Tâm huyết nửa vời

Cuối tuần đầu tiên sau lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, con đường vào bản B. bắt đầu thấy rác trở lại, hàng hoa ven đường cũng vì mấy trận mưa lớn đã nghiêng dạt, dập gãy. Thống nhất về việc chăn dắt gia súc đi về theo lối để giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường cũng không còn được tuân thủ nghiêm nữa, vì thế tái diễn tình trạng phân gia súc đầy đường, người xe gì thì cũng phải chờ trâu vào ngõ mới có thể đi tiếp…

Trong nhà văn hóa bản B. các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng bản, mặt trận, bí thư đoàn thanh niên... bản B. cũng thấy điều này. Nhiều ý kiến cho rằng, sau thời gian dài huy động toàn lực thực hiện tốt nhiệm vụ về mọi mặt, tuần này cũng không nên khắt khe quá, “linh động” một chút để từ từ rồi xốc lại... Chỉ có đồng chí bí thư chi bộ thì trầm ngâm rất lâu, cuối cùng mới ý kiến.

Ông nói: “Thế là từ trước tới nay chúng ta ra sức thi đua, hưởng ứng các phong trào, hoạt động chỉ là để cho các sự kiện kỷ niệm thôi à. Tất cả những hình ảnh đẹp, ấn tượng sâu sắc về mảnh đất, con người Điện Biên mà du khách thập phương đã ghi nhận tan luôn sau kỉ niệm sao? Buổi làm việc của lãnh đạo bản B. sau đó đã thay đổi hẳn khi mọi thành viên đều thống nhất quyết tâm lãnh đạo bản thực hiện tốt để trở thành nếp văn hóa của bản…

Hơn nữa, không lâu sau đó, cuộc sinh hoạt chi bộ bản B. cũng đã được tổ chức. Trong buổi sinh hoạt, nhiều ý kiến đảng viên đã thảo luận rất thẳng thắn về quyết tâm duy trì, thậm chí là làm tốt hơn nữa những phong trào, những hoạt động, quy định đã thực hiện suốt thời gian qua. Có như thế mới đúng tinh thần thi đua, xứng đáng với truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng…

Ấn tượng nhất là, khi bác đảng viên cao tuổi, cũng là cựu chiến binh đã nghiêm nghị phát biểu chia sẻ rằng: Chúng ta nhất định không được tâm huyết kiểu nửa vời, thi đua nửa vời, phấn đấu, cống hiến kiểu nửa vời. Thói quen này vô cùng nguy hiểm. Trong một bản với vài chục hộ dân, hơn chục đảng viên; các phong trào hoạt động bề nổi, thi đua, hưởng ứng kiểu “thời vụ” để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch; để có được ấn tượng, hình ảnh đẹp trong lòng du khách rồi sau đại lễ trở lại “xấu xí” đã không chấp nhận được. Nếu hiện tượng này thành “bệnh” phổ biến trong các ngành, lĩnh vực khác nhau, quy mô lớn hơn, tác động nhiều hơn đến đời sống dân sinh thì sẽ ra sao! Đến lúc ấy, nguy hại, mất mát sẽ không chỉ là về kinh tế, ảnh hướng đến quyền lợi, chất lượng cuộc sống của nhân dân; mà cao hơn cả là niềm tin của nhân dân cũng vì thế mà vơi đi…

Tâm đắc với ý kiến của lão đảng viên, một đảng viên trẻ tán đồng: “Bác nói đúng quá. Chứ ai cũng làm việc như bản mình vừa qua, thì con đường về xã ta biết đợi đến bao giờ…”.

Thảo Vi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/215546/tam-huyet-nua-voi