Tân Sơn nâng cao chất lượng bếp ăn bán trú

PTĐT- Thời gian qua, ngành giáo dục huyện Tân Sơn đã triển khai thực hiện các biện pháp góp phần đảm bảo dinh dưỡng để trẻ phát triển tốt về thể chất, đủ điều kiện sức khỏe hoàn thành tốt chương trình giáo dục toàn diện.

Khu sơ chế tại bếp ăn trường mầm non Kim Thượng

Khu sơ chế tại bếp ăn trường mầm non Kim Thượng

Có mặt tại bếp ăn Trường Mầm non Kim Thượng, xã Kim Thượng đúng lúc các cô nuôi đang chuẩn bị bữa trưa cho trẻ, chúng tôi nhận thấy việc chế biến, nấu nướng và phân chia thức ăn đều đảm bảo an toàn, sạch sẽ, đúng quy trình… Gian bếp lớn nằm gần vườn rau của trường được chia làm ba khu riêng biệt: Sơ chế, chế biến, khu chia thức ăn. Đồ dùng trong nhà bếp được trang bị đầy đủ bao gồm tủ lạnh, tủ lưu mẫu thực phẩm sống và chín riêng biệt. Các nhân viên làm ở nhà bếp đều mặc đồng phục sạch sẽ, đeo khẩu trang, găng tay khi chế biến, chia khẩu phần ăn cho học sinh. Được biết, hiện nay, trường có 18 lớp với tổng số 402 trẻ, 100% trẻ đăng ký ăn bán trú. Để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho trẻ, nhà trường đã xây dựng thực đơn phù hợp thực tế, bảo đảm khẩu phần ăn khoa học…Bà Hà Thị Kim Huệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường hiện có 1 điểm trường chính và 2 điểm lẻ tại khu Xoan và khu Tân Hồi, đều nằm phân tán trong các khu dân cư mà lại không liền kề, thuận tiện trên một trục giao thông, nên việc tổ chức bếp ăn bán trú rất khó khăn. Do đó, nhà trường thường “linh hoạt” lựa chọn các nhà thầu đều là người dân địa phương hoặc phụ huynh học sinh, và phải thực hiện đầy đủ các quy định ATVSTP. Cách làm này một phần làm giảm các chi phí vận chuyển, giảm giá thành và đồng thời gắn chặt trách nhiệm gia đình, xã hội trong việc kiểm soát thực phẩm an toàn”.

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân tại trường mầm non Kim Thượng chỉ còn 2,8%, thể thấp còi là 4,4%

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân tại trường mầm non Kim Thượng chỉ còn 2,8%, thể thấp còi là 4,4%

Với đặc thù là huyện miền núi, địa hình chia cắt, giao thông không thuận lợi, lại có nhiều điểm trường lẻ, nên việc tổ chức bếp ăn bán trú tại các trường gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, bên cạnh các quy định chung về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), huyện xác định phải chủ động kiểm soát tại chỗ và gắn chặt trách nhiệm gia đình, xã hội trong việc tổ chức bếp ăn hàng ngày cho trẻ. Theo thống kê, huyện có 19/19 trường mầm non tổ chức bếp ăn bán trú, cung cấp hơn 5 nghìn suất ăn hàng ngày, nên lượng lương thực, thực phẩm sử dụng là rất lớn.Ông Nguyễn Bá Lượng – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết : Ngay từ đầu năm học, huyện đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm việc đảm bảo VSATTP trong các bếp ăn tại các cơ sở giáo dục mầm non như hợp đồng thực phẩm với những nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, có sự tham gia giám sát của nhân viên y tế, lãnh đạo địa phương. Thức ăn chế biến theo một chiều, lưu mẫu 24/24h theo quy định và phải tuân thủ kiểm định 3 bước theo quy định của y tế. Các trường học phối hợp với ngành Y tế địa phương khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 2 lần/năm, tăng cường các giải pháp giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi và tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì.Đến nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các thể trên toàn huyện có chiều hướng giảm, trong đó suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chỉ còn 4% ; suy dinh dưỡng ở thể thấp còi ở bậc nhà trẻ còn 6%, mẫu giáo còn 4% và tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì chỉ còn 0,02%.

Bảo Khánh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/201911/tan-son-nang-cao-chat-luong-bep-an-ban-tru-167935