Tác động của vụ vỡ đập Nova Kakhovka đến tình hình chiến sự Ukraine

Vụ vỡ đập Nova Kakhovka ngày 6.6 làm đảo lộn kế hoạch phản công của quân đội Ukraine, đe dọa môi trường sống của người dân ở vùng chiến sự.

Nước tràn vào các khu dân cư và đất nông nghiệp gần con đập buộc hàng trăm người phải sơ tán. Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau phá hoại hạ tầng này.

Mực nước vẫn đang tăng, giới chức địa phương cùng giới phân tích bắt đầu thống kê thiệt hại về nhân mạng lẫn tài sản. Bộ trưởng Môi trường Ukraine Ruslan Strilets cho biết ít nhất 150 tấn dầu nhà máy của đập đã chảy vào sông Dnipro và thiệt hại môi trường ước tính ban đầu khoảng 50 triệu euro (53,8 triệu USD).

Vụ vỡ đập xảy ra trong lúc Ukraine chuẩn bị mở đợt phản công. Học giả Ben Barry (Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế) phân tích: “Hiện tại Nga ở thế phòng thủ chiến lược, còn Ukraine ở thế tấn công chiến lược. Về ngắn hạn diễn biến mới nhất chắc chắn là lợi thế cho Nga. Vụ việc có lợi cho Nga vì nó khiến lực lượng Ukraine khó vượt qua vùng ngập lụt để tấn công”.

Cựu quan chức phản gián quân đội Ba Lan Maciej Matysiak chỉ ra lượng nước khổng lồ làm ngập khu vực sẽ ngăn cản việc sử dụng vũ khí hạng nặng như xe tăng trong ít nhất 1 tháng: “Vụ việc tạo ra vị thế phòng thủ rất tốt cho Nga”.

Đập Nova Kakhovka cao 30 mét, dài hơn 3km, bắc qua sông Dnipro phục vụ cho nhà máy thủy điện Kakhovka. Tổ hợp đập còn có một hồ chứa cấp nước cho bán đảo Crimea cũng như cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Phía Nga cảnh báo con kênh chính dẫn nước đến Crimea nhận được ít nước hơn. Còn về nguy cơ với nhà máy Zaporizhzhia, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết các nguồn nước thay thế đủ dùng trong nhiều tháng.

Thiệt hại về môi trường và nông nghiệp

Thiệt hại về môi trường và nông nghiệp do vụ vỡ đập có thể rất nghiêm trọng, khiến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu chịu thêm khó khăn. Giá lúa mì ngày 6.6 tăng hơn 3%.

“Tác động của ngập lụt không chỉ kéo dài vài tuần hay vài tháng, mà sẽ lâu hơn”, theo Bộ trưởng Strilets.

Kỹ sư Mohammad Heidarzadeh (Đại học Bath) cho biết: “Nova Kakhovka thực sự là con đập lớn. Dựa trên kinh nghiệm từ các vụ việc tương tự trước đây thì khu vực bị ảnh hưởng sẽ rất lớn, chất nguy hại sẽ lan rộng ảnh hưởng đến năng suất ngành công nghiệp”. Ông cũng chỉ ra bùn do nước lũ để lại cần nhiều năm mới có thể dọn sạch.

Giáo sư Modupe Jimoh (Đại học Warwick) lo ngại vụ vỡ đập làm hóa chất công nghiệp thấm vào đất và nước ngầm, gây tổn hại đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Bộ trưởng Strilets chỉ ra nhiều loài động vật hoang dã ở hạ nguồn không tìm được chỗ sinh sống đang gặp nguy hiểm. Khu dự trữ sinh quyển Biển Đen của Ukraine cùng một công viên quốc gia cũng có thể bị thiệt hại nặng nề.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tac-dong-cua-vu-vo-dap-nova-kakhovka-den-tinh-hinh-chien-su-ukraine-200830.html