Tăng cường kiểm soát tải trọng xe, xử lý những trường hợp vi phạm dịp cuối năm

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh thành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục quản lý chuyên ngành tăng cường kiểm soát tải trọng xe dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng trong những tháng cuối năm 2021. Tỷ lệ xe quá tải được phát hiện, xử lý đã tăng trên 10%.

Tình trạng xe quá tải bùng phát sau khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát tại nhiều địa phương đã gây bức xúc dư luận. (Ảnh: Người dân chặn xe quá tải tại Thanh Hóa).

Xe cơi nới kích thước thành thùng chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương gây hư hỏng kết cấu hạ tầng, mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Chỉ tính riêng trong 2 tháng 9 và tháng 10, sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, bình quân mỗi ngày có hàng chục lượt xe “Howo” cơi nới kích thước thành thùng, chở đất quá tải lưu thông trên tuyến đê Minh Đức (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).

Các xe tải, xe ben, xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc chở cát, sỏi quá tải từ các mỏ tại xã Thái Bình (huyện Yên Sơn) lưu thông trên Quốc lộ 37 tỉnh Tuyên Quang, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc).

Hàng trăm lượt xe tải/ngày có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở cát quá tải từ các mỏ cát tại xã Thụy Quỳnh, lưu thông trên Quốc lộ 37 qua địa bàn huyện Thái Thụy ( tỉnh Thái Bình), Quốc lộ 21B trên địa bàn Thành phố Hà Nội,...

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, theo Tổng cục Đường bộ là do các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định hiện nay tại các địa phương đã bộc lộ một số hạn chế, không kiểm soát được toàn bộ số xe quá tải qua trạm.

Chỉ những xe mà lực lượng chức năng nghi ngờ có dấu hiệu vượt tải trọng mới được yêu cầu đưa vào trạm cân kiểm tra. Các trạm không hoạt động thường xuyên, bị hạn chế bởi điều kiện thời tiết,...nên các đối tượng vi phạm cố tình vượt trạm và con người vẫn có thể can thiệp vào quá trình kiểm tra.

Hệ lụy là xe quá tải vô tư hoạt động, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho xã hội và ngân sách Nhà nước do phải bỏ tiền ra để sửa chữa, xây dựng mới cầu đường.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ GTVT đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo Sở GTVT, Công an tỉnh và chính quyền cấp cơ sở tăng cường phối hợp triển khai kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn.

Xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe, đặc biệt là việc kiểm soát tải trọng xe ngay tại các đầu nguồn hàng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn.

Đồng thời tuyên truyền các quy định của pháp luật về tải trọng xe, thiệt hại do xe quá tải và chế tài xử phạt vi phạm.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành đẩy mạnh kiểm soát tải trọng xe theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, nhất là việc kiểm soát tải trọng xe tại các khu vực đầu nguồn hàng, cảng, bến, nhà ga, kho bãi.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ và vận động hội viên nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng, khổ giới hạn của phương tiện và của cầu, đường bộ…”, Bộ GTVT nêu rõ.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-cuong-kiem-soat-tai-trong-xe-xu-ly-nhung-truong-hop-vi-pham-dip-cuoi-nam-post169198.html