Tái hiện Tết Đoan Ngọ theo nghi lễ văn hóa cung đình

'Lễ Ban Quạt' - Một nghi lễ độc đáo đã được tái hiện ngay tại Thềm Rồng Điện Kính Thiên cùng với các phong tục Ngày Tết Đoan Ngọ của người Việt.

Tết Đoan Ngọ, ngày mở đầu mùa nóng nhất trong năm, do vậy trong dân gian và cả triều đình cũng đều có những nghi lễ và tập tục độc đáo, mà chỉ có riêng ở Việt Nam, xứ nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm.

“Lễ Ban Quạt” - là một nghi lễ mà sách ghi chép của người nước ngoài đều nhận xét là rất kỳ lạ. Nhưng nó lại thể hiện ý nghĩa nhân văn từ Thời Lê Trung Hưng. Đó là sự quan tâm của Nhà Vua tới quần thần văn võ khi mùa hè đến. Và để nêu cao tinh thần trung nghĩa của các quần thần, nhà vua làm thơ đề trên quạt để tỏ ý khuyên răn.

“Lễ Ban Quạt” - là một nghi lễ thể hiện ý nghĩa nhân văn từ Thời Lê Trung Hưng.

“Lễ Ban Quạt” - là một nghi lễ thể hiện ý nghĩa nhân văn từ Thời Lê Trung Hưng.

Vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, người dân kinh thành Thăng Long xưa lại nhộn nhịp đi mua chỉ ngũ sắc, túi thơm trên phố Hàng Mụn về đeo cho trẻ nhỏ. Túi thơm có đựng hạt mùi, bột hùng hoàng để xua đuổi côn trùng.

Và để chống lại cái nóng, phòng dịch bệnh, cha ông ta có nhiều tục lệ độc đáo như: ăn trái cây chua, ăn bánh gio, ăn rượu nếp, uống rượu hùng hoàng để “giết sâu bọ” trong người vào lúc sáng sớm; hay đến phố Thuốc Bắc để cắt các thang thuốc thảo mộc về làm trà đun nước uống vào giờ Ngọ, mua thảo dược về phòng bệnh; rồi có cả tục xỏ lỗ tai, nhuộm móng chân, móng tay…

Đến với Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long vào những ngày này, du khách sẽ cùng hòa mình trải nghiệm những không gian văn hóa đặc biệt, thú ẩm thực tao nhã của người Hà Nội để tôn vinh văn hóa gia đình. Nghệ nhân - Danh trà Hoàng Anh Sướng sẽ trình diễn nghệ thuật ẩm trà với những câu chuyện thú vị về lỗi thưởng trà danh nhân xưa. Nghệ nhân Ánh Tuyết sẽ mời du khách thưởng lãm nghệ thuật ẩm thực truyền thống Thăng Long - Hà Nội vào ngày Tết Đoan Ngọ.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tai-hien-tet-doan-ngo-theo-nghi-le-van-hoa-cung-dinh-242058.htm