Sửa đổi Luật Đầu tư: Quan trọng phải mang lại an toàn cho dân, cho nước

Một trong những đạo luật được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV là dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó nổi lên một số nội dung có nên hợp thức hóa lĩnh vực đòi nợ thuê và Nhà nước sẽ cấm kinh doanh những lĩnh vực gì? Đặc biệt phải siết chặt hơn các dự án đầu tư nước ngoài, nhằm tránh nhà đầu tư mua cổ phần để gom đất những dự án chiến lược liên quan đến an ninh, quốc phòng

Có cho tồn tại đòi nợ thuê? và loại hình nào sẽ bị cấm kinh doanh?

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay: Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, về vấn đề này do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định:

Tranh minh họa

Tranh minh họa

Phương án 1, giữ quy định như dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Phương án 2, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành. Vì việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.

Về việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh "bào thai" để phản ánh đầy đủ nội dung cấm của ngành, nghề “Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người” tại điểm đ khoản 1 Điều 6. Đồng thời, đối với dịch vụ điều tra là một ngành trong hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam khác với điều tra hình sự là nhiệm vụ của cơ quan công an, tư pháp… Trong khi, theo quy định của Bộ luật Dân sự, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; một số hoạt động (như thải hóa chất độc hại ra môi trường, xâm phạm bí mật cá nhân, buôn lậu, kinh doanh hàng giả...) không phải là ngành, nghề kinh doanh mà là hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định xử lý theo pháp luật về hành chính, hình sự, dân sự. Do vậy, nghiêm cấm loại hình kinh doanh dịch vụ điều tra.

Đầu tư phải đảm bảo an ninh quốc phòng

Ngoài nội dung liên quan đến cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, về chính sách về đầu tư kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đã tính đến yếu tố quốc phòng, an ninh.

Tiếp thu các ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội đã có nhiều gợi mở để ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật. Đối với nội dung quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ban soạn thảo đồng tình với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý tại phiên họp. Cụ thể là giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Chính phủ đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học nhiều lần, và chuẩn bị rất thận trọng khi đề xuất ủng hộ phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), lần này cũng đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước qua hoạt động đầu tư, tránh tình trạng đầu tư núp bóng, đầu tư chui của doanh nghiệp nước ngoài tại các vùng nhạy cảm về quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, nội dung về bảo đảm quốc phòng, an ninh còn được quy định ở các điều, khoản khác của dự thảo Luật, theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện về quốc phòng, an ninh và bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Đại biểu quốc hội nói gì?

Góp ý vào dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng: Có một lập luận của các vị đại biểu và chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu như người dân đi đòi nợ theo con đường hợp pháp thì không có hiệu quả, vì vậy người ta tìm đến dịch vụ đòi nợ thuê. Với vai trò là những người xây dựng pháp luật, việc này đặt ra cho các đại biểu Quốc hội một câu hỏi: Tại sao lại như thế? Do đó, đại biểu Sơn cho rằng, cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật và hoạt động của các cơ quan tư pháp nhà nước liên quan đến lĩnh vực này để phục vụ cho người dân tốt hơn trước khi chúng ta đặt vấn đề về một việc mà các đại biểu nêu lên mặt trái của nó còn đầy bất ổn cho xã hội.Vì vậy, nếu không ngăn chặn được dịch vụ đòi nợ thuê sẽ phát triển thành những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Do đó, vị đại biểu này đề nghị cần nghiêm cấm thành lập tổ chức đòi nợ thuê.

Về Khoản 3 Điều 5 của Dự luật có nêu rằng nhà đầu tư bị đình chỉ, ngưng hoạt động đầu tư, chấm dứt hoạt động đầu tư nếu hoạt động này gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia…đại biểu cho biết, qua kiểm tra lại những quy định của pháp luật liên quan có định nghĩa về vấn đề quốc phòng an ninh cho thấy phạm vi này rất rộng, do đó, đại biểu Sơn đề nghị cần phải có một quy định cụ thể để xác định được những hành vi nào trong hoạt động kinh doanh đầu tư này là vi phạm, xâm hại đến quốc phòng an ninh.

Do đó, dự án Luật cần phải có một quy định về trình tự thủ tục để xác định và giải quyết về mặt thủ tục đối với các dự án bị đình chỉ đầu tư thuộc trường hợp có hành vi, có hoạt động phương hại đến an ninh quốc phòng. Tránh cho được tổ chức nước ngoài lách luật mua cổ phần các nhà đầu tư trong nước đang sử dụng những khu đất trọng yếu liên quan đến an ninh, quốc phòng.

H.Phạm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/sua-doi-luat-dau-tu-quan-trong-phai-mang-lai-an-toan-cho-dan-cho-nuoc-108754.html