Sự kiện tạo ra bước ngoặt trong lịch sử nước Mỹ

Sáng 11-9 (theo giờ địa phương), nước Mỹ đã bắt đầu những hoạt động tưởng niệm các nạn nhân của một loạt vụ khủng bố xảy ra ngày 11-9-2001. Sự kiện tưởng niệm này đã trở thành truyền thống hằng năm nhưng năm nay lại mang ý nghĩa đặc biệt khi tròn 20 năm từ khi vụ khủng bố xảy ra, sự kiện tạo ra bước ngoặt trong lịch sử nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân Jill Biden đã khởi động lễ tưởng niệm năm nay trước tiên tại New York, sau đó đến Shanksville (Pennsylvania), nơi một chiếc máy bay của United Airlines bị bọn khủng bố tấn công đã bị rơi khiến 40 người thiệt mạng và ở Arlington (Virginia), trong khuôn viên Lầu Năm Góc. Phó tổng thống Kamala Harris cùng chồng Doug Emhoff cũng đến Shanksville trước khi cùng vợ chồng Tổng thống Joe Biden có mặt tại Lầu Năm Góc. Tại các địa điểm trên, Tổng thống Joe Biden và phu nhân Jill Biden đã bày tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ những người đã mất trong vụ khủng bố cách đây 20 năm.

Tổng thống Joe Biden trong lễ tưởng niệm tại New York. Ảnh: AFP

Tổng thống Joe Biden trong lễ tưởng niệm tại New York. Ảnh: AFP

Trước đó, trong một video đăng tải ngày 10-9, giờ Washington, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi người dân thể hiện tình đoàn kết, điều mà ông cho là "sức mạnh lớn nhất" của nước này. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, đoàn kết không có nghĩa là phải tin vào điều giống nhau, “nhưng chúng ta phải có một sự tôn trọng và niềm tin cơ bản vào nhau và vào đất nước".

Lễ tưởng niệm sự kiện 11-9 năm nay diễn ra trong điều kiện an ninh được siết chặt. Nhiều vành đai an ninh đã được dựng lên xung quanh Đài tưởng niệm 11-9 và chỉ có gia đình các nạn nhân mới được phép đi vào khu vực này. Tại thành phố New York, Đài tưởng niệm và Bảo tàng 11-9 cũng tổ chức buổi lễ, trong đó tên của tất cả nạn nhân đã được xướng lên. Buổi lễ kéo dài 4 giờ với sự tham dự của Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Barack Obama. Sự kiện bắt đầu bằng phút mặc niệm lúc 8 giờ 46 phút sáng 11-9, đánh dấu thời điểm chiếc máy bay thứ nhất bị nhóm khủng bố kiểm soát lao vào tòa tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại thế giới (WTC). Hoạt động đọc tên tiếp tục diễn ra trong suốt buổi sáng, với những khoảng dừng để đánh dấu thời điểm tòa tháp phía nam của WTC và Lầu Năm Góc bị tấn công, khi chuyến bay số hiệu 93 rơi ở Pennsylvania và khi hai tòa tháp sụp đổ.

Cách đây tròn 20 năm, vụ tấn công ngày 11-9 đã khiến tổng cộng 2.997 người thiệt mạng, trở thành vụ tấn công đẫm máu nhất do thế lực bên ngoài gây ra tại Mỹ. Có hơn 300 lính cứu hỏa và cảnh sát thiệt mạng khi tham gia giải cứu người kẹt trong tòa tháp đôi WTC. Khói bụi từ vụ tấn công tháp đôi WTC bốc lên tại khu vực hạ Manhattan cao đến mức có thể được nhìn thấy trong ảnh chụp từ vệ tinh của Cục Khảo sát địa chất Mỹ. Ngoài ra, còn khoảng gần 10.000 người bị thương hoặc ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng sau chuỗi sự kiện kinh hoàng này.

Cho đến nay, vẫn còn 1.106 nạn nhân vụ khủng bố ngày 11-9 vẫn chưa được xác định danh tính. Người đứng đầu Viện Pháp y New York, bà Barbara Sampson cách đây vài ngày cho biết, phòng thí nghiệm của bà đã xác định được 1.647 người trong số 2.753 người thiệt mạng ở WTC. Mới đây nhất, Viện Pháp y New York đã xác định danh tính của hai nạn nhân bằng công nghệ giải trình tự ADN mới.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/su-kien-tao-ra-buoc-ngoat-trong-lich-su-nuoc-my-671032