Tâm tư đại biểu Quốc hội

Phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội thu hút sự quan tâm của cử tri.

Quốc hội khóa XIV hiện có 483 đại biểu thì chỉ 167 đại biểu hoạt động chuyên trách, tỷ lệ 34%, còn lại là đại biểu kiêm nhiệm, phần lớn là ở các cơ quan hành pháp, tư pháp.

Hóa ra đại biểu chuyên trách tại địa phương lại có nhiều tâm tư khi nói rằng mình không thể tự đề xuất tổ chức bộ máy giúp việc, từ cán bộ văn thư tới người lái xe, thường phải tự vận động, tìm nguồn để hoạt động. Hẳn vì vậy mà có đại biểu cho rằng bản thân ĐBQH là người “được giao súng mà không được giao đạn”.

Câu hỏi được đặt ra về vị thế của đại biểu Quốc hội nói chung, nhất là các đại biểu Quốc hội chuyên trách hoạt động ở địa phương nói riêng. Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bày tỏ tâm tư với nhiều vấn đề tồn tại trong hoạt động của Quốc hội khi đại biểu chưa thực sự là trung tâm của Quốc hội theo nguyên tắc. Vai trò của đại biểu còn mờ nhạt vì sự tập trung cho hoạt động của Quốc hội chưa cao.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) đề nghị giảm số lượng đại biểu Quốc hội từ mức tối đa 500 đại biểu hiện nay xuống 400-450 đại biểu nhưng giảm ở bộ phận đại biểu kiêm nhiệm ở khối cơ quan hành chính, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 40%.

Đại biểu Mão cho rằng, lâu nay, đại biểu, đoàn đại biểu tại địa phương chỉ là địa chỉ ghi nhận, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của cử tri, người dân lên nghị trường Quốc hội. Cần đảm bảo vị thế của đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương bằng cách quy định kinh phí hoạt động của đại biểu, đoàn đại biểu do ngân sách trung ương đảm nhiệm, tránh để bị phụ thuộc vào địa phương.

Có ý kiến đề nghị sửa khoản 3 Điều 43 dự thảo Luật theo hướng khẳng định vị trí, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng như đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của đoàn cũng như cá nhân đại biểu. Kinh phí hoạt động phải do ngân sách Trung ương đảm bảo để có sự công bằng giữa tất cả các đoàn đại biểu trong cả nước, ở tỉnh nghèo cũng không mất vị thế so với thành phố lớn.

Có đại biểu lưu ý vai trò của đại biểu Quốc hội chưa được phát huy tương xứng với luật định. Ông Hòa đề cập, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tới nay, đã có một số trường hợp, Quốc hội phải cho thôi nhiệm vụ nhưng các đại biểu chưa lần nào xem xét, biểu quyết cho thôi nhiệm vụ mà chỉ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phân tích, không thể và không nên coi đại biểu Quốc hội là công chức hành pháp, tư pháp. Đại biểu Quốc hội phải là người đại diện của nhân dân, do nhân dân bầu ra, không ràng buộc vào ngành, lĩnh vực mình công tác kiêm nhiệm mà chỉ ràng buộc bởi cử tri, bởi lá phiếu bầu ra mình. Như vậy Luật cần thiết kế để đề cao quyền lực cho cử tri chứ không quan trọng việc đảm bảo tỷ lệ đại biểu ở mỗi ngành, lĩnh vực.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cần được thảo luận kỹ để thông qua và đi vào cuộc sống sau Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Với Luật sửa đổi, hy vọng các đại biểu sẽ không còn băn khoăn về vị thế của mình nữa!

Bảo Dân

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/tam-diem-du-luan/tam-tu-dai-bieu-quoc-hoi-320770.html