Tân Phong trên hành trình đổi mới

Từng vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lúc sinh thời, khắc ghi lời Bác dạy, gần 70 năm xây dựng và phát triển, Chi bộ Tiền Phong năm ấy, nay là Đảng bộ xã Tân Phong (Bình Xuyên) không ngừng đổi mới, lãnh đạo nhân dân phát triển KT- XH. Thành quả đạt được thể hiện qua quá trình xây dựng NTM, tinh thần đoàn kết trong phát triển kinh tế, chất lượng đời sống của người dân từng bước được nâng lên…

Diện mạo NTM xã Tân Phong khởi sắc từng ngày.Ảnh: Nguyễn Lượng

Diện mạo NTM xã Tân Phong khởi sắc từng ngày.Ảnh: Nguyễn Lượng

Mùng 1 Tết Bính Thân năm 1956, năm thứ 2 sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, không khí vui xuân, đón Tết tại vùng quê nghèo Tiền Phong như được nhân lên nhiều lần khi hay tin Bác Hồ về thăm.

Vừa đến xã, Bác đã vào thăm, chúc Tết 2 gia đình, trong đó có một hộ nghèo mới được chia lại ruộng đất sau kháng chiến và một gia đình là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng tại thôn Yên Định.

Theo các cụ cao niên có mặt khi ấy kể lại, Bác gần gũi, ân cần và giản dị là cảm nhận của mọi người khi được Bác thăm hỏi sức khỏe, tình hình sản xuất. Những lời động viên, lời dạy của Bác về tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất được người dân xã Tân Phong truyền tai nhau qua nhiều thế hệ, trở thành truyền thống vẻ vang của xã trong công cuộc giữ vững và xây dựng quê hương, đất nước sau này.

Năm 1958, thôn Yên Định, xã Tân Phong được chọn làm điểm xây dựng HTX nông nghiệp với mô hình tổ đổi công của huyện. Cùng với đẩy mạnh công tác khai hoang, san lấp hầm hào, tu sửa kênh mương để tăng diện tích trồng trọt, chỉ 1 năm sau đó, xã đã phát triển được 7 HTX nông nghiệp, thu hút 80% nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể.

Tháng 3/1967, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về một số vấn đề quản lý nông nghiệp trong HTX nông nghiệp, gọi tắt là “khoán hộ”, phong trào "3 khoán" gồm khoán việc cho lao động, cho nhóm lao động và cho hộ được Đảng ủy xã chỉ đạo, triển khai, qua đó, khắc phục khó khăn trong sản xuất, đồng thời, tạo động lực cho người dân vượt khoán.

Sau khi triển khai chủ trương “khoán hộ”, năng suất lúa ở Tân Phong lần đầu tiên đạt 5 tấn/ha. Những giai đoạn tiếp theo, Đảng bộ xã Tân Phong định hướng, chỉ đạo người dân tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2011, Tân Phong là một trong 2 xã được UBND huyện Bình Xuyên chọn làm điểm để xây dựng NTM. Mặc dù có xuất phát điểm thấp, song với sự đồng thuận, thống nhất cao từ phía người dân, năm 2014, xã đã về đích NTM theo kế hoạch đề ra.

Từ thành quả chương trình xây dựng NTM, các hạng mục cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa… trên địa bàn xã được đầu tư đồng bộ, tạo tiền đề phát triển KT - XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tiếp bước truyền thống lịch sử, tiên phong trong mọi lĩnh vực, năm 2017, sau khi chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới, được sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo (Sở KH&CN), HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong là một trong những nơi đầu tiên trong tỉnh triển khai thành công mô hình “mạ khay, cấy máy”, giúp giảm 50% công sản xuất, tăng 25% năng suất lúa nhờ mật độ, khoảng cách cây lúa được điều chỉnh khoa học.

Đây không chỉ là bước ngoặt lớn của ngành nông nghiệp địa phương, mà còn là bước tiến quan trọng trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên quy mô toàn tỉnh. Mô hình “mạ khay, cấy máy” sau đó được chuyển giao công nghệ, nhân rộng tại nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Bên cạnh phát triển sản xuất, công tác vệ sinh môi trường cũng được xã đặc biệt quan tâm. Năm 2018, HTX dịch vụ Môi trường xã Tân Phong phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, Tổ chức phi chính phủ GRET triển khai thí điểm mô hình nuôi trùn quế từ rác thải sinh hoạt. Mô hình góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, đem lại lợi ích kinh tế thiết thực.

Năm 2019, trước thực trạng sản xuất nông nghiệp tại nhiều nơi manh mún, nhỏ lẻ, khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất, Tân Phong tiên phong triển khai thí điểm chủ trương dồn thửa đổi ruộng của tỉnh.

Ngay sau khi hình thành được cánh đồng mẫu lớn với diện tích ban đầu hơn 20 ha, xã tiếp tục triển khai thí điểm mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ. Với 2 giống lúa chủ đạo là ADI28 và DT39 Quế Lâm, năng suất thu hoạch lúa trung bình đạt 1,8 – 2 tạ/ sào, cây lúa có khả năng chống chịu thời tiết, sâu bệnh tốt, giúp giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh giúp cải thiện chất lượng đất nông nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Văn Chiêm, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Tân Phong cho biết: “Thấm nhuần lời dạy của Bác, Ban chấp hành Đảng bộ xã qua các nhiệm kỳ luôn xác định người dân là trung tâm, sự đồng thuận, thống nhất của người dân là đặc biệt quan trọng.

Để có sự đồng thuận, thống nhất cao từ phía người dân thì việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng phải đúng hướng và kịp thời. Xã tích cực đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; lan tỏa những tấm gương học và làm theo Bác, nâng cao bản lĩnh chính trị cho mỗi đảng viên, tạo sự thống nhất về quan điểm, tư tưởng, ý chí và hành động.

Năm 2020, tổng giá trị thu nhập của xã đạt gần 290 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 13,5%, vượt 1,4% mục tiêu kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/người/năm, tăng 14 triệu đồng so với năm 2015.

100% cán bộ, đảng viên đăng ký nêu gương, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của tập thể; hơn 70% chi bộ, 70% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

Phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị thu nhập của xã đạt 396 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm tăng từ 5%- 7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ kết nạp đảng viên đạt từ 3- 5 đồng chí/năm; tỷ lệ chi bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 80%”.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77439/tan-phong-tren-hanh-trinh-doi-moi.html