Tại sao 'không thể thoát khỏi cú đánh chết người từ tên lửa chống hạm Nga'?

Các tên lửa chống hạm của Liên Xô và Nga được coi là những loại tên lửa tốt nhất thế giới. Chúng được phát triển từ giữa thế kỷ trước và liên tục được hiện đại hóa. Ngày nay, một số loại tên lửa như vậy được trang bị cho tàu nổi, tàu ngầm, máy bay và được trển khai trên bờ biển.

Một tàu sân bay hạt nhân. (Ảnh minh họa: Sputnik)

Sau đây là bài phân tích về những tính năng của tên lửa chống hạm và lý do tại sao sản phẩm của Nga lại là nỗi khiếp sợ với đối thủ tiềm năng.

Từ P-6 đến Vulkan

Trong nửa cuối của thế kỷ XX, sau khi Mỹ đã phát triển các hàng không mẫu hạm, Hải quân Liên Xô đã có nhu cầu về vũ khí chống hạm có độ cơ động cao, có thể tự tìm và tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách hàng trăm km.

Các tên lửa chống hạm đầu tiên - P-6 (1964) - đã có sự hỗ trợ dẫn hướng từ cả một hệ thống phức tạp. Năm 1968, Hải quân Liên Xô nhận tổ hợp tên lửa P-70 Ametist và năm 1975 được trang bị hệ thống tên lửa P-500 Bazalt tầm xa có khả năng tăng tốc lên Mach 2 (2.386 km/giờ), có tầm bay 550 km. Bazalt cũng có khả năng chống nhiễu cao. Đến năm 1987, tổ hợp tên lửa hiện đại hóa - P-1000 Vulkan trở nên mạnh hơn và thông minh hơn về mọi mặt.

"Bầy đàn" tên lửa

Tên lửa chống hạm hiện đại không chỉ là quả tên lửa có động cơ và đầu đạn mà là một thành phần trong hệ thống phức tạp bao gồm đạn dược, tàu mang tên lửa và hệ thống phát hiện và dẫn đường. Mỗi quả tên lửa đều có bộ não riêng - hệ thống điều khiển của nó biết phải làm gì lúc này hay lúc khác.

“Khi phóng tên lửa, cần phải xem xét một cách nghiêm túc những yếu tố như độ cao và tốc độ bay," Tư lệnh Hạm đội phương Bắc (1999-2001), Đô đốc Vyacheslav Popov nói với Sputnik. "Biển là bề mặt phẳng. Ở đây nguyên tắc "phát hiện sớm - đánh sớm” hoạt động hiệu quả nhất".

Theo vị cựu chỉ huy này, ban đầu các tên lửa chống hạm đã bay ở cùng độ cao, nhưng, các hệ thống phòng không rất nhanh chóng học cách bắn hạ chúng. Do đó, các chuyên gia đã làm cho đường bay của tên lửa trở nên phức tạp hơn: sau khi được phóng, tên lửa bay lên độ cao đủ lớn, sau đó hạ xuống và bay sát mặt biển. Radar của đối phương chỉ phát hiện ra nó khi tên lửa đã tiếp cận con tàu, gần như không còn thời gian để đánh chặn nó.

Một thí dụ nổi bật là tổ hợp tầm xa Granit P-700 đã được đưa vào biên chế năm 1983. Tổ hợp Granit được trang bị cho cả tàu ngầm và tàu nổi. NATO gọi Granit là Shipwreck - Tàu đắm.

Tên lửa Granit nặng 7 tấn. Để so sánh: tên lửa Harpoon đã lỗi thời của Mỹ nặng 765 kg, Tomahawk nổi tiếng - khoảng 1,5 tấn, AGM-158C LRASM mới nhất của Mỹ - khoảng 1,1 tấn, phiên bản hiện đại nhất Exoset của Pháp - 780 kg. Thật dễ hiểu tại sao tên lửa Granit bay với tốc độ Mach 2,5 (gần 3.000 km / giờ) có khả năng làm cho tàu địch bị hủy hoại tan nát thậm chí bởi cú đánh của nó. Và nếu chiếc tàu của đối phương phải đối mặt với 750 kg TNT hoặc đầu đạn hạt nhân 500 kiloton, thì không có cơ hội nào cả. Ngoài ra, các tên lửa Granit hoạt động không đơn độc, mà bay trong “bầy đàn”.

Sau khi được phóng, các tên lửa tương tác với nhau. Một quả tên lửa - dẫn đàn - bay lên vài km, bắt mục tiêu và truyền thông tin cho những tên lửa khác đang bay thấp hơn để tránh né hệ thống phòng không của đối phương. Nếu tên lửa dẫn đàn bị đánh chặn, một quả tên lửa khác tự động thay thế nó. Hệ thống máy tính cua Granit chứa các đặc điểm của tàu địch, nhờ đó tên lửa xác định độc lập mục tiêu chính theo thứ tự và tấn công. Sau khi tiêu diệt mục tiêu chính, các tên lửa chống hạm tấn công những con tàu còn lại.

Lén đến gần và tiêu diệt mục tiêu

Tuy nhiên, để đánh chìm một tàu sân bay hạt nhân, cần phải có ít nhất một chục cú đánh chính xác bằng tên lửa chống hạm và có tính đến hoạt động của hệ thống phòng không của đối phương, trong đợt tấn công phải có ít nhất 20 tên lửa Granit.

Theo cựu chỉ huy Hạm đội Biển Đen, Đô đốc Vladimir Komoyedov, khó khăn chính là tầm bắn hiệu quả của các tên lửa chống hạm không vượt quá 600 km (tên lửa Granit bay theo đường bay tổng hợp có tầm bắn 550 km, tầm bay tối đa trong điều kiện thuận lợi - 625 km - Ed.). Để tấn công mục tiêu, tên lửa phải đến sát gần đoàn tàu địch mà không bị phát hiện. Đây là một nhiệm vụ khá phức tạp.

“Mỗi nhóm tàu sân bay được trang bị hệ thống phòng không mạnh mẽ bao phủ khu vực có bán kính lên tới 1.500 km, Đô đốc Vladimir Komoyedov cho biết. Do đó, khi phóng tên lửa, chiếc tàu ngầm phải nằm trong vòng tròn này. Tàu ngầm mang tên lửa cần phải lén đến gần mà không bị phát hiện với sự yểm trợ của tàu ngầm đa năng. Các tàu mặt nước có tầm bắn lớn hơn nhiều, vượt trội khả năng của các hệ thống phòng không. Ví dụ, tên lửa Kalibr có thể được bắn từ khoảng cách xa hơn nhiều. Nhưng Kalibr là loại tên lửa cận âm".

Tuy nhiên, các tên lửa chống hạm hiện đại có độ chính xác rất cao, gần như không thể tránh được chúng, Đô đốc Vladimir Komoyedov lưu ý. Ở đây có thể nhắc nhở về một sự cố ở Biển Đen vào năm 2000, khi tên lửa đối hạm P-35 Progress (không phải là hiện đại nhất lúc bấy giờ) đã bắt tín hiệu từ buồng vô tuyến điện trên một tàu dân sự vi phạm ranh giới của khu vực tập trận. Quả tên lửa nặng 4,5 tấn bay với tốc độ Mach 1,2 (1.431 km/giờ) đã tàn phá buồng vô tuyến điện của con tàu đó. May mắn thay, người điều hành không có mặt ở đó, và tên lửa không mang theo đầu đạn thật mà chỉ mô hình của nó.

Tàu tên lửa nhỏ Grad Sviyazhsk phóng tên lửa Kalibr trong buổi diễn tập tổng kết của nhóm tàu chiến Hạm đội Caspian. (Nguồn: Sputnik)

Vũ khí chống hạm thế kỷ 21

Sự phát triển hiện đại nhất của Nga là tên lửa siêu thanh Zircon với tốc độ bay lên tới Mach 9 (10.740 km/giờ) và tầm bắn hơn 1.000 km. Zircon là “vũ khí bất khả xâm phạm” đối với bất kỳ hệ thống phòng không nào. Có lẽ, đối phương sẽ không thể phát hiện ra tín hiệu của nó hoặc chỉ phát hiện ra khi tên lửa đã ở cự ly gần, nên không còn kịp để triển khai đánh chặn.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong những năm tới, Zircon sẽ được trang bị cho hàng loạt tàu ngầm và tàu nổi hạt nhân.

(theo Sputnik)

BQT

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tai-sao-khong-the-thoat-khoi-cu-danh-chet-nguoi-tu-ten-lua-chong-ham-nga-116674.html