Sự thật bức ảnh gián điệp Israel bị trói vào tên lửa Iran phóng đi
Hình ảnh một người đàn ông bị trói vào tên lửa kèm dòng ghi chú cho rằng đây là cách Iran xử lý gián điệp đang gây xôn xao mạng xã hội.

Hình ảnh về xung đột Iran - Israel lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: AFP
Sau khi truyền thông Iran đưa tin nước này bắt giữ hai người bị cáo buộc liên quan đến tình báo Israel giữa lúc cuộc xung đột kéo dài 12 ngày giữa hai nước bùng nổ, mạng xã hội xuất hiện một bức ảnh mờ cho thấy một người đàn ông bị trói vào tên lửa kèm tuyên bố gây xôn xao rằng đây là cách Iran "xử lý" gián điệp.
"Truyền thông Iran công bố cách họ xử lý một điệp viên tình báo Mossad", dòng chú thích kèm bức ảnh đăng trên nền tảng X ngày 16/6 nêu. Bài đăng này nhanh chóng lan truyền, được chia sẻ lại hơn 6.000 lần.
Bức ảnh này xuất hiện trên mạng chỉ một ngày sau khi truyền thông nhà nước Iran đưa tin cảnh sát nước này đã bắt giữ hai người có liên hệ với cơ quan tình báo Mossad của Israel hôm 15/6.

Những điểm bất thường trong bức ảnh. Ảnh: AFP
Hình ảnh người bị trói vào tên lửa cũng lan truyền trên các nền tảng khác như Facebook (bằng tiếng Anh, tiếng Bengal và tiếng Ả Rập) và YouTube.
Tuy nhiên, theo hãng tin AFP ngày 11/7, hiện không có bất kỳ báo cáo chính thức nào xác nhận việc Iran trói người vào tên lửa.
Kết quả tìm kiếm hình ảnh ngược bằng Google dẫn đến một phiên bản độ phân giải cao hơn trên Facebook, trong đó phần lá cờ Iran hiển thị một cách kỳ quặc và không rõ ràng.

Hình ảnh so sánh cho thấy lá cờ ở tên lửa không giống với quốc kỳ Iran. Ảnh: AFP
Khuôn mặt người đàn ông trong ảnh cũng bị biến dạng, trong khi các thanh chắn trên bệ phóng tên lửa hiện lên một cách méo mó, rối rắm – những dấu hiệu điển hình cho thấy đây là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI).
Dù công nghệ trí tuệ nhân tạo đã tiến bộ vượt bậc, các chi tiết thiếu logic và sai cấu trúc vẫn là một trong những cách hiệu quả nhất để nhận diện hình ảnh giả.