Sức sống vĩnh hằng tư tưởng Bác Hồ về báo chí cách mạng, kỳ II: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập những tờ báo cách mạng đầu tiên

Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã trải qua rất nhiều công việc, trong đó có hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Bác không chỉ đơn thuần là người viết báo mà còn là người tổ chức, sáng lập nhiều tờ báo và trực tiếp định hướng cho tờ báo ấy.

Các phóng viên Báo Thái Nguyên tác nghiệp tại vùng chè Tân Cương. Ảnh: T.L

Các phóng viên Báo Thái Nguyên tác nghiệp tại vùng chè Tân Cương. Ảnh: T.L

Báo chí đối với Hồ Chí Minh là công cụ truyền bá, là vũ khí đấu tranh, giác ngộ quần chúng, là khẩu hiệu kêu gọi hoạt động… Bác sớm nhận ra và phát triển tư tưởng coi báo chí là động lực to lớn trong sự phát triển của mỗi đất nước, một thứ vũ khí sắc bén trong việc bảo vệ chân lý, bảo vệ quyền thiêng liêng của con người - Những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Chân lý tối thượng của Bác là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Cũng xuất phát từ hiểu rõ vai trò to lớn của báo chí, tìm ra những lợi thế có thể bổ sung cho báo chí, Người đã kiên trì xây dựng nền báo chí cách mạng. Sáng lập tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) - tờ báo cách mạng đầu tiên năm 1922, khi viết truyền đơn cổ động cho tờ Le Paria vào năm 1923, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “Tờ báo này là tờ báo của bạn, giúp bạn thoát khỏi cảnh nô lệ và sẽ phát hành rộng rãi trong tất cả các thuộc địa, nhằm dẫn dắt mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ búa liềm để trong một phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột”.

Ngày 21/6/1925, tại số nhà 13A, đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Đây chính là tờ báo cách mạng và là nền móng đầu tiên của báo chí cách mạng nước ta. Ngay sau khi ra đời, Báo Thanh Niên trên thực tế đã là tờ báo truyên truyền đường lối cách mạng, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam 5 năm sau đó. Cho nên, thật dễ hiểu bởi chính Nguyễn Ái Quốc là người lập trình nội dung, hầu hết trực tiếp thực hiện các nội dung, tư tưởng của Báo Thanh Niên.

Năm 1933, Phủ toàn quyền Đông Dương xuất bản cuốn sách có tên “Đóng góp vào lịch sử của phong trào chính trị ở Đông Pháp”, Loui Maty, một chánh mật thám Pháp viết: “Cần phải nói ngay rằng, tờ báo của Nguyễn Ái Quốc được tất cả các đảng viên ở nước ngoài, ở trong nước và đông đảo người cảm tình đọc, những người đọc này chẳng những tự mình đọc Báo Thanh Niên mà còn chép đi, chép lại nhiều lần để cho người khác đọc…”.

Ngày 25/5/1947, nghĩa là chỉ 5 ngày sau cuộc rút lui trường kỳ kháng chiến an toàn, tại lán Khau Tý giữa ATK tuyệt mật Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi trí thức Nam Bộ, trong đó có những cán bộ báo chí, nhấn mạnh: ”Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.

Đã có mấy chục năm sống và lao động trong lòng các nước đế quốc, thực dân, tham gia làm báo dưới các thể chế ấy, Nguyễn Ái Quốc thấu hiểu cặn kẽ tiêu chí báo chí tư bản. Cho đến khi tự xây dựng nền báo chí cách mạng của nước nhà, tư tưởng chủ đạo của Bác có ở mọi lúc, mọi nơi. Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), ngay nghị quyết đầu tiên cũng đã có quy định: “Ban Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và 3 tờ báo tuyên truyền”.

Rồi sau này, Bác Hồ luôn coi báo chí là một mặt trận. Năm 1941, Bác viết xã luận trên Báo Việt Nam Độc lập: “Tây cốt làm cho ta ngu hèn. Báo Việt Nam Độc lập cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”.

Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II, ngày 16/4/1959, một lần nữa Bác Hồ khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí, họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Người làm báo phải là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí”.

Triển khai ý kiến của Bác, Báo Nhân Dân số ra ngày 17/4/1959 nhấn mạnh, xác định báo chí của ta thì phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, cho hòa bình thế giới. Chính vì lẽ ấy, đòi hỏi những người làm nghề báo hoặc tham gia làm báo của ta đều phải có lập trường, tư tưởng vững chắc, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Chính trị phải làm chủ, cho nên báo chí, nhà báo đều phải có đường lối chính trị đúng.

Chúng tôi viện dẫn một số ý kiến, huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhấn mạnh thêm tư tưởng của Người về báo chí cách mạng. Đó chính là nền tảng đường lối xây dựng, phát triển báo chí cách mạng nước ta, là cẩm nang cho nghề nghiệp, là nguyên lý căn bản cho giáo trình đào tạo cũng như đã được luật hóa bằng Luật Báo chí 2016.

Chúng ta thấy trong nội hàm về chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng được Bác nói nhiều nhất là báo chí của ta sinh ra để phục vụ toàn dân, tuyên truyền tập thể, cổ vũ tập thể và tổ chức tập thể. Trong thư gửi Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tổ chức tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) tháng 6-1949, Bác chỉ rõ: ”Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”…

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của AI. Hình thức viết, truyền tải có thể khác; lực lượng tham gia vào dòng thông tin đông đảo và nhanh nhạy… Trí tuệ AI có thể thay thế nhà báo rất nhiều công việc. Nhưng nguyên lý bất di bất dịch của báo chí theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì vĩnh hằng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202406/suc-song-vinh-hang-tu-tuong-bac-ho-ve-bao-chi-cach-mang-ky-ii-chu-tich-ho-chi-minh-nguoi-sang-lap-nhung-to-bao-cach-mang-dau-tien-4160cac/