Sự phát triển của các tổ chức cách mạng ở Sơn La

Vương Ngọc Oanh

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh

Đầu năm 1945, cục diện cách mạng thế giới có những chuyển biến cơ bản, ở Đông Dương, phong trào cách mạng của nhân dân ba nước (Việt Nam, Lào, Campuchia) ngày càng dâng cao, mâu thuẫn giữa Pháp và Nhật ngày càng gay gắt. Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Trước tình hình diễn biến thật mau lẹ, đêm 9/3/1945, Trung ương Đảng đã họp và quyết định những chủ trương mới, chỉ ra kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của nhân dân Đông Dương lúc này là phát xít Nhật. Hội nghị chủ trương phát động một cao trào cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa.

Di tích lịch sử Cây Đa bản Hẹo - địa điểm liên lạc bí mật giữa Trung ương Đảng với Chi bộ Nhà tù Sơn La năm 1943.

Di tích lịch sử Cây Đa bản Hẹo - địa điểm liên lạc bí mật giữa Trung ương Đảng với Chi bộ Nhà tù Sơn La năm 1943.

Ảnh: Lam Giang

Tại Sơn La, sau khi thoát ngục, các đồng chí trong Ban chi ủy Nhà tù đã liên lạc được với Xứ ủy Bắc Kỳ để báo cáo tình hình và nhận chỉ thị mới. Theo sự phân công của Xứ ủy, đồng chí Lê Trung Toản được phân công quay trở lại Sơn La nắm tình hình và tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Sau khi nắm tình hình Sơn La và truyền đạt chủ trương mới của Trung ương Đảng, đồng chí Toản đã cùng các đồng chí lãnh đạo địa phương thống nhất kế hoạch, gấp rút củng cố và phát triển các tổ chức cứu quốc, thành lập các đội tự vệ vũ trang, luyện tập quân sự, gây quỹ, sắm vũ khí, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, binh vận, nắm tình hình địch, tranh thủ tầng lớp trên, tiếp tục xây dựng địa bàn Mường Chanh thành căn cứ địa cách mạng.

Sự phát triển của các tổ chức cách mạng ở Sơn La, chỉ sau một thời gian rất ngắn, phong trào cách mạng đã phát triển nhanh chóng, toàn tỉnh có trên 60 cơ sở cách mạng ở các châu, riêng Mường Chanh cả 8 bản đều có cơ sở cách mạng. Trên cơ sở đội tự vệ bí mật trước đây, Ban lãnh đạo căn cứ quyết định thành lập Trung đội vũ trang Mường Chanh do đồng chí Lê Trung Toản và Cầm Vĩnh Tri chỉ huy.

Để tập hợp đông đảo nhân dân tham gia phong trào cách mạng, Ban lãnh đạo Khu căn cứ quyết định thành lập Hội “Người Thái cứu quốc” (Côn Tay chất mương) do đồng chí Chu Văn Thịnh và một số đồng chí trung kiên phụ trách. Đây chính là hình thức tập hợp mọi tầng lớp nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh mà nòng cốt là các tổ thanh niên cứu quốc. Việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng được đẩy mạnh, các hình thức tuyên truyền như: viết khẩu hiệu trên vách đá, sáng tác thơ ca... và ra báo “Lắc mương”(Trụ cột đất nước) viết bằng chữ Thái và chữ quốc ngữ, mỗi số ra được khoảng chục tờ, do đồng chí Lê Trung Toản và Cầm Minh chỉ đạo kiêm chủ bút. Báo “Lắc mương” đã vạch rõ tội ác của giặc Nhật, kêu gọi nhân dân các dân tộc đoàn kết đứng lên tập hợp dưới lá cờ của Mặt trận Việt Minh để kháng Nhật cứu nước. Ngoài ra Hội còn tích cực hoạt động gây quỹ để mua sắm vũ khí cho lực lượng vũ trang.

Phong trào cứu quốc trong toàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Tại tỉnh lỵ và châu lỵ Mường La, từ hai tổ thanh niên cứu quốc ban đầu đã phát triển thành 8 tổ với trên 50 hội viên và rất nhiều quần chúng trung kiên ở khắp các xã, bản. Ở vùng tả ngạn sông Đà các cơ sở cách mạng được xây dựng ở Mường Trai, Ít Ong nối sang hữu ngạn Mường Bằng, Mường Chùm và tại đây, đồng chí Cầm Dịn đã xây dựng được một trung đội tự vệ tập trung và 3 trung đội ở rải rác khắp các xã, bản.

Tại Thuận Châu, do ảnh hưởng của phong trào cách mạng ở Mường Chanh, khu vực Bản Lầm, Tranh Đấu đã thành lập được Hội Thanh niên cứu quốc. Phong trào cách mạng lan rộng tới bản Bó, Chiềng Khoang, Chiềng Ve. Cuối tháng 6/1945, Hội người Thái cứu quốc Thuận Châu được thành lập ở bản Bó, gồm 11 hội viên. Hội đã tích cực tuyên truyền cách mạng tới đông đảo quần chúng nhân dân.

Tại Yên Châu, phong trào cách mạng đang trên đà phát triển. Hội thanh niên cứu quốc Yên Châu được thành lập do Hoàng Luông và Hoàng Sáy phụ trách. Hội đã tuyên truyền, vận động thanh niên và các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh chống lại quan lại phìa, tạo chuyên ăn đút lót và ức hiếp dân nghèo. Do hoạt động công khai nên Hội đã bị chính quyền thực dân ra lệnh giải tán, cấm hoạt động, Hội đã rút vào hoạt động bí mật, tích cực chuẩn bị mọi mặt chờ thời cơ thuận lợi sẽ cùng đông đảo nhân dân đứng lên giành chính quyền.

Tại Phù Yên, tiếp giáp với Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình - nơi có phong trào cách mạng của Việt Minh phát triển mạnh mẽ. Được sự giúp đỡ của và chỉ đạo của Ban chỉ huy chiến khu Vần - Hiền Lương, tháng 5/1945 tổ chức Thanh niên yêu nước (Mú nóm hặc mương) làm lễ ra mắt tại bản Chiềng (Tổng Quang Huy) gồm 7 hội viên do Cầm Phu chủ trì. Hội đã đề ra chương trình hành động và tiến hành tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng, đồng thời luôn giữ mối liên lạc với chiến khu. Sau một thời gian ngắn Hội đã kết nạp được 21 hội viên và số hội viên tăng rất nhanh sau khi được tuyên truyền, giác ngộ. Một số hội viên đã được cử sang chiến khu Vần - Hiền Lương huấn luyện và tham gia Đội tuyên truyền giải phóng quân. Đội tự vệ vũ trang - nòng cốt của Hội thanh niên yêu nước được thành lập đã chuẩn bị vũ khí, tích cực luyện tập, sẵn sàng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Vùng Vạn Yên, Tân Phong được cán bộ Việt Minh do Kỳ bộ Việt Minh cử đến tuyên truyền, giác ngộ nhân dân và xây dựng cơ sở cách mạng từ vùng Mai Đà - Chợ Bờ lên đến bến Khủa (Mộc Châu), Tân Phong (Phù Yên). Tại Vạn Yên, tổ chức Thanh niên yêu nước được thành lập với hình thức hoạt động linh hoạt. Chỉ một thời gian ngắn, Hội đã kết nạp 70 hội viên. Hội đã đưa một số hội viên vào làm lính bảo an để vận động binh lính địch và làm nội ứng cho ta khi thời cơ đến. Đội tự vệ Vạn Yên được thành lập đã ngày đêm luyện tập, sắm sửa chuẩn bị vũ khí. Vùng Tân Phong trở thành cơ sở cách mạng vững chắc.

Chỉ trong thời gian rất ngắn, dưới sự lãnh đạo của cán bộ Xứ ủy và các đồng chí lãnh đạo địa phương, phong trào cách mạng Sơn La đã phát triển rộng khắp, tích cực xây dựng lực lượng cách mạng, phát triển cơ sở cách mạng ở gần khắp các châu trong tỉnh, xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng, khẩn trương thành lập các đội vũ trang, xây dựng căn cứ địa Mường Chanh; tăng cường sức mạnh của các tổ chức quần chúng, tập hợp đông đảo quần chúng trung kiên trong các tổ chức cách mạng: Hội Thanh niên cứu quốc (Mú nóm chất mương), Hội Thanh niên yêu nước (Mú nóm hặc mương), Hội Người Thái cứu quốc (Côn Tay chất mương); vừa tuyên truyền giác ngộ, vừa tổ chức quần chúng đấu tranh để tập dượt, đồng thời hạn chế sự áp bức bóc lột của đế quốc và tay sai đối với nhân dân lao động. Ở những nơi có điều kiện như: Mường La, Mường Chanh, Phù Yên... chuẩn bị vũ khí để sẵn sàng đấu tranh vũ trang.

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/su-phat-trien-cua-cac-to-chuc-cach-mang-o-son-la-33391