Tăng cường quản lý nhà nước về giám định tư pháp

Ngay từ khi Luật Giám định tư pháp (GĐTP) có hiệu lực pháp luật, trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã tăng cường việc phổ biến, tuyên truyền nội dung của luật và các văn bản khác có liên quan. Nhờ vậy mà lĩnh vực GĐTP đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo đồng chí Ngô Hải Bằng - Trưởng Phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Sóc Trăng, GĐTP là hoạt động bổ trợ tư pháp, phục vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, góp phần đảm bảo trật tự xã hội, phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, rút ngắn thời gian để các cơ quan pháp luật xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm.

Các giám định viên thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu. Ảnh: T.H

Các giám định viên thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu. Ảnh: T.H

Từ tầm quan trọng của công tác GĐTP, trong năm qua, tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch số 05 ngày 17-1-2013 về Luật GĐTP và Kế hoạch số 89 ngày 31-12-2013 triển khai thực hiện Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, ngày 29-7-2013 của Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP. Theo đó, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó trưởng Ban Thường trực, thành viên là lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Sở Tư pháp là cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về lĩnh vực GĐTP với nhiều hình thức thích hợp. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GĐTP tại địa phương.

Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về công tác định giá tài sản, GĐTP cho các cơ quan quản lý giám định, cơ quan trưng cầu, yêu cầu giám định, giám định viên tư pháp, người GĐTP theo vụ việc và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh trình UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương; lựa chọn, lập danh sách trình UBND tỉnh công bố danh sách người GĐTP, tổ chức GĐTP theo vụ việc.

Trong năm qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở, ngành tỉnh rà soát, lựa chọn trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, công bố danh sách tổ chức và người GĐTP theo vụ việc. Kết quả trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét bổ nhiệm 3 giám định viên, miễn nhiệm 9 giám định viên tư pháp. Như vậy, tổng số giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh là 96 người và 2 tổ chức giám định tư pháp công lập. Mặt khác, Sở Tư pháp rà soát, tham mưu công bố 40 người GĐTP theo vụ việc và 1 tổ chức GĐTP theo vụ việc. Tổng số vụ việc thực hiện giám định năm qua là 1.555 vụ việc, trong đó, theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng 1.009 vụ việc, theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân 546 việc. Trong quý I năm 2020, đối với lĩnh vực này, Sở Tư pháp cho ý kiến 2 hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp về lĩnh vực thông tin và truyền thông; góp ý Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GĐTP.

Cũng theo Trưởng Phòng Bổ trợ tư pháp Ngô Hải Bằng, bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động GĐTP vẫn còn những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, theo quy định của Luật GĐTP, Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về GĐTP ở địa phương nhưng chưa có những quy định rõ ràng về cơ chế, đầu mối quản lý, trong khi nguồn lực lại do các ngành chuyên môn trực tiếp quản lý. Hơn nữa, GĐTP là hoạt động mang tính chuyên môn và nghề nghiệp đặc thù, nên việc hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra hoạt động giám định của Sở Tư pháp chưa được sâu và đạt hiệu quả cao.

Đánh giá về hoạt động GĐTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, đội ngũ giám định viên tư pháp ngày càng được củng cố cả về số lượng và chất lượng. Song song đó, giám định viên tư pháp có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, đạo đức tốt. Đặc biệt, chất lượng kết luận giám định phản ánh đầy đủ và đúng theo yêu cầu, đảm bảo tính khách quan, trung thực, góp phần phục vụ kịp thời cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử được nghiêm minh, đúng pháp luật. Qua đó, góp phần phục vụ kịp thời cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, tránh được oan sai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các bị can, người bị hại, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

T.H

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/tang-cuong-quan-ly-nha-nuoc-ve-giam-dinh-tu-phap-36896.html