Tận dụng trào lưu 'Vietnam is calling', đưa mạng xã hội thành 'đại sứ du lịch' miễn phí

'Vietnam is calling' không còn đơn thuần là trào lưu mạng xã hội, mà đã thực sự tạo nên làn sóng khám phá, thôi thúc du khách lên đường, góp phần định nghĩa lại cách làm truyền thông du lịch trong kỷ nguyên số.

Chỉ với vài cú lướt trên TikTok, dễ dàng bắt gặp hàng loạt video ngắn ghi lại cảnh ẩm thực đường phố Hà Nội, những thửa ruộng bậc thang ở Tây Bắc, bát phở bốc khói, hay một chuyến xe buýt đèo dốc vùng cao. Đó chính là những mảnh ghép dung dị nhưng đầy sức hút, tạo nên trào lưu “Vietnam is calling”, thu hút hàng trăm triệu lượt xem chỉ trong vài tháng.

Nhà sáng lập Âu Mạnh Quang của chuỗi homestay D Home tại Sa Pa chia sẻ rằng, trào lưu “Vietnam is calling” đã tạo ra nhiều tác động tích cực với startup. Không chỉ là một chiến dịch truyền thông, trào lưu này còn là làn sóng khơi dậy niềm tự hào, sự tò mò và cảm hứng khám phá đất nước từ du khách trong nước lẫn ngoài nước.

“Các cơ sở D Home ở Sapa cảm nhận sự ảnh hưởng này rõ nhất khi lượng khách quốc tế đến thời điểm tháng 6-7-8 vẫn đổ về rất đều, thay vì như mọi năm là từ tháng 10 đến cuối tháng 2 năm sau”, Quang nói.

Trào lưu "Vietnam is calling" nhận được sự ủng hộ của đông đảo du khách, bạn bè quốc tế.

Trào lưu "Vietnam is calling" nhận được sự ủng hộ của đông đảo du khách, bạn bè quốc tế.

Thống kê từ TikTok cho thấy, các video gắn hashtag #VietnamIsCalling đã cán mốc hơn 150 triệu lượt xem toàn cầu tính đến cuối tháng 6/2025, trở thành một trong những chiến dịch lan tỏa mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.

Từ kinh nghiệm hơn 10 năm trong ngành du lịch, Tiến sĩ Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO LuxGroup đánh giá “Vietnam is calling” đã vượt qua khuôn khổ của một trào lưu mạng xã hội.

“Đây là tiếng gọi nội tại của một quốc gia đang khao khát kết nối với thế giới bằng những giá trị chân thực nhất”, ông Hà nhấn mạnh.

Cũng theo ông, điều làm nên sức mạnh của trào lưu này chính là nội dung do người dùng tự tạo ra, những khoảnh khắc thật, trải nghiệm thật, khiến Việt Nam trở nên gần gũi và đáng yêu trong mắt bạn bè quốc tế. Ông cho rằng chính những nội dung đời thường như cảnh đồng lúa, người bà nấu ăn, hay chuyến xe buýt xóc nảy ở vùng cao lại làm nên sức hút rất riêng, khiến Việt Nam trở nên “đáng yêu đến lạ”.

Trong bối cảnh mạng xã hội lên ngôi, xu hướng “du lịch qua màn hình” ngày càng phổ biến, đặc biệt với thế hệ Gen Z và Millennials - những người luôn tìm kiếm trải nghiệm nguyên bản và tin vào đánh giá thực tế của cộng đồng hơn là quảng cáo truyền thống. Sự chuyển dịch trong truyền thông du lịch cũng diễn ra rõ nét: từ những thông điệp áp đặt sang cảm xúc tự nhiên, từ quảng cáo truyền thống sang niềm tin cộng đồng.

“Thay vì chi ngân sách lớn cho các hội chợ, roadshow hay TVC, tại sao chúng ta không khai thác hiệu quả từ nền tảng số, từ chính cộng đồng sáng tạo nội dung - những “đại sứ trải nghiệm” đầy năng lượng? Nếu có chiến lược bài bản kết hợp giữa truyền thông sáng tạo, công nghệ số và chính sách visa cởi mở, Việt Nam hoàn toàn có thể dùng TikTok như một nền tảng xuất khẩu hình ảnh quốc gia không tốn kém nhưng hiệu quả vượt trội”, ông Hà gợi ý.

Dù vẫn còn những nội dung gây tranh cãi, TikTok đang chứng minh rằng nền tảng có thể là một công cụ truyền thông hiệu quả cho ngành du lịch Việt Nam. Nhờ những đoạn video chỉ vài chục giây, hình ảnh đất nước không còn là những thước phim quảng cáo nhàm chán, mà trở thành trải nghiệm sống động qua từng khung hình tự nhiên, chân thực.

“Vietnam is calling” cho thấy một sự thật: Khách quốc tế không chỉ đến Việt Nam vì cảnh đẹp, mà vì sự gần gũi, thân thiện và những câu chuyện nhỏ chạm vào cảm xúc. Điều Việt Nam cần lúc này là xây dựng một hệ sinh thái truyền thông du lịch bền vững, nơi mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp địa phương đều có thể trở thành đại sứ du lịch trên nền tảng số.

Nắm bắt cơ hội từ trào lưu “Vietnam is calling”, nhà sáng lập Âu Mạnh Quang của chuỗi homestay D Home cho biết bản thân đã triển khai loạt chiến lược sáng tạo, như kể chuyện bản địa qua lăng kính mới, hợp tác với các content creator (nhà sáng tạo) địa phương để kể những câu chuyện đời thường, giàu cảm xúc – từ góc nhìn người thật, việc thật. Ngoài ra Quang cũng thiết kế thêm trải nghiệm “local sống chậm”, xây dựng chuỗi dịch vụ như D Bike, tour trải nghiệm theo mùa, hoạt động văn hóa bản địa… giúp du khách không chỉ “đến”, mà còn “thuộc về” nơi họ ghé.

“Khi nội dung online ngày càng dễ tiếp cận, doanh nghiệp không nên chỉ nghĩ về quảng cáo, mà phải nghĩ về chất liệu kể chuyện. Những chiến dịch hiệu quả hiện nay đều đi từ sự thật – thật người, thật việc, thật cảm xúc. Làm truyền thông du lịch bây giờ không phải chỉ để thu hút lượt đặt phòng, mà là để tạo ra cộng đồng khách hàng biết yêu, hiểu và gắn bó với vùng đất họ đến”, đại diện D Home đúc rút.

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tan-dung-trao-luu-vietnam-is-calling-dua-mang-xa-hoi-thanh-dai-su-du-lich-mien-phi-d340605.html