Tầm quan trọng của việc chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số nhanh chóng, việc chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc được xác định là một trong những giải pháp chiến lược để bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Ngày 4/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh khu vực TP.HCM phối hợp với sáng kiến "Đầu tư cho Phụ nữ" (Investing in Women – IW) của Chính phủ Australia tổ chức hội thảo "Chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc – Động lực phát triển của ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam hướng tới bình đẳng giới và chăm sóc toàn diện".

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Nội vụ cùng đại diện doanh nghiệp, các tổ chức quần chúng như Trung ương Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ Việt Nam TP. HCM… Các chuyên gia cùng thảo luận về tiềm năng phát triển, những thách thức hiện tại và cơ hội nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, đặc biệt là thông qua việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân viên chăm sóc.

Già hóa dân số và thách thức đặt ra cho dịch vụ chăm sóc

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2024, nước ta có tới 14,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên (tăng gần 5 triệu người so với năm 2014). Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 18 triệu vào năm 2030.

Đáng chú ý, người cao tuổi ở Việt Nam thường sống chung với nhiều bệnh mạn tính, cần sự chăm sóc liên tục và chuyên biệt. Trong khi đó, sự thay đổi của mô hình gia đình truyền thống cùng áp lực cuộc sống hiện đại đang khiến khả năng tự chăm sóc trong gia đình bị thu hẹp đáng kể. Sự gia tang nhóm người cao tuổi đồng nghĩa với việc gia tăng các thách thức về y tế và xã hội, dẫn đến nhu cầu cấp thiết về các dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc dài hạn chất lượng cao cho người cao tuổi.

"Đây là lúc ngành dịch vụ chăm sóc cần được tổ chức chuyên nghiệp hơn, cả về đào tạo nhân lực, công nhận nghề nghiệp và bảo đảm quyền lợi người lao động", ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI chi nhánh khu vực TP.HCM nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc.

Bà Sarah Hooper – Tổng Lãnh sự Australia tại TP.HCM chia sẻ tại hội thảo. Ảnh TG

Bà Sarah Hooper – Tổng Lãnh sự Australia tại TP.HCM chia sẻ tại hội thảo. Ảnh TG

Phát biểu tại hội thảo, bà Sarah Hooper – Tổng Lãnh sự Australia tại TP.HCM chia sẻ: "Chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc là bước đi cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho cả người cao tuổi và người lao động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng nền kinh tế chăm sóc vững mạnh sẽ giảm bớt trách nhiệm chăm sóc không được trả lương của phụ nữ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia vào nền kinh tế và đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam:.

Thông qua hợp tác với VCCI, Melbourne Polytechnic (Úc) và Bệnh viện Hồng Đức, dự án hỗ trợ các nhân viên chăm sóc tiếp cận chương trình đào tạo bài bản, đạt được mức lương tương xứng với năng lực và cơ hội nghề nghiệp ý nghĩa, đồng thời đảm bảo chất lượng của dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Hướng tới một xã hội chăm sóc toàn diện, bình đẳng và bền vững

Trong khuôn khổ Hội thảo, Dự án Phát triển nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi – GRACE đã chính thức được công bố. Dự án ra đời với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, đồng thời mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho lao động trung niên và khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân vào ngành dịch vụ chăm sóc (caregiving).

Bà Bùi Thị Ninh – Phó Giám đốc VCCI TP.HCM chia sẻ

Bà Bùi Thị Ninh – Phó Giám đốc VCCI TP.HCM chia sẻ

Theo bà Bùi Thị Ninh – Phó Giám đốc VCCI TP.HCM, hiện nay đội ngũ nhân viên chăm sóc ở Việt Nam phần lớn hoạt động tự phát, thiếu chuẩn hóa về kỹ năng và chuyên môn. Điều này dẫn đến chất lượng dịch vụ không đồng đều, đôi khi không đảm bảo an toàn cho người cao tuổi.

"Việc chưa được công nhận là một nghề chính thức cũng khiến người làm nghề chăm sóc không có vị trí xã hội rõ ràng và thường không được trả lương tương xứng với công sức bỏ ra. GRACE ra đời để giải quyết khoảng trống đó, là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực chung nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi Việt Nam", bà Ninh nhấn mạnh.

Dự án GRACE sẽ phối hợp cùng các cơ sở giáo dục, hiệp hội ngành nghề và đối tác quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo. Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam hình thức đào tạo cấp vi bằng được áp dụng trong dự án thông qua sự hợp tác với Trường Melbourne Polytechnic (Úc). Không chỉ trang bị kiến thức và kỹ năng, người học còn có thể nhanh chóng tìm được công việc phù hợp với mức thu nhập ổn định và cơ hội phát triển lâu dài trong ngành dịch vụ chăm sóc đang ngày càng mở rộng.

Các chuyên gia cùng thảo luận trong phiên thảo luận ở hội thảo

Các chuyên gia cùng thảo luận trong phiên thảo luận ở hội thảo

Hội thảo kết thúc với phiên thảo luận sôi nổi và những cam kết hành động từ các bên, mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam, hướng tới một xã hội nơi người cao tuổi được chăm sóc toàn diện và nhân viên chăm sóc được công nhận xứng đáng, thích ứng với bối cảnh già hóa dân số tại Việt Nam.

P.Thuận

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tam-quan-trong-cua-viec-chuyen-nghiep-hoa-nghe-cham-soc-172250705101328647.htm