Tâm huyết với nghề may áo dài truyền thống

Trân trọng giá trị văn hóa, nhiều thợ may áo dài ở tỉnh Kiên Giang tâm huyết, gắn bó với nghề bằng cả niềm đam mê, óc sáng tạo, giữ gìn nét độc đáo của trang phục truyền thống qua từng đường kim, mũi chỉ, góp phần lưu giữ, phát huy nét đặc trưng của văn hóa Việt.

DUYÊN NỢ VỚI ÁO DÀI

Gần 20 năm gắn bó với nghề may áo dài, chị Đỗ Thị Kim Nguyên, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá được nhiều khách hàng biết đến bởi chị làm nghề uy tín, chất lượng. Từ nhỏ, chị Nguyên yêu thích nghề may áo dài, lớn lên chị quyết tâm theo đuổi ước mơ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Nguyên chăm chỉ làm thuê, dành dụm tiền học nghề may áo dài. Sau bao nỗ lực, chị cũng thỏa ước nguyện trở thành thợ may, mở được tiệm may áo dài.

Theo chị Nguyên, để may áo dài đẹp, thợ may phải khéo léo, tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ, khó nhất là khâu vô cổ áo, nếu không kỹ phần cổ áo dễ bị đùn, dáng áo không thẳng. Nhìn cách chị chăm chút cho chiếc áo dài, bàn tay vừa kéo vừa vuốt phần cổ áo, chúng tôi hiểu tâm huyết của chị với nghề. “Nghề nào cũng vậy phải đặt chữ tâm lên hàng đầu mới có thể trụ vững, phát triển. Nhận xấp vải khách hàng mang đến may áo dài là nhận niềm tin khách hàng gửi gắm nên tôi cố gắng may áo dài đẹp”, chị Kim Nguyên nói.

Để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, chị Nguyên nghiên cứu, cập nhật nhanh kiểu dáng, họa tiết áo dài đang thịnh hành; đặt thợ làm phụ kiện đi kèm áo dài, các loại mấn từ truyền thống đến hiện đại; thêu áo, kết cườm theo yêu cầu của khách.

Nổi tiếng kỹ tính trong nghề, chị Nguyên được nhiều phụ nữ tin tưởng đặt may áo dài cưới. Chị nhận mức tiền công bình quân 280.000 đồng/bộ áo dài, tùy mẫu mã giá dao động, trong đó đắt nhất là áo dài bốn tà rời, chất liệu vải khó may giá 500.000 đồng/bộ.

Không chỉ tâm huyết với nghề, chị Nguyên còn sẵn sàng sẻ chia khó khăn với học sinh nghèo khi giúp, hỗ trợ công may đồng phục áo dài, hay tính giá rẻ cho học sinh nghèo, tạo điều kiện để các em có đồng phục đến trường.

Chị Đỗ Thị Kim Nguyên (bên trái) đo ni may áo dài cho chị Lê Thị Kim Phương, ngụ xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất (Kiên Giang).

Chị Đỗ Thị Kim Nguyên (bên trái) đo ni may áo dài cho chị Lê Thị Kim Phương, ngụ xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất (Kiên Giang).

Là khách hàng thân quen của tiệm may chị Kim Nguyên, chị Lê Thị Kim Phương, ngụ xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất chia sẻ: “Dù nhà xa nhưng mỗi khi muốn may áo dài, tôi lại đến tiệm chị Kim Nguyên, chưa lần nào chị làm tôi thất vọng bởi áo dài may xong chuẩn phom, mặc đẹp, tôi rất vừa ý”.

LƯU GIỮ NÉT ĐẸP VĂN HÓA

Tiếp bước mẹ, chị Hoàng Huỳnh Anh, ngụ thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương gắn bó với nghề may áo dài truyền thống hơn 25 năm qua. Chị Huỳnh Anh tâm sự: “Ngày nhỏ, thấy mẹ may áo dài cho khách hay khi thấy khách đến mặc thử áo dài mẹ vừa may, dáng ai cũng thướt tha, tôi thích lắm. Lớn lên, tôi muốn thay mẹ tiếp quản tiệm may của gia đình, làm nghề may áo dài truyền thống làm đẹp cho đời, tôn vinh nét đẹp người phụ nữ, giữ gìn tinh hoa văn hóa của người Việt Nam”.

Ý thức thợ may là người làm đẹp cho khách hàng nên chị Huỳnh Anh thường xuyên cập nhật mẫu áo dài mới theo xu hướng thời trang qua mạng internet. Mỗi khách hàng tìm đến chị như tìm đến địa chỉ tin cậy với mong muốn sở hữu một bộ áo dài đẹp. Trân trọng sự tin tưởng của khách, chị Huỳnh Anh chăm chút từng đường kim, mũi chỉ, dày công cho tất cả công đoạn để hoàn thành áo dài.

Dù có thợ phụ nhưng chị đích thân đo, cắt, sau đó mới chuyển cho thợ phụ ráp áo. Theo chị Huỳnh Anh, người thợ rành nghề, ngoài năng khiếu còn phải có khiếu thẩm mỹ, sự tinh tế và óc sáng tạo; chiếc áo dài may khéo là khi người mặc vừa vặn, không chùn, nhăn, lộ đường chỉ; tà áo phải kín đáo, thanh lịch nhưng vẫn tôn lên đường cong của người phụ nữ.

Tiệm may của chị Huỳnh Anh đông khách hơn vào các dịp cận tết, khai giảng năm học mới, ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tổng kết năm học, phải hoạt động hết công suất mới có thể giao đồ đúng hẹn cho khách. Khách hàng đến may áo dài được chị tư vấn mẫu vải, kiểu may phù hợp dáng. Mỗi khách hàng có một phom dáng khác nhau, có người dáng cao, thấp, vai ngang, vai thấp, lưng tôm… đòi hỏi thợ may phải hiểu dáng người, có kỹ xảo mới may áo dài che khuyết điểm của cơ thể người mặc.

Trong dạy nghề, chị Huỳnh Anh truyền đạt cách thức, kinh nghiệm may áo dài, khuyến khích học trò sáng tạo, chú trọng là giữ gìn đạo đức của người thợ may, tâm huyết với nghề, lắng nghe ý kiến đóng góp của khách hàng. Chị Huỳnh Anh được mẹ truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý báu trong nghề may áo dài như cách xử lý vải, cắt may đối với từng loại vải, canh vải để họa tiết ăn khớp... Nhờ đó, chị tạo ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, làm vừa lòng khách hàng.

Bài và ảnh: CẨM TÚ

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//van-hoa-the-thao/tam-huyet-voi-nghe-may-ao-dai-truyen-thong-6795.html