Sức mạnh của lòng quyết tâm trong cuộc chiến với Covid-19

Trong những ngày này, trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 nhiều biện pháp cao nhất trong ứng phó với đại dịch đã từng bước được khởi động. Bên cạnh những nỗ lực của các ngành, các cấp thì người dân thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch mà ngành y tế đã đề ra là hết sức quan trọng, đây là nên tảng để đón Tết lành mạnh, an toàn.

1.

Những ngày này, với con số cụ thể về số người nhiễm bệnh, không có ca tử vong được Bộ Y tế cập nhật minh bạch từng giờ cho thấy, các ngành chức năng đã và đang cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất có thể sự lây lan của dịch bệnh. Tại Hà Nội, nhiều quyết sách quan trọng, đặt ưu tiên sức khỏe người dân lên hàng đầu đã được đưa ra. Chẳng hạn, Thường trực Thành ủy Hà Nội quyết định, trong đêm Giao thừa Tết Tân Sửu, Thành phố không tổ chức bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã như dự kiến.

Thường trực Thành ủy cũng giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu phương án bắn pháo hoa tầm cao đêm giao thừa tại một địa điểm thích hợp với yêu cầu nghiêm phòng chống dịch Covid-19 để truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân. Ngoài ra, Thành ủy yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phối hợp Bộ Y tế xét nghiệm cho các nhân viên của sân bay Nội Bài, ưu tiên xét nghiệm người học tập và làm việc tại các điểm có nghi nhiễm cao, thực hiện cách ly tại chỗ các điểm nghi dịch phát sinh…

Đoàn công tác thuộc Hội đồng nhân dân Thành phố kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19, công tác vận tải hành khách tại Bến xe Yên Nghĩa. Ảnh: Giang Nam

Đoàn công tác thuộc Hội đồng nhân dân Thành phố kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19, công tác vận tải hành khách tại Bến xe Yên Nghĩa. Ảnh: Giang Nam

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Hà Nội, hiện ý thức của người dân đã được nâng cao. Không khó để thấy, tại các bến xe – nơi quy tụ không ít người dân rời thành phố về quê đón Tết, hiện công tác phòng dịch được đẩy mạnh. Công tác phòng chống dịch tại các bến xe lớn của Hà Nội như Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa… được tăng cường. Các biện pháp chống dịch như nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang, sát khuẩn khu vực ghế ngồi, tay nắm và đo thân nhiệt 100% hành khách trước khi lên xe được tổ chức và đẩy mạnh thực hiện.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Bến xe Giáp Bát, cho biết, thực hiện theo đúng các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Hà Nội, bến xe đã tổ chức một số nội dung phòng, chống dịch, cụ thể như thường xuyên phát loa phóng thanh để toàn bộ nhân viên, lái xe, phụ xe cũng như hành khách chấp hành việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Mọi xe khi xuất bến đều được yêu cầu cấp tờ khai y tế để đảm bảo việc quản lý cũng như kịp thời phối hợp với cơ quan y tế của phường và quận khi có vấn đề xảy ra…

2.

Trong lịch sử ngành y tế chưa bao giờ có một đại dịch có sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống, toàn dân như trong thời gian qua. Các lực lượng tiền phương như đội ngũ y sĩ, bác sĩ, lực lượng quân đội, công an đều không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, trên tuyến đầu phòng, chống dịch.

Lớp lớp cán bộ y tế ngày đêm dấn thân vào một trận chiến đầy cam go, thử thách, có những rủi ro, có thể mắc bệnh; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ ngày đêm cắm chốt biên giới, tham gia công tác phòng, chống dịch…

Tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 tại các phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: Giang Nam

Tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 tại các phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: Giang Nam

Điểm xuyên suốt trong công tác phòng chống dịch Covid-19 cho thấy, mọi thông tin về dịch bệnh đều được công khai, cập nhật liên tục đến mọi người dân thông qua các hình thức truyền thông phong phú, đa dạng: Từ zalo, facebook, loa truyền thanh, phường, xã, áp phích, tờ rơi nơi công cộng, báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình… Chưa bao giờ không khí chống dịch được lan tỏa mạnh mẽ trên mọi nền tảng truyền thông như thế.

Nhờ sự phổ rộng, thông tin kịp thời của truyền thông, mỗi người dân không chỉ quan tâm bảo vệ sức khỏe bản thân mình, chấp hành nghiêm các quy định của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch, mà còn nêu cao ý thức cộng đồng, đoàn kết chung tay góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo nên “thế trận lòng dân” vững chắc để chiến thắng dịch bệnh. Cũng nhờ truyền thông kịp thời, những thông tin xấu, độc, tin giả về dịch bệnh kịp thời được ngăn chặn, tạo nên “sức đề kháng” cho người dân trước những thông tin không chính thống này.

3.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, thì việc thực hiện không nghiêm túc các quy định hay sự thiếu trách nhiệm của một vài đơn vị, cá nhân có thể phá hỏng những nỗ lực của cả nước.

Nói cách khác, giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, những hình ảnh, diễn biến như không đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người; thiếu ý thức giữ vệ sinh cá nhân, môi trường; vô tư tụ tập đông người không cần thiết… cần được hạn chế.

Người dân Thủ đô đã nâng cao ý thức, tự giác đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Ảnh: Giang Nam

Người dân Thủ đô đã nâng cao ý thức, tự giác đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Ảnh: Giang Nam

Bản thân mỗi người cần hình thành thói quen đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Mặt khác, những người diện F1, F2 cần chủ động thông báo thông tin cá nhân, khai báo những người tiếp xúc… để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp. Việc làm này không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn vì sự an bình của cả nước để người dân yên tâm đón Tết Nguyên đán đang tới gần.

Công tác ứng phó dịch Covid-19 không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Mỗi người cần tự ý thức rằng, bảo vệ mình là góp phần bảo vệ cộng đồng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, những chỉ đạo quyết sách của Hà Nội.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/suc-manh-cua-long-quyet-tam-trong-cuoc-chien-voi-covid-19-118764.html