Tăng cường nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bứt phá

Bài viết 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam' của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La.

Nghiên cứu kỹ bài viết, chúng tôi rất tâm đắc với quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư đề cập, đó là “Xã hội xã hội chủ nghĩa (XHXHCN) mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;... con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển”.

Những quan điểm trên là mục tiêu xuyên suốt của Đảng ta trong các giai đoạn cách mạng. Thực tiễn cũng chứng minh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội. Đặc biệt, thường xuyên chú trọng đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng; Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, quyết định để phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, như: Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020...

 Ảnh minh họa/baochinhphu.vn

Ảnh minh họa/baochinhphu.vn

Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ, vùng đồng bào DTTS và miền núi nước ta hiện có hơn 5.200 xã, 548 huyện. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của gần 14,2 triệu đồng bào, 53 dân tộc thiểu số. Đồng bào DTTS ở nước ta sinh sống chủ yếu khu vực núi cao, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai bão lũ, sạt lở đất. Những năm gần đây, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt, nhưng so với mặt bằng chung của đất nước thì đây vẫn là vùng có điều kiện khó khăn nhất, KT-XH phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất...

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những nhận thức tổng quát về XHXHCN và mục tiêu trên con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Từ thực tiễn của tỉnh Sơn La và một số địa phương khu vực Tây Bắc, tôi cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, để đạt được các mục tiêu đề ra, bên cạnh những thuận lợi cũng đang gặp những thách thức không nhỏ. Trong đó, mức độ phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc; khoảng cách về thu nhập, điều kiện sống và mức độ thụ hưởng giữa khu vực miền núi, đồng bào DTTS với các vùng, miền khác trong cả nước chưa có nhiều cải thiện. Trước những thách thức này đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có thêm nhiều chủ trương, chính sách mang tính “dài hơi” hơn, có trọng tâm, trọng điểm, để đầu tư nguồn lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển đồng bộ, toàn diện.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phương hướng, mục tiêu chung về công tác dân tộc, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, đó là: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS”. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở “Tập trung triển khai hiệu quả các đề án, chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi...”.

Chúng ta cần nhận thức sâu sắc, đại đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa, vị trí chiến lược quan trọng, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, nhưng cũng rất cấp bách và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Bởi lẽ đó, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục xây dựng và ban hành chính sách phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi theo hướng toàn diện, bền vững; phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào DTTS.

Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, tăng cường nguồn tín dụng ưu đãi đối với các dự án tạo sinh kế cho đồng bào; đa dạng hóa và xã hội hóa nguồn lực, trong đó, nguồn lực nhà nước có vai trò quan trọng và quyết định để huy động các nguồn lực khác. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với tập quán của từng dân tộc. Phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; chú trọng phát triển du lịch sinh thái, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

Khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS có vị trí chiến lược quan trọng, vì vậy từ bài viết của Tổng Bí thư, chúng tôi rất mong Đảng và Nhà nước tiếp tục tăng cường củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; kiên quyết không để xảy ra các "điểm nóng", phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt ở các địa bàn chiến lược. Chú trọng bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người DTTS, qua đó tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới; đồng thời thường xuyên, tôn vinh, động viên người có uy tín trong đồng bào DTTS, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ThsTRẦN HOÀI NAM, Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Sơn La

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tang-cuong-nguon-luc-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-but-pha-660609