Tăng cường hỗ trợ hoạt động xuất khẩu

Nhiều cơ hội chờ DN

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư thành phố (ITPC) cho biết, năm 2013, ITPC sẽ tổ chức hơn 60 chương trình hoạt động XTTM cả trong lẫn ngoài nước, tập trung vào ba thị trường trọng điểm là Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và vào các thị trường có thế mạnh như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản; đến các thị trường mới, tiềm năng như Nga, Ô-xtrây-li-a, Trung Ðông, Nam Á... để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ hàng hóa cho DN thành phố. Giám đốc ITPC Phó Nam Phượng cho biết, các mặt hàng trọng điểm trong hoạt động XTTM sẽ là hàng nông sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng gia dụng, điện, sản phẩm công nghệ thông tin... Trong năm 2013, ITPC cũng sẽ tăng cường hợp tác với tham tán thương mại, thương vụ, đại sứ quán các nước có ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy hoạt động XTTM. Cũng trong hoạt động hỗ trợ DN tìm thị trường xuất khẩu, mới đây, lãnh đạo thành phố và các DN đã trực tiếp sang hai nước bạn hàng lớn của thành phố là Xin-ga-po và Ấn Ðộ. Tại Ấn Ðộ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Ðộ đã ký thỏa thuận hợp tác với ITPC. Theo đó, hai bên sẽ tăng cường trao đổi các đoàn DN sang XTTM và đầu tư với nhau, cung cấp cho nhau thông tin về những hội chợ thương mại, những cuộc triển lãm để DN hai phía nắm bắt và tham dự.

Bên cạnh các cuộc XTTM chủ động trên, hàng xuất khẩu của thành phố còn gặp nhiều thuận lợi nhờ xu hướng chuyển dịch đầu tư, thương mại từ Trung Quốc, Nhật Bản sang. Theo số liệu mới đây từ các cơ quan chức năng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các khu vực lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, các nước trong ASEAN đã giảm mạnh ở Trung Quốc do tác động kinh tế khó khăn, giá nhân công tại Trung Quốc tăng... Vì thế, từ cuối năm 2012, hàng loạt các nhà nhập khẩu hàng hóa EU đã sang Việt Nam, đến tìm hiểu các DN sản xuất da giày, dệt may phía nam, trong đó có thành phố. Riêng trong quý I-2013, đã có hàng trăm DN Nhật Bản đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác, tập trung nhiều tại thành phố và các địa phương lân cận. Ông Ô-sa-tô Ka-du-hi-kô, Giám đốc Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết, đây là tín hiệu đáng mừng cho DN Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng. Trong ngành chế biến gỗ, tại Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần thứ 6 (VIFA 2013) mới được tổ chức tại thành phố, đã có hơn 1.200 nhà mua hàng từ các nước đến tham quan, đặt hàng, tìm nhà cung cấp. Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ (HAWA) Nguyễn Chiến Thắng cho biết, VIFA 2013 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa khởi sắc và trong nước còn nhiều khó khăn nhưng đã có sự tham dự của 126 DN với 603 gian hàng đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ðây là tín hiệu đáng mừng cho DN chế biến gỗ trong nước, nhất là đối với DN chế biến gỗ trên địa bàn thành phố và vùng phụ cận, vì chứng tỏ nhu cầu và thị trường tiêu thụ đồ gỗ thế giới sẽ phát triển trở lại trong thời gian tới.

Hàng xuất khẩu của thành phố cũng sẽ có thuận lợi từ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Hiệp định này được ký kết. Theo ông Lê Quốc Ân, cố vấn cao cấp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thành viên trong nhóm công tác tham gia đoàn đàm phán TPP, dù đang trong tiến trình đàm phán, song đã có nhiều đối tác trong và ngoài TPP đến Việt Nam tìm cơ hội đặt nhà máy cung cấp nguyên, vật liệu, tìm địa điểm lập các nhà máy sản xuất dệt, nhuộm. Ðây là cơ hội tốt cho DN trong nước, nhất là tại thành phố, mở rộng quan hệ, liên kết đầu tư phát triển với các nhà đầu tư nước ngoài. Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 Nguyễn Xuân Hồng cũng cho rằng, khi gia nhập TPP, lợi thế cạnh tranh hàng dệt may sẽ tăng nhờ giảm thuế...

Tiếp tục tăng cường hỗ trợ DN

Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội và lợi thế trên, tự thân DN cũng phải đổi mới, tái cấu trúc lại phương thức sản xuất, kinh doanh; đồng thời, các ban, ngành thành phố nên tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2013, thành phố sẽ nâng cao hơn các chương trình kích cầu, chương trình kết nối ngân hàng với DN 24 quận, huyện, trong đó sẽ mở rộng đối tượng, số lượng DN được vay vốn hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả hơn nữa cổng thông tin điện tử do ITPC phụ trách để cung cấp thông tin thị trường, đối tác, giới thiệu sản phẩm cho các DN. Phó Chủ tịch Hồng khẳng định, lãnh đạo thành phố sẽ luôn đồng hành cùng DN, giúp DN tháo gỡ khó khăn và vướng mắc của DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các bộ, ban, ngành trung ương cũng đã tích cực "vào cuộc" trong việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn thành phố. Trong buổi đối thoại trực tiếp mới đây với các tham tán thương mại tại thành phố, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các tham tán thương mại nên tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, những tác động bên trong và bên ngoài còn gây cản trở xâm nhập thị trường các nước. Ðồng thời, Bộ Công thương cũng mong các DN đưa ra các kiến nghị về cơ chế, chính sách để tăng thêm hiệu quả các hoạt động XTTM, phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/tphcm/tin-chung/item/20030902-.html