Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe người cao tuổi

Thuốc lá có rất nhiều tác hại đối với cơ thể con người, riêng đối với người cao tuổi (NCT), việc hút thuốc lá sẽ tác động trực tiếp đến quá trình lão hóa và rất nguy hiểm cho sức khỏe.

 Sở Y tế tổ chức truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cung cấp

Sở Y tế tổ chức truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cung cấp

Thành phần nicotine kết hợp cùng với các hóa chất trong thuốc lá mang lại cảm giác hưng phấn cho người hút thuốc, nhưng những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe NCT là rất lớn. Sự tác động của các hóa chất có trong thuốc lá lên não bộ của NCT khiến tuần hoàn máu kém hơn bình thường, đôi khi nó kiểm soát toàn bộ hệ thống não bộ, vượt ra khỏi sự kiểm soát thông thường, gây đãng trí, mất trí. Tác hại của thuốc lá với NCT còn được nhận biết qua tình trạng đau tim, đột quỵ, xơ vữa các động mạch, do hệ thống mạch máu dễ bị ách tắc, cộng với quá trình lão hóa, nguy cơ bệnh tật cũng vì thế mà tăng cao hơn. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về tỉ lệ NCT mắc các bệnh phế quản, phổi... do thuốc lá gây ra nhưng rất nhiều NCT đã mắc phải những loại bệnh này đang điều trị tại các bệnh viện đều có thời gian dài hút thuốc lá khi còn trẻ.

Chúng tôi gặp ông N.T.O., (68 tuổi), một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo tìm hiểu được biết ông O. bắt đầu hút thuốc lá từ năm 18 tuổi. Từ lúc bước qua tuổi 50, ông O. bắt đầu thấy sức khỏe giảm sút, thường xuyên bị viêm phổi, viêm phế quản, sau đó bị lao phổi phải nhập viện điều trị trong thời gian dài. Sau đợt điều trị ấy, ông O. quyết tâm bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe. Nhưng 2 năm trở lại đây, thấy sức khỏe ổn định, ông O. đã hút thuốc lá trở lại mặc dù gia đình, người thân hết mực can ngăn. Hậu quả là hiện tại sức khỏe của ông đang ngày càng xấu đi, bệnh viêm phế quản nặng hơn nên thường xuyên gây ra những cơn khó thở, phải nhập viện điều trị.

Trò chuyện với chúng tôi, ông O. cho biết: “Tôi thấy mình đã sai lầm khi hút thuốc lá trong thời gian dài, và hậu quả tôi nhận được hôm nay chính là bệnh tật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình. Do vậy, đối với những người đang hút thuốc, tôi khuyến cáo họ sớm từ bỏ khi chưa muộn để không rơi vào bệnh tật như tôi hiện nay”.

Cùng góp chuyện, ông T.K.H. (72 tuổi) cho hay: “Tôi hút thuốc cũng gần 20 năm. Vẫn biết hút thuốc lá có nhiều tác hại đối với sức khỏe và tôi cũng đã nhiều lần quyết tâm cai thuốc lá nhưng không thành công. Mãi cho đến khi bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính phải nhập viện điều trị tôi mới bỏ được thuốc lá. Hút thuốc lá khi còn trẻ thì chưa thấy bệnh nên thường chủ quan, nhưng đến độ tuổi nhất định như chúng tôi, khi quãng thời gian hút thuốc dài thì cơ thể phải đối diện với nhiều bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi luôn khuyên con cháu tránh xa thuốc lá để bảo vệ sức khỏe, đảm bảo môi trường sống trong lành không khói thuốc”.

Hút thuốc làm tăng tỉ lệ tử vong từ 30 - 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch. Mức độ tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút (hút thuốc càng sớm thì nguy cơ càng cao). Có nhiều nghiên cứu về sự liên quan giữa sử dụng thuốc lá và ung thư đã được tiến hành, các nghiên cứu này ước tính rằng khoảng 1/3 trong tổng số người chết vì ung thư liên quan tới sử dụng thuốc lá, xấp xỉ 90% tổng số người chết vì ung thư phổi và hút thuốc lá còn gây ra ung thư ở nhiều các phần khác như họng, thanh quản, thực quản, tuyến tụy, bàng quang, ruột và trực tràng… Mức độ nguy cơ sẽ tăng lên cùng với số năm hút thuốc lá, số lượng thuốc lá tiêu thụ hằng ngày và lứa tuổi lúc bắt đầu hút thuốc lá càng sớm càng nguy hiểm. Thời gian hút thuốc lá càng dài thì tác hại càng lớn.

Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, NCT hút thuốc lá trong gia đình cũng mang lại hình ảnh không đẹp, bất lợi trong việc giáo dục con cháu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ, khói thuốc lá chứa hơn 4 nghìn loại hóa chất, trong đó có hơn 200 chất độc hại và các chất gây nghiện, đặc biệt là nicotine. Khi hít vào phổi, khói thuốc làm giảm hệ miễn dịch, gây viêm đường hô hấp. Khói thuốc cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp, ung thư phổi và nhiều bệnh khác ở cả người hút trực tiếp và người hút thụ động. NCT là 1 trong 3 đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc lá. Do vậy việc phòng, chống tác hại của thuốc lá chính là bảo vệ sức khỏe bản thân khi về già, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

T.L

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144354