Tấm áo chàm giữa đại ngàn xanh
Từ những sườn núi đá đến triền đồi xanh thẳm của Tuyên Quang, tấm áo chàm của người Giáy vẫn lặng lẽ song hành cùng năm tháng, như một mạch nguồn văn hóa âm thầm chảy giữa đại ngàn. Giản dị, tiết chế mà vẫn tinh tế, trang phục truyền thống của người Giáy không chỉ là y phục thường ngày, mà còn là biểu tượng gói ghém những giá trị văn hóa, thẩm mỹ, tín ngưỡng, sự gắn bó với đất và người bản địa.

Thiếu nữ dân tộc Giáy thi làm bánh trong ngày hội.
Chàm - trắng - đỏ: vẻ đẹp từ sự giản dị
Theo dữ liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Giáy có 67.858 người, chiếm khoảng 0,07 % dân số cả nước. Họ phân bố rải rác tại các tỉnh vùng cao phía Bắc, với hơn 50 % tập trung ở Lào Cai, tiếp đến là khu vực nay thuộc tỉnh Tuyên Quang mới (sau sáp nhập), cùng các nhóm nhỏ sống ở Lai Châu, Cao Bằng. Với cộng đồng cư trú liền mạch, người Giáy nơi đây tạo nên một mảng văn hóa đặc sắc, góp phần tô đậm bản sắc dân tộc giữa bức tranh đa sắc màu của miền núi phía Bắc.
Nếu chỉ lướt qua, trang phục của người Giáy có phần giống với người Tày. Nhưng khi nhìn kỹ, mới thấy sự tinh tế trong từng đường kim, mũi chỉ. Phụ nữ Giáy thường mặc áo chàm cổ tròn, xẻ ngực, không thêu hoa văn cầu kỳ. Trên nền vải chàm giản dị là những điểm nhấn vừa đủ: một tấm yếm trắng, một dải thắt lưng đỏ, một chiếc khăn đội đầu xếp nếp. Màu sắc tuy không rực rỡ, nhưng lại hài hòa, mềm mại, tạo nên dáng vẻ duyên dáng, đoan trang của người phụ nữ miền sơn cước.

Thiếu nữ Giáy rạng rỡ trong sắc phục ngày hội vùng cao.
Chị Ma Thị Nhàn (dân tộc Giáy, xã Thượng Lâm, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ: “Tôi học dệt từ khi lên tám. Lúc đầu chỉ là đan dây, sau mới biết ngâm sợi, nhuộm chàm rồi dệt vải. Mỗi bộ áo truyền thống có thể mất cả tháng mới xong, nhưng mặc vào là thấy như mang cả tổ tiên trên lưng mình vậy”.
Không chỉ mặc trong sinh hoạt thường nhật, bộ trang phục này còn là một phần không thể thiếu trong các lễ hội Lồng Tông, cúng rừng đầu năm, lễ cưới, lễ trưởng thành… Ở nhiều bản làng người Giáy, tấm áo chàm còn được truyền từ mẹ sang con như một bảo vật thiêng liêng.
Giữ sợi chỉ, giữ cả bản làng
Nghề dệt vải, thêu thùa của người Giáy vốn được truyền qua nhiều thế hệ. Từ sợi lanh, sợi bông, người phụ nữ Giáy tự tay quay sợi, dệt vải, rồi đem nhuộm chàm bằng lá rừng. Họ không cần phác thảo hoa văn trên giấy, mà thêu theo trí nhớ, theo ký ức đã hằn sâu trong tâm trí từ những mùa xuân còn bé.

Duyên dáng điệu múa của dân tộc Giáy trong ngày hội.
Bà Mai Thị Sinh (67 tuổi, xã Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) cho biết: “Ngày xưa, mẹ tôi dạy tôi khâu vá khi mới 5 tuổi. Nay tôi cũng dạy cháu gái mình như thế. Chỉ mong sao con cháu biết giữ nghề, biết tự hào về cái áo mình mặc. Áo chàm tuy không lấp lánh nhưng có hồn, vì đó là cả công sức và ký ức của một dòng tộc”.
Ngày nay, tại các bản Nà Tông, Bản Biến, Phù Lưu, nhiều nhóm phụ nữ Giáy đã thành lập tổ dệt thổ cẩm, làm sản phẩm lưu niệm, đồ trang trí, phục vụ khách du lịch. Homestay ở các địa phương cũng chủ động giới thiệu văn hóa truyền thống của người Giáy, từ món ăn, làn điệu dân ca “phướn” đến không gian mặc thử trang phục, chụp ảnh, trải nghiệm dệt vải. Những trải nghiệm ấy không chỉ làm nên điểm nhấn khác biệt trong du lịch vùng cao, mà còn giúp người dân gìn giữ bản sắc ngay trên chính mảnh đất mình sinh sống.
Đường chỉ nối dài tương lai
Hiện nay, tại nhiều địa phương, cấp ủy và chính quyền đang chỉ đạo xây dựng các không gian văn hóa dân tộc Giáy ngay trong bản làng. Những không gian ấy không chỉ có khung cửi kẽo kẹt, điệu hát phướn đằm sâu, những tấm áo chàm đượm sắc mà còn chứa đựng sinh khí cộng đồng đầy sống động. Giữ gìn văn hóa không chỉ là lưu giữ quá khứ, mà còn là chìa khóa để mở cánh cửa du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có chiều sâu.

Các chàng trai dân tộc Giáy trong điệu múa khiên truyền thống.
Giữa những biến động của đời sống hiện đại, không ít người Giáy đã thành đạt, trở thành cán bộ xã, huyện, tỉnh. Họ vẫn nhớ nguồn cội, vẫn trân trọng trang phục dân tộc như một phần căn cước không thể thay thế. Từ chiếc áo chàm bình dị của mẹ, từ khung cửi mộc mạc bên hiên nhà sàn, một thế hệ mới đang nối dài con đường giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, hướng đến tương lai.
Trang phục dân tộc Giáy không cần phải ồn ào để nổi bật. Nó lặng lẽ khẳng định mình giữa núi rừng, giữa đời thường và cả trên sân khấu lễ hội. Trong tấm áo chàm ấy, không chỉ có vải vóc, chỉ thêu mà còn có cả lịch sử, văn hóa, niềm tự hào và khát vọng gìn giữ bản sắc giữa một vùng đất đang vươn mình mạnh mẽ trong hành trình phát triển du lịch xanh - bền vững - nhân văn.