Tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp/cơ sở sản xuất, kinh doanh

UBND tỉnh mới có Công văn số 11295 về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp/cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát; tuy nhiên, một số địa phương, doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp) vẫn tiếp tục ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Để tăng cường công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh và ổn định sản xuất tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch.

Tập thể lãnh đạo/người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm về việc phát hiện, phòng, chống dịch tại doanh nghiệp của mình; tăng cường tối đa tự xét nghiệm để kịp thời phát hiện F0, F1, F2 tại doanh nghiệp mình.

Xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống dịch tại doanh nghiệp/cơ sở sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tế và theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế.

Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế; khuyến cáo tất cả nhân viên, người lao động khi đi từ vùng có dịch về phải chủ động khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe/cách ly y tế tại nhà, khi có các dấu hiệu bất thường vẻ sức khỏe phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất và cán bộ đầu mối phòng, chống dịch của đơn vị, doanh nghiệp.

Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp; đảm bảo mỗi phân xưởng/bộ phận sản xuất phải có ít nhất 1 tổ để thực hiện nắm bắt thông tin, tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người lao động nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch Covid-19; kiểm soát chặt chẽ người đến/vào khu vực làm việc/ký túc xá, bố trí riêng khu vực để tiếp khách tại khu vực làm việc...

Trường hợp doanh nghiệp tổ chức việc đưa đón người lao động phải lập và quản lý danh sách người lao động đi xe chung hằng ngày; khuyến khích cố định người lao động di chuyển trên cùng một xe đưa đón; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn xe trước/sau mỗi lần đưa đón...

Khi có trường hợp người lao động/khách hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở tại nơi làm việc hoặc có F0, F1, F2 thì cần làm ngay các công việc theo quy định, hướng dẫn.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố thành lập ngay các tổ công tác và thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp có F0 phải phân công lãnh đạo trực tiếp đến doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong trong việc truy vết F1, F2 khi doanh nghiệp có trường hợp dương tính với Covid-19; hỗ trợ việc bố trí cơ sở cách ly và tổ chức cách ly F1, F2 tại doanh nghiệp theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch dẫn đến lây lan dịch bệnh thì xử lý nghiêm theo quy định; giao Công an tỉnh xem xét xử lý hình sự đối với những cá nhân có liên quan cố ý chậm trễ hoặc không nghiêm túc thực hiện quy định về phòng, chống dịch dẫn đến lây lan dịch bệnh.

Thúy Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/71652/tang-cuong-thuc-hien-phong-chong-dich-covid-19-tai-doanh-nghiepco-so-san-xuat-kinh-doanh.html