Tại sao nên tự thực hành, trải nghiệm tâm linh Phật giáo

Phật giáo đề cao nhân loại, chỉ dẫn rõ ràng rằng con người có khả năng giác ngộ và chỉ có con người mới có khả năng thành Phật. Là con người, chúng ta chịu trách nhiệm về sự thanh tịnh cao khiết và bất tịnh ô uế của chính mình.

Phật giáo đề cao nhân loại, chỉ dẫn rõ ràng rằng con người mới có khả năng giác ngộ và chỉ có con người mới có khả năng thành Phật. Là con người, chúng ta chịu trách nhiệm về sự thanh tịnh cao khiết và bất tịnh ô uế của chính mình.

Tại sao các bạn yêu thích và nghiên cứu Phật học? Giá trị nhân văn của Phật giáo là hướng về con người, lấy con người làm trung tâm. Các lĩnh vực hoạt động xã hội đều hướng tới các giá trị vì con người, giúp mỗi người vượt qua khó khăn về vật chất, làm chỗ dựa về tinh thần, qua đó mong muốn xây dựng một xã hội an lạc, toàn thiện và hạnh phúc. Đây là yếu tố khác biệt so với nhiều tôn giáo khác. Nó cũng là một chủ đề đa dạng phong phú mà chúng ta cần phải nghiên cứu sâu sắc hơn và đánh giá khách quan trung thực hơn.

Đức Phật không phải là vị Thần linh, Thượng đế. Đức Phật là một con người, giống như tất cả mọi người chúng ta, nhưng Ngài là đấng phi phàm, thánh thiện, với những phẩm chất và khả năng phi thường. Một lần, có một vị Bà la môn tên là Dona, khi nhìn thấy dáng vẻ uy nghi, thanh tịnh và an lạc, đức tướng nhị nghiêm thân Phúc Trí viên mãn của đức Phật, liền chắp tay đảnh lễ hỏi rằng Ngài là thần, quỷ, hay con người.

Đức Phật trả lời rằng Ngài không phải là thần thánh, là ma quỷ, hay kẻ phàm phu tục tử, vì những chúng sinh này có tam độc tham lam, thù hận và si mê, mà tất cả những thứ độc hại như thế ấy Ngài đã tận diệt; đã nhổ tận gốc tất cả những nỗi khổ niềm đau, phiền não nghiệp chướng.

Những kim ngôn khẩu ngọc giáo lý quý báu của đức Phật đến từ sự chứng ngộ Vô thượng Chính đẳng giác của Ngài. Trong Bài Kinh đầu tiên, đức Phật chia sẻ rằng sau khi chứng ngộ Vô thượng Chính đẳng giác hiệu đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nó phát sinh trong Ngài tầm nhìn, tri thức, trí tuệ và sự thấu hiểu những điều chưa từng nghe thấy trước đó. Như thế đức Phật được gọi là đấng Giác ngộ Vô thượng Bồ đề, là bậc cha lành của bốn loài, bậc thầy vĩ đại của chư thiên và loài người.

Tuy nhiên, Ngài không đòi hỏi niềm tin mù quáng và giáo lý chân truyền của mình. Trên thực tế, Ngài cho chúng ta nhiều tự do để tư duy phản biện và phân tích. Đức Phật khuyến khích chúng ta đến và nghiên cứu nghiêm túc về những kim ngôn khẩu ngọc giáo lý quý báu mà Ngài đã chứng ngộ và tuyên thuyết với thế giới là Chân lý. Đức Phật tuyên bố hùng hồn rằng các đệ tử cũng có thể đạt được trạng thái giác ngộ giống như vị thầy, và hướng dẫn chúng ta cách đi theo hành trình này để có được kinh nghiệm giác ngộ sống động.

Trong Kinh Kalama thuộc Tăng Chi Bộ, mọi người đã vấn an thỉnh ý kiến đức Phật rằng họ nên tin vào vị đạo sư tôn giáo nào vì tất cả đều tuyên bố rằng tôn giáo của mình là chân chính duy nhất. Đức Phật giáo huấn rằng chúng ta đừng vội tin bất cứ điều gì chỉ vì nó được ghi chép trong kinh điển thiêng liêng, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, nên được nhiều người tin, hoặc được nói bởi một người hoạt ngôn, khéo diễn thuyết hoặc một vị đạo sư đáng tôn kính.

Thay vào đó, chúng ta nên xem xét kỹ lưỡng những tư duy phản biện, rồi chấp nhận những gì được hiểu là hoàn hảo và tránh những gì tiêu cực xấu ác. Vì thế, việc phân tích, xem xét kỹ lưỡng những tư duy phản biện và đặt câu hỏi rất được khuyến khích trong đạo Phật.

Phật giáo đánh giá cao nhân loại, chỉ dẫn rõ ràng rằng con người có khả năng giác ngộ và chỉ có con người mới có khả năng thành Phật. Là con người, chúng ta chịu trách nhiệm về sự thanh tịnh cao khiết và bất tịnh ô uế của chính mình. Nếu chúng ta làm điều tiêu cực, độc ác, bất nhân, thất đức qua suy nghĩ, lời nói và hành động của mình, thì chúng ta bị bôi bẩn tam nghiệp (hành động tạo tác của thân, khẩu, ý) và tạo ra cảnh giới địa ngục để gây những nỗi khổ niềm đau cho chính mình.

Mặt khác, bằng cách áp dụng những suy nghĩ, lời nói và hành động lành mạnh, tích cực và mang tính xây dựng, chúng ta được tịnh hóa tam nghiệp, biết thanh lọc Thân Khẩu Ý sẽ dần dần trở nên an lạc, thuần phác. Vì thế, đức Phật đánh giá cao sự tín nhiệm và trí thông minh của con người, đồng thời công nhận rằng con người đã đủ trưởng thành để có trách nhiệm và giải trình với bản thân mình.

Trong thực hành Phật giáo, đức Phật không áp đặt con người phải phụ thuộc vào bất kỳ sức mạnh siêu nhiên nào, chúng ta không cầu nguyện thần thánh hay các đấng thiêng liêng can thiệp, cứu rỗi hay giải thoát. Thay vào đó, chúng ta thực hiện các việc công đức và sau đó chia sẻ công đức với các đấng thiêng liêng.

Đã chia sẻ công đức, đôi khi chúng ta có thể cầu xin sự ban phúc cát tường từ các đấng thiêng liêng nhưng những sự ban phúc cát tường đó chỉ để trợ lực cho cuộc sống thường nhật của chúng ta, không phải vì mục đích lên thiên đường hay đạt được giác ngộ.

Phật tử nên biết rằng chính nhân thiên giới. Tu Thập Thiện Nghiệp là gieo nhân tốt để ngay hiện tại và đời sau gặt kết quả đẹp đẽ là sinh lên cõi Trời, hưởng phúc lạc tâm trí đủ đầy. Phật tử được khuyến khích làm việc từ thiện, phúc lợi xã hội, tích lũy công đức, và được sinh lên cõi trời tức cảnh giới của điều tốt lành. Tuy nhiên, sinh lên cõi trời là điều chỉ có thể đạt được khi chúng ta hạnh phúc ngay ở hiện tại, chứ không phải trông chờ sau khi chết.

Trong đạo Phật, sinh lên cõi trời không phải là mục tiêu tâm linh cuối cùng của chúng ta – mục tiêu cuối cùng của người phật tử, đó là sự giác ngộ, có thể đạt được trong khi chúng ta đang còn tại thế ở đây và bây giờ, không phải sau khi trút hơi thở từ giã trần gian.

Đạo Phật là một tôn giáo “tự lực, tự cường – “Do It Yourself” (nhận ra giá trị thực tế nhờ vào nỗ lực và thành quả bản thân tạo ra), nơi mà chúng ta phải tự mình bước đi trên hành trình đó, chứ không phải nhờ niềm tin đơn thuần.

Những kim ngôn khẩu ngọc giáo lý quý báu của đức Phật để chúng ta tu hành, cho chúng ta Giáo pháp từ bi, trí tuệ, hùng lực, tự do, bình đẳng như một ngọn đuốc soi đường và như một kim chỉ (kim có nam châm dùng để chỉ phương hướng) dẫn đến giác ngộ, nhưng chúng ta phả tự mình bước đi trên hành trình này. Giáo pháp được ví như một bản lộ trình cho chúng ta cách đi từ điểm A đến điểm B, nhưng chúng ta phải tự mình đi đến đó, không ai sẽ bế, cõng, vác chúng ta đến đó.

Trong thực hành đạo Phật, ba điều thiết yếu: hiểu biết, thực hành và chứng ngộ. Hiểu biết và thực hành phải cân xứng với nhau để chứng ngộ Vô thượng Bồ đề. Điều này đạt được bằng cách tuân theo Bát Chính Đạo, tám pháp thực hành: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm và chính định để phát triển các phẩm chất đạo đức, tinh thần và trí tuệ của chúng ta.

Vì thế, đạo Phật dành cho những người năng động và phấn đấu, những người tìm tòi, những người đặt câu hỏi và phân tích, và những người sẵn sàng chấp nhận thử thách để kiểm nghiệm giáo lý. Ai thực hành người đó có lợi lạc, hành trình này là công bằng tuyệt đối cho mọi người, không có ai là ngoại lệ.

Có nhiều lý do khác nhau khiến chúng ta nên học Phật pháp, nhưng những điều trên đây đủ để thuyết phục chúng ta bắt đầu. Thay vì tin vào những gì đã được dạy, hãy thực hiện bước đầu tiên để đến và học hỏi, thực hành và trải nghiệm nó bằng chính bản thân cuộc đời của mỗi chúng ta.

Tác giả: Sa môn K. Rathanasara
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: Dhammakami Buddhist Society

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tai-sao-ban-nen-hoc-phat-giao.html