Một số giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả công cụ CDS trong quản trị RRTD của các NHTM Việt Nam
6.1. Các NHTM Việt Nam cần phát triển đội ngũ nguồn nhân lực
Các NHTM sử dụng công cụ CDS trong quản trị RRTD khi chưa có một đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn tốt, cũng như chưa có khả năng vận dụng thành thạo các kỹ thuật nghiệp vụ trong quản trị RRTD, đặc biệt là quản trị RRTD đối với CDS. Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính gây ra rủi ro/ tổn thất cho NHTM.
Như vậy, để có thể sử dụng hiệu quả công cụ CDS trong quản trị RRTD; điều kiện đầu tiên, đó là các NHTM Việt Nam cần phải phát triển đội ngũ nguồn nhân lực, không những phải có chuyên môn sâu, còn phải có kỹ năng nghiệp vụ tốt trong việc quản trị RRTD. Đội ngũ nguồn nhân lực này, không những phải có khả năng sử dụng thuần thục các công cụ đánh giá/ đo lường, chuyển giao RRTD, họ còn phải có khả năng phát triển ra những công cụ mới để quản trị RRTD.
6.2. Các NHTM Việt Nam cần xác định khả năng chịu đựng và khẩu vị RRTD
Công cụ CDS không chỉ đem lại lợi ích, đôi khi chúng cũng gây ra rủi ro/ tổn hại cho các NHTM sử dụng chúng. Do vậy, khi Việt Nam hình thành thị trường CDS, để sử dụng hiệu quả công cụ CDS trong quản trị RRTD, các NHTM Việt Nam cần phải xác định được khả năng chịu đựng và khẩu vị RRTD; và để bảo đảm an toàn, khẩu vị RRTD này cần thấp hơn khả năng chịu đựng RRTD.
6.3. Các NHTM Việt Nam cần phát triển quản trị RRTD
CDS mặc dù là một công cụ để quản trị RRTD. Tuy nhiên, chúng là công cụ quản trị RRTD khá phức tạp. Bất kỳ một NHTM nào khi muốn sử dụng chúng, đòi hỏi không chỉ phải có sự hiểu biết sâu, mà còn phải có khả năng quản trị rủi ro đối với chúng.
Như vậy, khi các NHTM Việt Nam sử dụng công cụ CDS, ngoài việc cần phải tìm hiểu kỹ đối với chúng - về pháp lý, về kỹ thuật, về lợi ích và rủi ro; cũng cần phải phát triển quản trị RRTD, đặc biệt là phát triển các công cụ/ mô hình đo lường RRTD - trên cả phương diện từng giao dịch lẫn danh mục. Sự phát triển quản trị RRTD, không những giúp cho các NHTM Việt Nam có thể xác định được những trường hợp nào cần thiết phải sử dụng công cụ CDS; chúng còn giúp họ có thể theo dõi, kiểm soát được rủi ro liên quan đến các giao dịch CDS nói riêng và tổng thể RRTD của danh mục cho vay nói chung.
7. Kết luận
CDS hiện được xem là một trong những công cụ hữu hiệu để quản trị RRTD, không những đối với từng khoản vay, mà còn đối với danh mục cho vay. Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ CDS trong quản trị RRTD không chỉ mang lại lợi ích, chúng cũng có thể gây ra rủi ro, tổn hại cho các NHTM. Do vậy, để nâng cao được lợi ích, đồng thời hạn chế được rủi ro khi sử dụng công cụ CDS trong quản trị RRTD, đòi hỏi các NHTM phải đáp ứng được các điều kiện về nguồn lực và sự phát triển về quản trị RRTD.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tài liệu tiếng Việt:
1. Lê Hồ An Châu (2006), "Bàn về một số điều kiện cần thiết để phát triển thị trường công cụ tín dụng phái sinh tại Việt Nam", Công nghệ Ngân hàng, số 13 (tháng 11 - 12/2006), trang 17 - 20.
2. Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, "Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài".
3. Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/05/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, "Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài".
Tài liệu tiếng Anh:
1. Acharya, V. and Bisin, A. (2014), "Counterparty risk externality: Centralized versus over-the-counter markets", Journal of Economic Theory 149, pp. 153 - 182.
2. Acharya, V.V. and Johnson, T.C. (2007), "Insider trading in credit derivatives", Journal of Financial Economics 84, pp. 110 - 141.
3. Atkeson, A.G., Eisfeldt, A.L. and Weill, P.O. (2015), "Entry and Exit in OTC Derivatives Markets", Econometrica, Vol. 83, No. 6, pp. 2231 - 2292.
4. Biais, B., Heider, F. and Hoerova, M. (2016), "Risk-Sharing or Risk-Taking? Counterparty Risk, Incentives, and Margins", Working Paper, accepted Article, doi: 10.1111/jofi.12396.
5. Bolton, P. and Oehmke, M. 2011, "Credit Default Swaps and the Empty Creditor Problem", Review of Financial Studies, Vol. 24, No. 8, pp. 2617 - 2655.
6. Bolton, P. and Oehmke, M. 2015, "Should Derivatives Be Privileged in Bankruptcy?", Journal of Finance, Vol. 70, No. 6, pp. 2353 - 2394.
7. Das, S. 1998, Credit derivatives: Trading and management of credit and default risk, John Wiley & Sons (Asia) Pte Ltd.
8. Jarrow, R.A. 2011, "The Economics of Credit Default Swaps", Annual Review of Financial Economics, Vol. 3, pp. 235 - 257.
9. Hull, J.C. 2018, Options, futures, and other derivatives, 10th edn, Pearson Education.
10. Kolb, R.W. and Overdahl, J.A. 2010, Financial derivatives, pricing and risk management, John Wiley & Sons, Inc., Hoboken, New Jersey.
11. Leitner, Y. 2012, "Inducing Agents to Report Hidden Trades: A Theory of an Intermediary", Review of Finance 16, pp. 1013 - 1042.
12. Nicolo, A. and Pelizzon, L. 2008, "Credit derivatives, capital requirements and opaque OTC markets", Journal of Financial Intermediation 17, pp. 444 - 463.
13. Parlour, C.A. and Winton, A. 2013, "Laying off credit risk: Loan sales versus credit default swaps", Journal of Financial Economics 107, pp. 25 - 45.
USING CREDIT DEFAULT SWAP IN CREDIT RISK MANAGEMENT
AT COMMERCIAL BANKS IN VIETNAM
● Master. TRAN CHI CHINH
Faculty of Banking, Banking University of Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
The introduction of Credit Default Swap (CDS) is a significant innovation in global financial market. CDS has been used as a modern tool of credit risk management in many commercial banks around the world. There are many benifits provided from this application, however, it may also lead to a lot of risk. This paper is to clarify both benifits and risks of using CDS as well as to analyze the important conditions for Vietnamese commercial banks to effectively use the CDS in their credit risk management.
Keywords: Credit Default Swaps, transaction management, portfolio management, commercial bank.