Tận tình trợ giúp pháp lý cho người yếu thế

Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) tiếp tục phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao. Điều này đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, bảo đảm tốt quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng được TGPL - những người yếu thế trong xã hội như: người già, người nghèo, người khuyết tật, trẻ em…

Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thực hiện tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân. Ảnh: C.T.V

Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thực hiện tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân. Ảnh: C.T.V

Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), nhiều trường hợp đã được bảo vệ quyền lợi. Một trong những vụ việc điển hình là trường hợp của 2 anh em T.Đ.A. và T.Đ.N. (ngụ thành phố Biên Hòa).

Bảo vệ quyền lợi cho người dân

Cụ thể, A. và N. cùng 2 người bạn điều khiển xe máy đi chơi. Khi đến cổng chào khu phố Thiên Bình (thuộc phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa), nhóm của A. và N. phát hiện một số người đang bày bán hoa bên lề đường trong dịp ngày lễ tình nhân (ngày
14-2-2024) nên nghĩ ra ý định đi cướp giật hoa. Tuy nhiên, chỉ có N. điều khiển xe máy áp sát kệ bày bán hoa bên đường để cho A. ngồi đằng sau giật một bó hoa hồng trị giá 400 ngàn đồng, rồi bỏ chạy. Sự việc đã được người chủ bán hoa tố cáo đến cơ quan chức năng.

Tại phiên xét xử sơ thẩm, tòa đã tuyên phạt A. và N. mỗi bị cáo 18 tháng tù. Mẹ của 2 bị cáo sau đó đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Khi biết sự việc trên, TGVPL của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tham gia vụ việc từ giai đoạn xét xử phúc thẩm. TGVPL đã chủ động liên hệ 2 bị cáo và gia đình để tìm hiểu rõ về hành vi phạm tội, nhân thân, lai lịch, hoàn cảnh… nhằm khai thác các tình tiết giảm nhẹ theo quy định.

Tại phiên tòa phúc thẩm, TGVPL đã đưa ra nhiều quan điểm bào chữa cho A. và N. Chẳng hạn, 2 bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội chưa đủ 16 tuổi, lại do bị người khác rủ rê chứ không có chủ đích ngay từ đầu. Khả năng nhận thức về pháp luật của các bị cáo còn nhiều hạn chế, không nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mình thực hiện. Sau khi xảy ra vụ việc, gia đình bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại và được bị hại làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt…

Hội đồng Xét xử đã chấp nhận một phần kháng cáo của người đại diện theo pháp luật, xử phạt 18 tháng tù đối bị cáo N. (thời gian tù được tính từ ngày bị cáo bị bắt để thi hành án và được trừ thời gian tạm giữ) và cho bị cáo A. được hưởng án treo.

Tương tự, chiều 3-8-2023, một người bạn đến rủ N.T.K. (ngụ thành phố Biên Hòa) đi đánh nhau với một người tên T. (học chung trường). K. đồng ý và điều khiển xe máy chở bạn đến trước cổng của một trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Biên Hòa để canh chờ đánh T.

Sau giờ tan học, khi phát hiện T. chạy xe máy từ trường về nhà thì K. chở người bạn rượt đuổi theo sau. K. điều khiển xe áp sát xe của T. thì người bạn ngồi sau sử dụng con dao giấu sẵn trong người từ trước đâm liên tiếp vào người T. Vụ việc sau đó đã được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý.

Theo quy định của pháp luật, do N.T.K. là người dưới 18 tuổi phạm tội nên được quyền yêu cầu TGVPL bào chữa miễn phí. Do đó, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cử một TGVPL tham gia bào chữa cho K. từ giai đoạn điều tra đến khi kết thúc vụ án.

Tại phiên tòa sơ thẩm, TGVPL này đã đưa ra quan điểm bào chữa cho bị cáo K. như: bị cáo có nhân thân tốt, là người chưa thành niên nên nhận thức còn hạn chế. Bị cáo không hề biết đồng phạm mang theo dao và hành vi dùng dao đâm bị hại là hành vi vượt quá của đồng phạm. Sau khi sự việc xảy ra, bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm và ăn năn, hối cải; bồi thường một phần thiệt hại cho bị hại…

Nội dung đề nghị của TGVPL trong vụ án này đã được tòa chấp nhận và tuyên bị cáo mức án 7 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “cố ý gây thương tích”.

Qua các vụ việc trên cho thấy, với vai trò người bào chữa, TGVPL đã đưa ra căn cứ đề xuất Hội đồng Xét xử áp dụng đúng quy định pháp luật, ấn định hình phạt phù hợp với vai trò và hành vi của các bị cáo (thấp hơn so với mức hình phạt theo đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân trong cùng tội danh) nhằm thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật, đặc biệt là đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Qua đó giúp vụ án được giải quyết một cách khách quan, toàn diện, hợp lý, hợp tình.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượng thụ lý mới của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh là 281 vụ việc (tăng 34 vụ so với cùng kỳ năm 2023) và số lượng đã hoàn thành là 249 vụ việc (tăng 71 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Đặc biệt là trong các vụ việc hoàn thành TGPL đều đạt chất lượng tốt, giúp cho quyền lợi của người dân được đảm bảo.

Để người dân biết nhiều hơn đến hoạt động TGPL

Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lê Quang Vinh cho biết, bên cạnh những thuận lợi thì công tác TGPL còn gặp nhiều khó khăn. Một số cán bộ tại các cơ quan tư pháp ở địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, giải thích, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là các đối tượng thuộc diện TGPL.

Nhận thức của người dân về TGPL còn hạn chế, nhiều trường hợp được giải thích nhưng còn tâm lý e ngại, chưa tự mình hoặc nhờ người thân liên hệ với trung tâm hoặc các chi nhánh của trung tâm để yêu cầu TGPL. Đối tượng được TGPL chỉ được chú trọng đối với các bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự; còn các đối tượng trong các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính chưa được quan tâm đúng mức…

Để nâng cao chất lượng TGPL trong thời gian tới, các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, người bị buộc tội, người bị hại và các đương sự khác về quyền được TGPL. Xây dựng đội ngũ viên chức làm công tác TGPL đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ TGVPL.

Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện TGPL trong việc đánh giá về chất lượng tham gia tố tụng của TGVPL, luật sư là cộng tác viên; đẩy mạnh công tác phối hợp trong hoạt động TGPL và tổ chức thực hiện các hoạt động TGPL bằng các hình thức phong phú và đa dạng, tạo điều kiện tối đa để đối tượng được TGPL được hỗ trợ tối đa dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202407/tan-tinh-tro-giup-phap-ly-cho-nguoi-yeu-the-3f4522c/