Sự tích miếu Cây Trai

Trải qua hàng thế kỷ đấu tranh sinh tồn, trong một cảnh quan nhiều khi khắc nghiệt, các dân tộc ít người trong đó có đồng bào Vân Kiều của xã miền núi Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh tự tạo lấy một nền văn hóa thích ứng với môi trường sống, mức sống và lối sống của mình. Trong đó các lực lượng thiên nhiên và những người có công bảo vệ đem lại quyền lợi, niềm tự hào cho cộng đồng được họ ý niệm là thần. Có nhiều người như những nhân chứng đã nói cho tôi biết những việc làm ấm áp nghĩa tình của đồng bào Vân Kiều xã Vĩnh Hà, của cán bộ công nhân Công ty lâm nghiệp Bến Hải đối với những người đã ngã xuống vì sự bình yên của cuộc sống, vì sự tồn vong của rừng có liên quan đến sự tích miếu Cây Trai.

 Người dân Vĩnh Hà tổ chức sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Đức

Người dân Vĩnh Hà tổ chức sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Đức

Và cơ duyên đã cho tôi gặp lại ông Nguyễn Đình Thể - nguyên Giám đốc Lâm trường Bãi Hà trước đây, sau này là Công ty lâm nghiệp Bến Hải - đã về nghỉ hưu tại thị trấn Hồ Xá. Qua ông Thể tôi mới biết tường tận sự tích miếu Cây Trai ở trung tâm xã miền núi Vĩnh Hà.

Theo tích xưa, địa bàn thuộc trung tâm miền núi Vĩnh Hà trước đây có tên gọi là Rú Dinh. Rú Dinh là một vùng rừng nguyên sinh trù phú với nhiều lâm sản quý hiếm, lại có Khe Thiền trong mát quanh năm nên được đồng bào Vân Kiều thuộc dòng họ Xôm Pa niêu chọn làm nơi cư trú. Sản vật của rừng phong phú, nước suối bốn mùa trong mát, đất trồng ngô, trồng sắn, thuốc lá, bầu bí… màu mỡ nhưng cuộc sống của dân bản không bao giờ được yên ổn vì thỉnh thoảng có một con hổ vằn từ Khe Ai ở xã Hàm Nghi, Quảng Bình vào quậy phá. Hằng đêm hổ mò vào bản bắt gà, dê, lợn, đôi khi cả người mang đi ăn thịt. Một không khí lo sợ, ảm đạm bao trùm lên thôn bản. Nhiều hộ bìu ríu lặng lẽ rời bản về tận Ba Buôi, Khe Bùn, Đôộng Vơn để sinh sống.

Trước sự đe dọa mạng sống con người của con hổ dữ, tộc trưởng Phả Khươn suy nghĩ rất nhiều và quyết ra tay trừ họa cho dân. Vốn là lính sơn phòng của vua, lại giỏi võ nên sau khi giải ngũ, Phả Khươn được các già làng và dân bản thuộc dòng họ Xôm Pa niêu tôn làm tộc trưởng. Trên cương vị tộc trưởng, năm vua Hàm Nghi ra chiếu Cần vương, trên đường từ Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị) ra Tuyên Hóa (Quảng Bình) để xây dựng căn cứ chống Pháp, tộc trưởng Phả Khươn đã huy động con dân trong họ tộc đón rước nhà vua rất long trọng và dâng tặng nhà vua một thớt voi quý. Nơi đón tiếp nhà vua được đồng bào Vân Kiều tôn trọng gọi là Bái Hạ, sau gọi thành Bãi Hà như ngày nay.

Với quyết tâm diệt cho được con hổ dữ, tộc trưởng Phả Khươn bàn với dân bản đem một con bê cột vào một cái cọc ở chỗ đất trống đầu bản để nhử hổ, còn dân bản chuẩn bị chiêng trống, giáo mác mai phục ở xung quanh. Nhân lúc hổ say mồi thì xông ra đánh giết. Nhưng con hổ ăn thịt người đã thành tinh, như đoán được ý đồ của tộc trưởng Phả Khươn, hai đêm đầu hổ không vào bản mà nằm ở bìa rừng để chờ mồi. Đoán được ý đồ của con hổ thành tinh này, tộc trưởng Phả Khươn động viên dân bản kiên trì mai phục. Đúng như nhận định, đến đêm thứ ba, hổ đói buộc phải mò vào bản kiếm ăn. Đang lúc bụng đói lại gặp mồi ngon nên hổ lao vào cắn xé không mảy may phòng bị gì. Nhân lúc hổ say mồi, tộc trưởng Phả Khươn ra hiệu cho dân bản nổi chiêng trống, đánh thanh la uy hiếp, còn mình thì cầm gậy đánh tay đôi với hổ. Thấy động, hổ nhả mồi gầm lên một tiếng kinh hoàng rồi lao vào Phả Khươn. Mặc dù giỏi võ nhưng tộc trưởng Phả Khươn không tránh kịp cú vồ chớp nhoáng và dữ dằn của con hổ. Một mảng da lưng bị rách bươm, máu chảy ra lênh láng. Nhờ có sức khỏe, tộc trưởng Phả Khươn vẫn bình tĩnh dùng gậy đánh trả hổ quyết liệt. Đến gần sáng, thấy sức mình đã đuối, tộc trưởng Phả Khươn quyết định dùng đòn võ cuối cùng để diệt con hổ dữ. Đòn võ này gọi là thế “mảng xà dòm nguyệt”. Bị đánh trúng tử huyệt, hổ nằm vật ra chết không gầm lên được một tiếng nào. Còn tộc trưởng Phả Khươn, sau khi dùng hết sức bình sinh để giết hổ đã kiệt sức và qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của dân bản.

Đám tang của tộc trưởng Phả Khươn được dân bản tổ chức rất trọng thể. Con dân trong họ tộc cũng như dân bản đều để tang tộc trưởng Phả Khươn. Trong khi mai táng, các già làng đem cây gậy tộc trưởng Pả Khươn đánh chết hổ cắm bên mộ để làm dấu. Một thời gian sau, không ngờ cây gậy không bị khô mục đi mà lại đâm chồi thành một cây trai rừng. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, khu vực Rú Dinh là trận địa pháo cao xạ, tên lửa của bộ đội phòng không không quân. Năm 1968, cây trai đã trở thành đại thụ, khẩu đội tên lửa bố trí gần gốc cây trai đã bắn cháy 2 máy bay phản lực của Mỹ ngay trên bầu trời của miền Tây Vĩnh Linh. Để trả đũa, những ngày sau đó quân Mỹ cho máy bay quần đảo ném bom tàn phá Rú Dinh rất ác liệt. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, trong lúc rất nhiều cây rừng bị bom đạn làm cho gãy đổ, cây trai rừng vẫn đứng vững như một chứng tích bất diệt của rừng.

Năm 1973, sau khi biết được sự tích của cây trai, ông Hồ Hăng - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch xã Vĩnh Hà đã cho khoanh vùng bảo vệ như bao tồn truyền thống quật cường của dân tộc mình. Năm 1975, Rú Dinh được chọn đóng trụ sở của Lâm trường khai thác. Sau khi được chọn làm địa điểm xây dựng Lâm trường bộ, Rú Dinh đã trở thành trung tâm của xã miền núi Vĩnh Hà với hệ thống trụ sở của cơ quan Dân Chính Đảng, trường học, trạm xá.

Trải qua hàng chục năm công tác, nhiều thế hệ cán bộ công nhân lâm trường đã nghỉ hưu và Rú Dinh trở thành quê hương thứ hai của họ. Làng lâm trường Bãi Hà đã ra đời như một sự gắn kết số phận của những người công nhân lâm nghiệp với sự tồn vong của rừng. Trong tất cả các buổi sinh hoạt ở các khu dân cư, trong đó có làng Lâm trường, sự tích cây trai luôn được các già làng, trưởng bản nhắc lại với một niềm tự hào, ngưỡng mộ đối với quá khứ hào hùng của cha ông.

Với niềm tự hào và lòng biết ơn đối với các thế hệ đã ngã xuống vì sự tồn vong của rừng, sự bình yên của bản làng, cán bộ công nhân nghỉ hưu tại làng Lâm trường đã tự nguyện quyên góp kinh phí để xây dựng miếu Cây Trai. Việc làm tự nguyện, ý nghĩa của cán bộ công nhân nghỉ hưu tại làng Lâm trường đã được ông Hà Sĩ Đồng - nguyên Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bến Hải lúc bấy giờ, nay là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ủng hộ. Không những kêu gọi cán bộ, công nhân viên của công ty quyên góp ủng hộ mà bản thân ông đã tài trợ hàng chục triệu đồng để xây dựng miếu Cây Trai. Miếu Cây Trai không chỉ là nơi thờ cúng tộc trưởng Pả Khươn mà còn là một công trình văn hóa của xã miền núi Vĩnh Hà. Từ khi miếu Cây Trai được xây dựng xong đến nay con đường dẫn vào miếu chưa bao giờ ngưng nghỉ vết chân người. Cho đến hôm nay, ai có thể đếm được bao nhiêu vết chân của nam, phụ, lão, ấu và bao nhiêu thế hệ hành hương về đây dọn sạch lòng mình để chiêm bái trước miếu thờ vị tộc trương Pả Khươn, người anh hùng của dân tộc Vân Kiều trong quá khứ.

Và như một sự ứng nghiệm của tiền nhân, từ khi miếu Cây Trai được xây dựng xong đến nay, ý thức bảo vệ rừng và phong trào trồng rừng của xã miền núi Vĩnh Hà mạnh hơn trước. Chỉ tính riêng trong ba năm 2016 - 2019, toàn xã Vĩnh Hà đã trồng được 447 ha cây lâm nghiệp, gấp 3 lần so với mười năm trước. Giờ đây các vùng đất trồng đồi trọc ở Khe Cau, Cây Thị, Đoộng Vơn, Vực Rồng, A Nẩy… đã phủ kín màu xanh của rừng. Hằng năm miếu Cây Trai là địa chỉ viếng thăm của những người yêu rừng và biết quý rừng.

Ngô Nguyên Phước

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=147309