Sự hiu hắt của cầu lông Việt Nam

Trong lúc Nguyễn Thùy Linh gây tiếng vang ở đấu trường quốc tế, đời sống cầu lông Việt Nam lại khá buồn tẻ. Ngay cả giải đấu lớn như Việt Nam Challenge 2024 cũng không thu hút được nhiều người hâm mộ.

Sự hiu hắt của Việt Nam Challenge 2024

Ciputra Hà Nội - Việt Nam Challenge 2024 là giải đấu cầu lông thường niên lớn thứ 2 được tổ chức tại Việt Nam, chỉ sau Việt Nam Open. Tuy nhiên, công tác truyền thông cho giải đấu khá hạn chế, tập trung chủ yếu trên trang Facebook của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam (VBF).

Trước khi giải đấu khởi tranh, VBF chỉ lên một bài duy nhất giới thiệu về thời gian, địa điểm thi đấu và số lượng vận động viên Việt Nam tham dự, và một bài khác về lịch trình thi đấu của các nội dung. Sau đó, trang thông tin này đưa lên những nội dung cơ bản về lịch thi đấu, và trực tiếp một số trận đấu.

Anh Thư là niềm hy vọng mới của cầu lông Việt Nam?

Anh Thư là niềm hy vọng mới của cầu lông Việt Nam?

Không có đài truyền hình nào mua bản quyền phát sóng giải đấu, dẫn đến việc nhiều trận đấu hấp dẫn không được phát sóng. Trong ngày thi đấu đầu tiên, người hâm mộ không thể xem Lê Đức Phát và Nguyễn Hải Đăng trên các kênh sóng chính thống. Tuy nhiên, số khán giả đến xem trực tiếp tại Nhà thi đấu Tây Hồ cũng khá ít ỏi. Khán đài không lớn, nhưng chỉ lẻ tẻ vài người và hầu hết trong đó là những thành viên của các kênh truyền thông, bán hàng cá nhân.

Đây là điều khó trách khi Việt Nam Challenge 2024 gần như không được quảng bá. Bên ngoài Nhà thi đấu Tây Hồ, không có dấu hiệu nào cho thấy một trong những giải cầu lông lớn nhất tại Việt Nam đang diễn ra. Bạn sẽ phải đi sâu vào bên trong, đến sát địa điểm thi đấu mới thấy băng rôn, chỉ dẫn về giải đấu. Chỉ có những ai thực sự sống với cầu lông Việt Nam hằng ngày mới nắm được thông tin.

Sự hiu hắt này vừa đáng trách, vừa đáng buồn. Ban tổ chức rộng tay khi mở cửa miễn phí cho người hâm mộ, nhưng lại không quảng bá. Nếu không có gì thay đổi, Việt Nam Challenge 2024 sẽ trôi đi trong im lặng khi 2 ngôi sao lớn nhất tham dự của Việt Nam, Lê Đức Phát và Nguyễn Hải Đăng đều bị loại ngay từ vòng đầu tiên. Trong lúc phong trào cầu lông của người dân Thủ đô tăng mạnh trong những năm gần đây, việc đưa họ đến gần hơn với môn thể thao này chưa được chú ý đúng mức.

Tất nhiên, đó không phải lý do duy nhất. Sự vắng mặt của ngôi sao số 1 Việt Nam hiện tại, Nguyễn Thùy Linh cùng biểu tượng Nguyễn Tiến Minh là những nguyên nhân khác khiến Việt Nam Challenge 2024 bị ghẻ lạnh. Năm ngoái, các khán đài Nhà thi đấu Tây Hồ gần như được lấp kín khi Nguyễn Thùy Linh lên ngôi vô địch nội dung đơn nữ, còn Lê Đức Phát giành ngôi á quân nội dung đơn nam.

Hiện tại, Thùy Linh đang du đấu ở châu Âu, tham dự các giải đấu lớn để tích lũy điểm số trong cuộc đua giành vé dự Olympic Paris 2024. Trong khi đó, Nguyễn Tiến Minh không được tham dự Việt Nam Challenge 2024 vì không đủ điểm quốc tế. Đây là sự vắng mặt rất đáng tiếc, và Ban tổ chức Việt Nam Challenge 2024 có lẽ nên tìm cách để đưa vào giải đấu những tấm vé mời đặc biệt. Không chỉ thu hút người hâm mộ, sự hiện diện của Tiến Minh cũng hứa hẹn tạo ra động lực lớn cho các vận động viên trẻ Việt Nam khi đối đầu với các tay vợt quốc tế.

Hướng đi cho tương lai

Nguyễn Tiến Minh trước đây và Nguyễn Thùy Linh hiện tại chứng minh cầu lông Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển lên đẳng cấp rất cao, vươn tầm thế giới. Thế nhưng, xung quanh hai ngôi sao này lại có quá ít tài năng được phát triển đúng mức.

Lê Đức Phát bắt đầu đánh giải quốc tế nhiều hơn trong năm nay và mới giành chức vô địch Uganda Challenge 2024. Tuy nhiên, thất bại tại Việt Nam Challenge 2024 cho thấy sự thiếu ổn định của tay vợt 26 tuổi này. Việc không được đầu tư mạnh là một trong những nguyên nhân khiến Lê Đức Phát không thể bứt phá.

Khi mới thi đấu chuyên nghiệp, Lê Đức Phát nằm ở top… 2.000, nhưng anh nhanh chóng tiến sát top 100 vào năm 2019. Sau đó, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến đà thăng tiến của Lê Đức Phát chững lại, văng ra khỏi top 300 vào đầu năm 2023. Anh trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023, leo lên hạng 74 thế giới - thứ hạng cao nhất sự nghiệp nhưng chưa tạo ra sự bùng nổ như Nguyễn Thùy Linh.

Ngoài Đức Phát, Nguyễn Hải Đăng cũng là cái tên xứng đáng được đầu tư. Nguyễn Hải Đăng vừa vô địch giải quốc tế ở Iran, được cộng thêm 4.000 điểm và leo lên hạng 82 thế giới. Ở tuổi 23, đàn em của Nguyễn Tiến Minh vẫn còn rất nhiều thời gian và không gian để phát triển.

Tương tự như vậy, các tay vợt nữ Việt Nam đang có Vũ Thị Anh Thư đầy hứa hẹn. Tay vợt sinh năm 2001 là đại diện duy nhất của nước chủ nhà giành vé đi tiếp tại nội dung đánh đơn ở Việt Nam Challenge 2024. Mới nhất, Anh Thư xuất sắc đánh bại hạt giống số 7, Lin Sih Yun cho dù dính chấn thương giữa trận đấu.

Màn trình diễn tại giải đấu cho thấy Anh Thư rất tiềm năng. Bên trong dáng vẻ nhỏ nhắn là sự bền bỉ và chiến thuật đánh cầu rất linh hoạt. Cùng với Lê Đức Phát và Hải Đăng, Anh Thư hoàn toàn có thể tiến lên đẳng cấp mới nếu được thi đấu quốc tế nhiều hơn trong thời gian tới.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/su-hiu-hat-cua-cau-long-viet-nam-i725565/