Tận thấy bộ tranh sơn mài 'Ngàn năm sử Việt' dài hơn 400m tại TPHCM

Mới đây, lãnh đạo TPHCM đã tổ chức đoàn đi thăm các nghệ sĩ lão thành có nhiều đóng góp cho nghệ thuật TPHCM suốt hơn 50 năm qua. Họa sĩ Quách Phong, người đang thực hiện bộ tranh sơn mài khổng lồ mang tên Ngàn năm sử Việt đã vinh dự được đoàn ghé thăm.

Họa sĩ Quách Phong (Quách Văn Phong, Nguyễn Anh Việt) sinh năm 1938 tại Vĩnh Long. Do có năng khiếu hội họa nên trước khi theo gia đình đi tập kết, Quách Phong đã theo học Trường Mỹ thuật Gia Định (Đại học Mỹ thuật TPHCM hiện nay) rồi khi ra Bắc, tại Hà Nội ông tiếp tục theo học Trường Trung cấp Mỹ thuật (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Nhờ quá trình học tập xuất sắc, Quách Phong được đặc cách từ bậc Trung cấp lên Cao đẳng Mỹ thuật.

 Quách Phong tại chiến trường

Quách Phong tại chiến trường

Do những trăn trở với mảnh đất quê hương đang ngày đêm chìm trong bão lửa chiến tranh nên sau khi tốt nghiệp, Quách Phong đã tình nguyện khoác ba lô vào miền Nam, tham gia tại chiến trường thuộc địa bàn tỉnh Phước Long (Quân khu 6 cũ). Trong vai trò người nghệ sĩ, Quách Phong đã chứng kiến nhiều trận đánh oanh liệt của quân Giải Phóng và đã sáng tác ra nhiều tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao về tính hiện thực cũng như chất nghệ thuật như Xuống đường Mậu Thân 1968, Mùa gặt mới ở Củ Chi, Tiến về Sài Gòn, Nắng tháng 5… cùng nhiều bức ký họa được vẽ trực tiếp trên chiến trường.

 Bức tranh "Nắng tháng 5"

Bức tranh "Nắng tháng 5"

Sau ngày đất nước thống nhất, Quách Phong tiếp tục tham gia hoạt động Mỹ thuật tại TPHCM. Ông từng là Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật TPHCM, nhiều nhà sưu tầm cũng rất quan tâm đến các tác phẩm phác thảo và sơn mài của Quách Phong cũng như nhiều tác phẩm của nghệ sĩ Quách Phong đã được các Bảo tàng trong nước lựa chọn để trưng bày.

Họa sĩ Quách Phong được Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương như Huân chương Lao động, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa; Huy chương Vì thế hệ trẻ…. Năm 2007, Quách Phong đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Từ năm 2009, họa sĩ lão thành Quách Phong đã bắt tay vào sáng tác bộ tranh Sơn mài khổng lồ mang tên Ngàn năm sử Việt với mong muốn ghi lại toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam qua 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Với hơn 700 bức tranh sơn mài, qua 16 năm thực hiện, bộ tranh của ông hiện nay đã dài hơn 400m.

 Họa sĩ Quách Phong đang giới thiệu bộ tranh sơn mài "Ngàn năm sử Việt"

Họa sĩ Quách Phong đang giới thiệu bộ tranh sơn mài "Ngàn năm sử Việt"

Họa sĩ Quách Phong cho biết sở dĩ ông chọn chất liệu sơn mài vì đây là loại hình mỹ thuật truyền thống của dân tộc, lại có độ bền bỉ, có giá trị chiều sâu để lưu giữ lâu dài. Để thực hiện bộ tranh đồ sộ này, Quách Phong đã phải bán đất, chắt chiu rất nhiều. “Lịch sử 4.000 năm dân tộc đồ sộ, mênh mông lắm. Bộ tranh đang thực hiện của tôi chỉ mới nêu được một phần rất nhỏ của sự đồ sộ đó. Mong rằng bộ tranh này sẽ truyền cảm hứng lịch sử bằng hội họa, chạm đến cảm xúc và khơi gợi lòng yêu nước mạnh mẽ cho mỗi người”, Quách Phong nói.

Ngắm chùm ảnh về bộ tranh sơn mài dài hơn 400m của họa sĩ Quách Phong:

 Ngàn năm sử Việt cùng lời giới thiệu

Ngàn năm sử Việt cùng lời giới thiệu

 Hùng Vương và nước Văn Lang

Hùng Vương và nước Văn Lang

 Âu Lạc và An Dương Vương

Âu Lạc và An Dương Vương

 Đội quân Hán do Mã Viện chỉ huy

Đội quân Hán do Mã Viện chỉ huy

 Bà Triệu đứng lên khởi nghĩa

Bà Triệu đứng lên khởi nghĩa

 Thời Lý Nam đế

Thời Lý Nam đế

 Thời Đường Túc Tông cai trị An Nam

Thời Đường Túc Tông cai trị An Nam

 Mai Hắc Đế nổi dậy

Mai Hắc Đế nổi dậy

 Ngô Quyền

Ngô Quyền

 Đinh Bộ Lĩnh

Đinh Bộ Lĩnh

 Lê Lợi

Lê Lợi

 Cách mạng tháng 8/1945

Cách mạng tháng 8/1945

 Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945

Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945

 9 năm kháng chiến trường kỳ

9 năm kháng chiến trường kỳ

 Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tan-thay-bo-tranh-son-mai-ngan-nam-su-viet-dai-hon-400m-tai-tphcm-post1763454.tpo