Tăng cường phòng chống dịch bệnh trên tôm

Trước tình hình một số địa phương ở Hà Tĩnh xuất hiện dịch đốm trắng trên tôm, ngành chức năng đã kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh vừa ban hành văn bản gửi trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi các huyện ven biển, TP Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh về việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm.

 Hiện nay, một số địa phương ở Hà Tĩnh đã xuất hiện dịch đốm trắng trên tôm (Ảnh minh họa).

Hiện nay, một số địa phương ở Hà Tĩnh đã xuất hiện dịch đốm trắng trên tôm (Ảnh minh họa).

Hiện nay, tại một số vùng nuôi tôm trọng điểm xảy ra dịch bệnh đốm trắng trên tôm. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh còn thụ động, chưa kịp thời, đầy đủ. Trong khi hiện nay, thời tiết bất lợi, nắng nóng xen lẫn mưa dông, làm biến động nhiệt độ và các yếu tố môi trường nước, giảm sức đề kháng của tôm; nguy cơ tiếp tục phát sinh, lây lan một số loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên tôm là rất cao.

Để chủ động công tác phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại, góp phần đảm bảo an toàn phát triển nuôi tôm vụ xuân hè, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị giám đốc trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi các huyện ven biển, thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh phối hợp với các phòng, ban liên quan, UBND cấp xã thực hiện một số nội dung:

1. Tổ chức kiểm tra, rà soát, nắm sát diễn biến tình hình thủy sản nuôi chết; kiểm tra lâm sàng, tổ chức thu mẫu xét nghiệm xác định dịch bệnh; cập nhật, tổng hợp, báo cáo số liệu dịch bệnh trên địa bàn về Chi cục Chăn nuôi và Thú y; đồng thời, tham mưu triển khai kịp thời, đầy đủ các giải pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh lây lan theo quy định.

Riêng đối với thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, huyện Lộc Hà (đang có dịch đốm trắng trên tôm): tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả, tránh lây lan ra diện rộng; phân công cán bộ bám sát địa bàn kiểm tra, rà soát diễn biến tình hình dịch bệnh, báo cáo theo quy định.

Tuyệt đối không để tình trạng tôm chết nhưng không kiểm tra, lấy mẫu xác định dịch bệnh hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống.

2. Tăng cường công tác thông tin, hướng dẫn người sản xuất thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh; trong đó, lưu ý sử dụng giống ương dưỡng, thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh, có kiểm dịch theo quy định; áp dụng các biện pháp nuôi trồng an toàn sinh học, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp theo sổ tay hướng dẫn; thông tin, khai báo dịch bệnh kịp thời cho UBND cấp xã hoặc cơ quan thú y cấp huyện.

Thực hiện xử lý ổ dịch, khử trùng, tiêu độc trong quá trình nuôi và sau thu hoạch theo hướng dẫn tại Văn bản số 10/CNTY-QLTY ngày 09/01/2024 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y; chỉ sử dụng thuốc nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam để phòng chữa bệnh động vật; khuyến khích, hướng dẫn xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

3. Khi xác định dịch bệnh thuộc danh mục bệnh động vật thủy sản truyền nhiễm nguy hiểm, tham mưu, tổ chức thực hiện xử lý ổ dịch kịp thời, đảm bảo theo quy định.

4. Kiểm tra, phát hiện và tham mưu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh, nhất là giấu dịch, không xử lý ổ dịch theo quy định, xả thải tôm và nước ao nuôi bị bệnh chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, làm lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

T.P

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-tren-tom-post267181.html