Tận tụy với công tác dân số
Thời gian qua, đội ngũ cộng tác viên dân số tại các xã, phường phía tây tỉnh Quảng Ngãi luôn miệt mài, nhiệt huyết 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).
Kiên trì và thấu hiểu
Hơn 22 năm đảm nhận vai trò cộng tác viên dân số của làng Bar Gốc (xã Sa Thầy), chị Y Mứi (sinh năm 1982) gần như nắm rõ hoàn cảnh mỗi gia đình, thấu hiểu tâm tư của từng chị em trong làng.
Địa bàn rộng, dân cư phân bố thưa, quan niệm sinh con phải “đủ nếp, đủ tẻ” vẫn tồn tại trong tư tưởng của một bộ phận người dân càng khiến cho công việc của chị thêm vất vả. Thế nhưng, chị Y Mứi chưa một lần nản lòng, chị vẫn miệt mài tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ.

Cộng tác viên dân số Y Mứi phối hợp cùng cán bộ làng Bar Gốc (xã Sa Thầy) tuyên truyền các chính sách về DS-KHHGĐ.
Không chỉ tuyên truyền theo cách “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, chị Y Mứi còn phối hợp với cán bộ thôn nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình để có cách vận động phù hợp. Với những gia đình có 2 con, chị vận động dừng lại để có điều kiện nuôi dạy tốt nhất; những gia đình đông con, chị dẫn chứng về việc phát triển sản xuất sẽ có điều kiện chăm sóc con cái. Còn những cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ, chị Y Mứi dành nhiều thời gian để tuyên truyền về lợi ích và tầm quan trọng của việc sinh ít, sinh thưa, không lựa chọn giới tính thai nhi.
“Có những nhà đi lần một chưa được thì tôi tiếp tục đi lần 2 lần 3 để động viên, tư vấn. Cứ thế cho đến khi nào gia đình họ nhận thức được hệ lụy của việc sinh nhiều con thì tôi mới yên lòng”, chị Y Mứi trải lòng.
Bằng sự kiên trì, nhẫn nại và linh hoạt trong cách tiếp cận, chị Y Mứi đã thuyết phục được nhiều cặp vợ chồng thay đổi nếp nghĩ, từ bỏ ý định sinh con thứ 3 mặc dù sinh một bề, đơn cử như vợ chồng chị Y Hảo. Được biết, vợ chồng chị Y Hảo cưới nhau đã 5 năm và có 2 người con trai, dù đang trong độ tuổi sinh đẻ nhưng ý thức được hệ lụy của việc sinh nhiều con nên vợ chồng chị quyết chỉ dừng lại ở 2 con.
“Trước đây, mỗi khi nhắc tới việc kế hoạch hóa gia đình tôi rất ngại. Được chị Y Mứi tuyên truyền, giải thích tôi đã hiểu ra và trao đổi cởi mở hơn những điều chưa rõ. Qua đó, tôi hiểu được tầm quan trọng của việc kế hoạch hóa gia đình. Từ đó, vợ chồng tôi đã quyết định chỉ dừng lại ở 2 con để có điều kiện nuôi dạy con tốt nhất”, chị Y Hảo cho hay.
Cứ như vậy, chị Y Mứi đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng dân số ở làng Bar Gốc. Hai năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 của làng có xu hướng giảm; 95% chị em trong độ tuổi sinh sản được khám, tư vấn định kỳ; tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 70%.
Làm việc bằng tâm
Gần 10 năm làm cộng tác viên dân số của thôn Kon Đào (xã Kon Đào), chị Y Tâm (sinh năm 1991) luôn được đồng nghiệp, người dân yêu mến bởi có nhiều cách làm hay, linh hoạt.
Chị Y Tâm cho biết, để tuyên truyền hiệu quả, tôi phối hợp với các đoàn thể tại thôn vận động người dân thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ. Hằng tuần, tôi đều đến các hộ có hoàn cảnh khó khăn do sinh nhiều con, các cặp vợ chồng sinh con một bề để vừa tìm hiểu tâm tư, vừa kết hợp tư vấn, tuyên truyền, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Cộng tác viên dân số Y Tâm tuyên truyền về DS-KHHGD đến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở thôn Kon Đào.
Để công tác dân số đi vào nền nếp, chị Y Tâm thường xuyên lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp nhóm, sinh hoạt Chi hội Phụ nữ thôn, tạo điều kiện cho chị em cập nhật thông tin, kiến thức về sinh đẻ có kế hoạch và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.
“Để tuyên truyền có hiệu quả, tôi chọn những tấm gương người thật, việc thật để giúp chị em hiểu về hệ lụy của việc sinh nhiều, sinh dày và lợi ích việc sinh đẻ có kế hoạch. Mưa dầm thấm lâu nên chị em trong thôn dần hiểu và thực hiện tốt việc kế hoạch hóa gia đình, biết sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, biết quan tâm và chăm lo cho sức khỏe sinh sản. Nhờ vậy, năm nào công tác DS-KHHGĐ của thôn cũng đạt chỉ tiêu, kế hoạch”, chị Y Tâm bày tỏ.
Nói về “bí quyết” để làm tốt vai trò cộng tác viên dân số, chị Y Tâm bảo rằng, làm công tác dân số phải bằng cái tâm, cái tình, phải thật khéo léo, tế nhị để không chỉ chị em phụ nữ hiểu mà người chồng cũng phải hiểu, cùng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Quan trọng nhất là phải luôn cập nhật cụ thể về số hộ, số nhân khẩu, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, rà soát đối tượng chưa thực hiện biện pháp tránh thai để vận động, tuyên truyền.


Nhiều cộng tác viên dân số ở khu vực phía tây tỉnh Quảng Ngãi tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ.
Hiện nay, ở các xã, phường phía tây tỉnh Quảng Ngãi (tỉnh Kon Tum trước đây) có khoảng 900 cộng tác viên dân số đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ. Những nỗ lực của họ đã đóng góp quan trọng vào thành công của công tác truyền thông DS-KHHGĐ tại cơ sở. Sự hiện diện của họ ở các thôn, làng đã giúp chính quyền địa phương nắm bắt kịp thời các số liệu về dân số; đồng thời hỗ trợ tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và nâng cao chất lượng dân số.
Bài, ảnh: THU HIỀN
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/tan-tuy-voi-cong-tac-dan-so-54513.htm