Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh, sức mạnh của tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo Người, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc chỉ được phát huy khi tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sau hợp nhất, Quảng Ngãi có hơn 40 dân tộc anh em. Sự đa dạng về văn hóa, tập quán của mỗi dân tộc anh em đã tạo nên sức mạnh tổng hợp chung sức, đồng lòng xây dựng Quảng Ngãi giàu mạnh.

Lan tỏa tình đoàn kết

Ở thôn Tà Đinh, xã Sơn Linh, giờ đây các em nhỏ không còn phải vượt dốc, đi bộ hàng giờ đồng hồ đến trường như trước. Từ trường mầm non đến tiểu học, các em đã có thể học ngay tại điểm trường trong thôn khang trang, an toàn và gần gũi thay vì phải đi học cách nhà 7-8km. Đó là thành quả từ tinh thần trách nhiệm, vì cộng đồng của ông Đinh Bồi (63 tuổi), dân tộc Hrê, người có uy tín của thôn Tà Đinh. “Việc xây dựng trường học gặp rất nhiều khó khăn do nhiều hộ dân chưa đồng thuận hiến đất để triển khai xây dựng công trình. Nghĩ đến tương lai của con em đồng bào mình nếu đi học xa nhà sẽ có khả năng bỏ học giữa chừng nên tôi lo lắm. Bản thân tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con lối xóm”, ông Đinh Bồi chia sẻ. Nhờ sự kiên trì vận động của ông Bồi mà nhiều hộ gia đình trong thôn đã thấu hiểu, đồng thuận hiến đất và hoa màu trên đất để xây dựng các công trình phúc lợi như: vận động 3 hộ dân hiến hơn 1.000 mét vuông đất để xây dựng và mở rộng trường tiểu học; vận động hơn 10 hộ dân hiến đất đai, hàng rào để xây dựng dựng hơn 2km đường giao thông nông thôn...

Trong bài viết “Sức mạnh của đoàn kết”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đã và đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị; sáp nhập các đơn vị hành chính, "sắp xếp lại giang sơn", tổ chức không gian phát triển bền vững cho đất nước, tinh thần đoàn kết càng phải được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Với tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh lãnh đạo của Đảng, chúng ta kiên quyết giữ vững và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là "mạch nguồn", là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt, bảo đảm mọi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước được thực hiện triệt để, nhất quán, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất mọi nguyện vọng chính đáng của nhân dân...

Đoàn kết đã, đang và sẽ mãi là sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn chuyển mình sắp xếp lại bộ máy đầy thách thức hiện nay, tinh thần ấy càng phải được quán triệt sâu sắc và phát huy cao độ. Lịch sử giao cho chúng ta nhiệm vụ hết sức quan trọng là kiến tạo một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời kỳ mới. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, không có "vũ khí" nào lợi hại và hiệu quả hơn sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công!".

Tinh thần trách nhiệm của ông Đinh Bồi không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động mà còn bằng những hành động thiết thực, luôn xuất phát từ lợi ích của người dân. Ở thôn Tà Đinh, ông Bồi là trung tâm của khối đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa, hỗ trợ giúp nhau làm kinh tế, đặc biệt vận động bà con xây dựng mối quan hệ đoàn kết lương - giáo; hộ đồng bào theo đạo sống “tốt đời, đẹp đạo”. Những mô hình như "Không phá rừng, không nghi kỵ đồ độc", “Xây dựng lò đốt rác mini”, hay "Chống rác thải nhựa" được ông cùng các đoàn thể kiên trì triển khai đã lan tỏa lối sống xanh, sạch, văn minh. Ông cũng tham gia hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong khu dân cư. Đơn thư khiếu nại, mâu thuẫn trong thôn Tà Đinh ngày càng giảm dần; tỷ lệ gia đình văn hóa ở thôn Tà Đinh tăng qua từng năm và tỷ lệ hộ nghèo đứng thấp nhất của xã... Những việc làm của ông không chỉ góp phần đổi thay cuộc sống người dân mà còn phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Đinh Bồi (đầu tiên, bên phải) thăm hỏi học sinh Trường Tiểu học và THCS Sơn Giang. Ảnh: SA HUỲNH

Ông Đinh Bồi (đầu tiên, bên phải) thăm hỏi học sinh Trường Tiểu học và THCS Sơn Giang. Ảnh: SA HUỲNH

Gần 80 năm tuổi đời, trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, ông A Nhoong, ở xã anh hùng Đăk Ui thấu hiểu sâu sắc về tình đoàn kết các dân tộc. Từ kinh nghiệm sống của mình, ông nói rằng, trong cuộc sống nhiều biến chuyển, tình đoàn kết luôn được phát huy. Trải qua quá trình hình thành, đấu tranh, xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển bền chặt. “Trong lửa đạn chiến tranh, các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh chia nhau củ sắn, sẻ nửa bát cơm; cho đến khi hòa bình, độc lập, tiếp tục đoàn kết chung sức khai hoang, xây dựng kinh tế mới. Gian nan, vất vả, nhưng tình cảm luôn đậm đà, ở những ngôi làng, vùng đất, bà con ăn ở với nhau như bát nước đầy, luôn san sẻ yêu thương, đùm bọc lẫn nhau”, ông A Nhoong tâm sự.

Từ sự khác biệt to lớn, qua việc cùng làm, cùng hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, chung sức giữ gìn bản sắc các dân tộc... văn hóa đã được hòa hợp. Những thanh niên người Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Brâu, H’rê... nên duyên với người Kinh, Nùng, Mường, Tày... Khoảng cách vùng miền, dân tộc dần được xóa nhòa, họ gắn bó máu thịt, keo sơn như mây với núi. Từ một số các dân tộc tại chỗ, ngày càng có nhiều dân tộc di cư đến làm ăn, sinh sống, làm nên sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc. Trên hành trình xây dựng cuộc sống mới, như tất yếu, văn hóa được giao thoa, họ trao đổi, học hỏi lẫn nhau từ cách ăn, cách ở. Trong sự chuyển biến đó, Mặt trận các cấp luôn là mái nhà chung, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân thống nhất, hòa hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết.

Khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung xuyên suốt, nhất quán trong đường lối, chiến lược, được đúc kết qua các kỳ đại hội Đảng, thể hiện cụ thể qua các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị. Trong đó, đáng chú ý là việc cụ thể hóa quan điểm đại đoàn kết dân tộc qua Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị (khóa VII) về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất Nghị quyết khẳng định: Đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản của Đảng và Nhà nước ta... Tiếp đến là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nghị quyết 23 sử dụng cụm từ “Đại đoàn kết toàn dân tộc” thay cho cụm từ “Đại đoàn kết dân tộc” trong Nghị quyết 07 với ý nghĩa mở rộng đại đoàn kết... Đây là bước phát triển mới trong tư duy của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) đã cụ thể hóa hơn nữa chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc và ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Nghị quyết 43 xác định, tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các dân tộc anh em ở Quảng Ngãi chung sức giữ gìn bản sắc văn hóa và sự đoàn kết. Ảnh: HOÀI TIẾN

Các dân tộc anh em ở Quảng Ngãi chung sức giữ gìn bản sắc văn hóa và sự đoàn kết. Ảnh: HOÀI TIẾN

Với Quảng Ngãi, mái nhà Mặt trận đã được mở rộng hơn với nhiều dân tộc, đa tôn giáo. Đó là niềm vui nhưng cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết. Để mái nhà ấy kiên cố, vững chãi, luôn ấm cúng tình đoàn kết, bài toán vận dụng sức mạnh truyền thống cần phải phù hợp, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cộng đồng về lợi ích của việc sắp xếp các đơn vị hành chính; bảo đảm sự công bằng, giải quyết hài hòa lợi ích của các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng, miền, giữa các dân tộc, tôn giáo nhằm tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao về chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

SA HUỲNH - HOÀI TIẾN

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/tang-cuong-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-54107.htm