'Sức bật' của vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Mặc dù có xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ những chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

New Page 1

Đồng bào chăm chỉ canh tác vươn lên.

Đồng bào chăm chỉ canh tác vươn lên.

Vùng cao nay đã khác

Huyện Hàm Thuận Bắc có 3 xã thuần đồng bào DTTS và 5 thôn xen ghép, với nhiều dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số, còn lại là các dân tộc: Chăm, K’ho, Rai chiếm khoảng 8% dân số toàn huyện. Chỉ lấy cột mốc cách đây khoảng 10 năm, nếu có dịp lên các xã miền núi Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ của huyện Hàm Thuận Bắc ngoài sự hoang sơ trong cuộc sống của đồng bào DTTS nơi đây thì con đường “đau khổ” nối trung tâm huyện lên vùng cao cũng là phần ký ức khó quên. Nhưng nay, vùng cao đã khác xưa nhiều lắm!

Điều dễ dàng nhận thấy nhất là cơ sở vật chất trường lớp, nhà văn hóa tại các xã vùng cao được đầu tư xây mới, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho học sinh. Đường giao thông thuận tiện, đặc biệt khi tuyến đường ĐT 714 nối quốc lộ 28 đi quốc lộ 55 đoạn Đông Tiến - Đông Giang được nâng cấp, đưa vào sử dụng cuối năm 2020 đã thay đổi diện mạo các xã, kết nối giao thương tạo đà cho các xã vùng cao của huyện phát triển. Nhờ các công trình thủy lợi được đầu tư, tuyến kênh tiếp nước 812 - Châu Tá - Sông Quao đưa nước về, chính quyền các cấp đã làm thay đổi thói quen sản xuất của đồng bào. Chính sự thành công ấy đã giải bài toán nỗi ám ảnh một thời về cái đói giáp hạt, thói quen sản xuất lạc hậu lùi xa vào dĩ vãng. Nơi đây, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh các cây trồng quen thuộc, như: điều, cao su, lúa thì đồng bào mở rộng các cây trồng mới phù hợp xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững liên kết, tiêu thụ sản phẩm, như: dưa lưới, đậu bắp, khổ qua lấy hạt. Đơn cử, mô hình trồng cây đậu bắp trên đất kém hiệu quả theo liên kết chuỗi tại xã Đông Tiến do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp địa phương chuyển giao cho đồng bào đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đậu bắp sau khi thu hoạch sẽ được Công ty TNHH Nông sản Hoàng Gia tại Tánh Linh thu mua. Ông K’Văn Góa - Chủ tịch UBND xã Đông Tiến chia sẻ: “Người dân trong xã chủ yếu canh tác cây hoa màu ngắn ngày. Từ khi đưa vào thử nghiệm trồng đậu bắp với diện tích hơn 15 ha/20 hộ và được Công ty TNHH Nông sản Hoàng Gia bao tiêu toàn bộ sản phẩm đã giúp cho thu nhập khá, tạo sự phấn khởi cho bà con. Để tăng năng suất bà con chịu khó tuân thủ kỹ thuật canh tác được hướng dẫn, có hộ còn tự bỏ kinh phí đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, góp phần giảm chi phí thuê công tưới, tăng thêm lợi nhuận”.

Hiệu quả từ những chính sách đặc thù

Toàn tỉnh có 34 DTTS, với trên 100 ngàn người, chiếm tỷ lệ gần 8% dân số toàn tỉnh với 9 xã khu vực III, 27 xã khu vực II, 44 xã khu vực I và 5 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Chính nhờ thực hiện chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nên đời sống người dân cải thiện rõ rệt. Bên cạnh những nghị quyết có tác động mạnh mẽ, phát triển toàn diện dân sinh – kinh tế vùng đồng bào DTTS tỉnh như chương trình 135, Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy… thực hiện Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017 UBND tỉnh có Quyết định 3365 về việc phê duyệt Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS giai đoạn (2017 – 2020) trên địa bàn tỉnh (gọi tắt đề án). Tổng kinh phí thực hiện đề án trên 249,7 tỷ đồng hỗ trợ cho 1.236 hộ (trong đó có 122 hộ hỗ trợ đất sản xuất với diện tích 119,5 ha, chuyển đổi nghề cho 780 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 334 hộ), ngoài ra còn bố trí sắp xếp 3 điểm định canh định cư tập trung. Đến nay, toàn tỉnh đã có 109 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 597 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề và 108 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt, bố trí tái định canh định cư cho 222 hộ với trên 1.006 nhân khẩu. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cũng đã giải ngân trên 29,6 tỷ đồng cho 641 hộ đồng bào DTTS nghèo vay vốn phát triển kinh tế.

Đánh giá về đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong cho rằng: Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ của đề án và triển khai thực hiện các dự án định canh, định cư tập trung cùng chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Quá trình thực hiện chính sách đã phát huy sự sáng tạo, ý chí, nguồn lực của người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi tỉnh. Nổi rõ, đời sống đồng bào được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trình độ dân trí được nâng lên, tập quán và kỹ thuật thâm canh sản xuất của đồng bào có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Có thể nói, các chính sách dân tộc đã tạo nên sức bật cho vùng đồng bào DTTS sớm tiếp cận với trình độ phát triển chung, thu hẹp khoảng cách với đồng bằng. Từ đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bằng giải pháp lồng ghép các chính sách của Trung ương và địa phương trong những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã đạt kết quả khá. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 chiếm tỷ lệ 17,67% đến đầu năm 2021 chỉ còn 4,73%.

Thanh Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/suc-bat-cua-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-140072.html