Tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển và quản lý đàn vật nuôi

Tình hình vận chuyển gia cầm từ ngoài tỉnh, đặc biệt là từ tỉnh Sóc Trăng qua không còn; chủ yếu lượng gia cầm, gia súc được vận chuyển liên huyện trong nội tỉnh; cho nên, áp lực về dịch bệnh từ ngoài xâm nhập vào được hạn chế thấp nhất...

Chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung đang được nhiều nông dân áp dụng, góp phần quản lý đàn và thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh (mô hình nuôi gà thả vườn của nông dân Huỳnh Văn Sa, ấp Sóc Thác, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành).

Chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung đang được nhiều nông dân áp dụng, góp phần quản lý đàn và thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh (mô hình nuôi gà thả vườn của nông dân Huỳnh Văn Sa, ấp Sóc Thác, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành).

Ngày 09/6/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng ký Công văn số 2407/UBND-NN về việc thực hiện Công văn số 3665/BNN-TY, ngày 06/6/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm vệ sinh thú y. Qua đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác kiểm soát vận chuyển, quản lý đàn vật nuôi...

Đồng chí Ngô Đức Thạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh cho biết: hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh heo châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long món, cúm gia cầm… cơ bản ổn định và được kiểm soát tốt. Đơn vị đã triển khai các kế hoạch của ngành ngay từ đầu năm 2023 về công tác tiêm phòng vắc-xin; quản lý đàn và kiểm soát giết mổ, vận chuyển sản phẩm động vật. Đối với các trạm kiểm soát ở Càng Long, Trà Mẹt (huyện Cầu Kè), Cổ Chiên (huyện càng Long)… được tăng cường chốt trực 24/24.

Ghi nhận về công tác quản lý, giám sát đàn trong chăn nuôi gia cầm ở huyện Cầu Kè và Trà Cú, nhìn chung tình hình dịch bệnh được kiểm soát khá tốt. Qua công tác vận động người nuôi (có quy mô đàn vật nuôi lớn: gia cầm từ 500 con trở lên; đàn heo 10 con trở lên…) thực hiện đăng ký và tiêm phòng đầy đủ theo quy định của ngành Thú y.

Đồng chí Thạch Thị Hòn, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trà Cú cho biết: địa bàn huyện có khoảng trên 800.000 con gia cầm, tuy nhiên, phần lớn là nuôi nhỏ lẻ (chiếm trên 80% tổng đàn), còn lại khoảng 20% có quy mô nuôi từ 200 con gia cầm trở lên. Tình hình vận chuyển gia cầm từ ngoài tỉnh, đặc biệt là từ tỉnh Sóc Trăng qua không còn; chủ yếu lượng gia cầm, gia súc được vận chuyển liên huyện trong nội tỉnh; cho nên, áp lực về dịch bệnh từ ngoài xâm nhập vào được hạn chế thấp nhất. Trong giết mổ gia cầm, chủ yếu tập trung tại chợ huyện với số lượng khoảng 400 con/ngày và các khu vực chợ xã, dao động từ 30 - 50 con/ngày.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh về công tác lấy mẫu giám sát lưu hành của vi-rút gây bệnh ở gia cầm, gia súc; theo đó, đối với viêm da nổi cục, thu 20/20 mẫu gộp của 20 hộ nuôi bò, kết quả âm tính với vi-rút viêm da nổi cục; lở mồm long móng 20/20 mẫu gộp của 20 hộ chăn nuôi bò, kết quả âm tính với vi-rút lở mồm long móng. Riêng 124 mẫu cúm gia cầm tại các điểm chợ huyện Càng Long, Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang và thành phố Trà Vinh; kết quả có 06/124 mẫu dương tính với vi-rút cúm gia cầm H5N1.

Có thể nói ý thức của người chăn nuôi hiện nay cơ bản được nâng cao qua công tác tuyên truyền của các thú y viên cơ sở. Từ đó, việc thực hiện xã hội hóa trong tiêm phòng vắc-xin với số hộ có chăn nuôi tham gia ngày càng cao. Đối với gia cầm, tiêm phòng đàn từ 50 - 500 con (hộ trả tiền vắc-xin, Nhà nước hỗ trợ công tiêm phòng) thực hiện tiêm được 2.670 con gia cầm/12 hộ; tiêm phòng xã hội hóa (đàn từ 500 con trở lên): 132.500 con gia cầm/30 hộ, đạt 18% so với chỉ tiêu giao. Tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng 8.625 con gia súc/2.252 hộ nuôi (đàn bò đạt 71.32% so với chỉ tiêu giao; heo đạt 23.3% so với chỉ tiêu giao); trong này, tiêm miễn phí 50% vắc xin được 8.450 con gia súc/2.229 hộ; tiêm xã hội hóa 175 con bò.

Đồng chí Sử Thanh Trúc, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè chia sẻ: hiện nay, việc các hộ nuôi gia cầm hướng đến quy mô lớn, tập trung và có xây dựng chuồng trại ở huyện Cầu Kè chiếm khá cao, nhờ đó việc quản lý đàn và đăng ký trong thực hiện tiêm phòng vắc-xin thuận lợi.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/tang-cuong-cong-tac-kiem-soat-van-chuyen-va-quan-ly-dan-vat-nuoi-30092.html