Tái thiết nền ngoại giao Pháp: Lộ trình mới phù hợp với tham vọng

Vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố tăng cường vai trò của Bộ Ngoại giao để đảm bảo 'một nền ngoại giao mạnh mẽ hơn' phục vụ cho các tham vọng của quốc gia châu Âu này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng các Đại sứ Pháp tại nước ngoài. (Nguồn: Campus France)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng các Đại sứ Pháp tại nước ngoài. (Nguồn: Campus France)

“Xem xét kĩ lưỡng từ trong ra ngoài” là điều mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố khi bế mạc Hội nghị Ngoại giao Pháp vào ngày 16/3 để hoan nghênh những gì đã đạt được sau cuộc tham vấn về tương lai của nền ngoại giao Pháp.

Ra mắt vào tháng 9/2022, Hội đồng Ngoại giao Pháp có nhiệm vụ thực hiện “một hình thức mới của thảo luận tập thể”.

Bộ Ngoại giao Pháp chịu trách nhiệm tổ chức Hội đồng với ba nhiệm vụ chính, bao gồm tìm giải pháp hiệu quả và thiết thực cho các khủng hoảng phức tạp; tạo đột phá và toàn diện về những thay đổi đối với các công tác, nhiệm vụ ngoại giao; và phát triển, nâng cao hiệu quả của công cụ ngoại giao, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc của công tác này.

Vào ngày 15/3/2023, Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp đã hoan nghênh Ủy ban Hội đồng Ngoại giao về việc đệ trình Báo cáo có tựa đề “Sự tái thiết nền ngoại giao của Pháp”.

Dựa trên các cuộc thảo luận và 1.000 đề xuất từ những người tham gia, báo cáo này cung cấp các phân tích và khuyến nghị liên quan đến cấu trúc, phương pháp, ngân sách và nguồn nhân lực cũng như việc tổ chức các công tác ngoại giao.

Bên cạnh đó, Bộ châu Âu và Ngoại giao cho biết, báo cáo khuyến nghị chuyển đổi sâu sắc về công cụ ngoại giao để phục vụ chính sách đối ngoại Pháp và người dân nước này.

Bốn chuyển đổi quan trọng

Sau khi trình báo cáo, Bộ trưởng Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp cam kết triển khai bốn chuyển đổi:

Một là, thích ứng càng nhanh càng tốt với những thay đổi của thế giới và xây dựng các thỏa thuận đối tác mới nhờ năng lực dự báo tốt hơn, năng lực phân tích chính trị tốt hơn và sự phát triển văn hóa chiến lược của Pháp.

Hai là, đầu tư vào các lĩnh vực ảnh hưởng một cách chắc chắn nhất, có thể bằng cách áp dụng việc tái thiết lập chính sách ảnh hưởng của Pháp bao gồm cả hợp tác truyền thông và văn hóa.

Ba là, hưởng ứng “dòng chảy chung” ở cấp quốc gia và châu Âu bằng cách thành lập liên minh đối phó với các thách thức như khí hậu, đa dạng sinh học, lương thực, giáo dục và sức khỏe.

Bốn là, thu hẹp khoảng cách giữa ngoại giao và người Pháp, hiện đại hóa các đại sứ quán, đồng thời làm việc nhiều hơn với sự tham gia của nhiều chủ thể khác như chính quyền địa phương và xã hội dân sự.

Cách thức phù hợp với tham vọng

“Chúng tôi đang đặt ra những cách thức phù hợp với tham vọng của mình”, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố.

Ông Macron đã đưa ra những phương thức để đạt được những chuyển đổi trên bằng cách công bố hơn 700 việc làm trong 4 năm và tăng ngân sách hơn 20% trong cùng kỳ để đạt tới 7,9 tỷ Euro vào năm 2027.

Theo Bộ trưởng Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian, quyết định này sẽ giúp nước này “nhận ra mọi thứ đang thay đổi như thế nào sau 30 năm suy giảm”.

Ông Macron cho biết thêm, những cách thức mới này sẽ giúp tái thu hút các nguồn lực cần thiết để triển khai các kỹ năng mới, bảo vệ các ưu tiên, tầm ảnh hưởng của Pháp cũng như cung cấp những nguồn lực có sức ảnh hưởng cho đất nước.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Macron đã hoan nghênh thành tựu của tất cả các cơ quan làm công tác ngoại giao. Đề cập Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), ông Macron nói về vai trò của các cơ quan liên quan và sự giám sát từ Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp.

Ông Macron khẳng định: “Một cơ quan giám sát tốt là cơ quan giám sát có chiến lược, không phải là một cơ quan giám sát cầu kỳ mà cuối cùng chỉ cố gắng thực hiện cùng một công việc hoặc một bản sao của công việc đó”.

(theo Campus France)

Linh Tống

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tai-thiet-nen-ngoai-giao-phap-lo-trinh-moi-phu-hop-voi-tham-vong-223103.html