Tăng cường tính chủ động và khả năng tiếp cận thông tin dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ có chất lượng đến người dân

Chủ đề Ngày tránh thai Thế giới 26/9 năm nay là 'Chủ động tránh thai - Trách nhiệm không chỉ riêng ai'. Chủ đề này có ý nghĩa như một 'chiến dịch' toàn cầu nhằm khơi dậy trách nhiệm của mọi người dân, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là giới trẻ hiện nay trong việc quan hệ tình dục an toàn, chủ động phòng tránh và mang thai ngoài ý muốn vì lợi ích của chính mình và cộng đồng, hướng đến một cuộc sống hôn nhân, hạnh phúc gia đình bền vững.

 Tư vấn biện pháp tránh thai hiện đại cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ. Ảnh: KKS

Tư vấn biện pháp tránh thai hiện đại cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ. Ảnh: KKS

Theo thống kê từ Vụ sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em và các ngành liên quan, hằng năm ở nước ta có đến 250 - 300 nghìn ca nạo phá thai tại các cơ sở y tế, trong đó có 20 - 30% phụ nữ phá thai khi chưa lập gia đình. Trước thực trạng này, thời gian qua, ngành y tế - dân số các cấp, địa phương đã tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, tư vấn đến mọi đối tượng, chị em phụ nữ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là giới trẻ ở độ tuổi vị thành niên/thanh niên trước các nguy cơ và hệ lụy của việc mang thai ngoài ý muốn. Việc chủ động lựa chọn các biện pháp tránh thai thích hợp, an toàn không chỉ giúp chị em phụ nữ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ để có điều kiện tốt hơn trong việc chăm sóc con cái và phát triển kinh tế gia đình mà còn bảo vệ chăm sóc được sức khỏe bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo nền móng vững chắc bồi đắp cho sự phát triển của thế hệ mai sau.

Tại Quảng Trị, chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) năm 2019 được triển khai tại 74/141 xã, phường, thị trấn vừa kết thúc, đã có hơn 40.000 lượt phụ nữ được cung cấp thông tin, tuyên truyền, tư vấn về chăm sóc SKSS/ KHHGĐ, 22.882 lượt phụ nữ được phát hiện và điều trị các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, thực hiện và cung cấp 13.523 các phương tiện tránh thai hiện đại cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Điển hình, nhiều năm qua, xã Hải Thiện, Hải Lăng luôn đi đầu trong công tác dân số - KHHGĐ của huyện. Tỉ lệ phụ nữ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hằng năm đạt trên 75%, điều này đã cho thấy ý thức của người dân trong việc lựa chọn và chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai/KHHGĐ, tránh được các hệ lụy của việc mang thai ngoài ý muốn và những tai biến sản khoa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chị Lê Thị Thủy, Thôn 3, xã Hải Thiện, Hải Lăng chia sẻ: “Mặc dù công việc bận rộn nhưng mỗi khi có thông tin về chiến dịch truyền thông cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ hằng năm, chị em chúng tôi đều cố gắng sắp xếp thời gian để đến khám và thực hiện các biện pháp tránh thai để CSSK/KHHGĐ. Tại chiến dịch lần này tôi đã lựa chọn biện pháp tránh thai đặt vòng, bởi đây là biện pháp tránh thai an toàn được đa số chị em sử dụng để bảo vệ sức khỏe, có thời gian tập trung phát triển kinh tế gia đình và chăm lo cho các con”. Hiện xã Hải Thiện có 940 hộ với 3.770 nhân khẩu, trong đó số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 - 49 tuổi có chồng là 460 người, do vậy hằng năm trên cơ sở chỉ tiêu, kế hoạch được giao, Ban Dân số - KHHGĐ xã đã tập trung huy động các nguồn lực cho chiến dịch. Trong đó, trạm y tế xã đã tiến hành lập danh sách quản lí, theo dõi và tổ chức tư vấn tại trạm, cấp phát tờ rơi cho đối tượng phụ nữ, đồng thời phối hợp với Hội LHPN xã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về CSSKSS/KHHGĐ cho chị em, ngoài ra tuyên truyền lồng ghép về các nội dung về nâng cao chất lượng dân số và công tác dân số trong tình hình mới. Nhờ vậy tại các đợt chiến dịch hằng năm, phụ nữ trên địa bàn tham gia rất đông, từ đó cũng giúp địa phương hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác dân số - KHHGĐ hằng năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được từ nỗ lực chung của ngành y tế - dân số các cấp, đặc biệt là sự năng động, nhiệt huyết và đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ ở cơ sở, công tác dân số và phát triển ở tỉnh hiện nay nói chung cũng như hoạt động tuyên truyền, vận động người dân để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ nói riêng vẫn gặp không ít khó khăn. Việc thay đổi thói quen của người dân từ chỗ được miễn phí hoàn toàn các phương tiện tránh thai như trước đây thì nay đáp ứng qua kênh tiếp thị và xã hội hóa, người dân tự chi trả. Cùng với đó, một số dịch vụ, sản phẩm CSSKSS/KHHGĐ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Chất lượng các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ ở tuyến cơ sở còn thiếu đồng bộ về cả số lượng và chất lượng, các phương tiện tránh thai chủ yếu được cung cấp qua kênh tiếp thị nhưng còn hạn chế về mẫu mã cũng như giá cả cạnh tranh trên thị trường, do vậy chưa tạo được thói quen cũng như sự chủ động tiếp cận các phương tiện tránh thai của chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Điều này đòi hỏi các cấp cần sớm có giải pháp thực hiện và lộ trình cung ứng dịch vụ đồng bộ, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của từng dịch vụ.

Trong điều kiện hỗ trợ từ nhà nước về các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ ngày càng thu hẹp thì việc tiếp tục tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai/KHHGĐ, nhất là việc tăng cường đẩy mạnh chất lượng cung ứng các dịch vụ cho chị em phụ nữ là hết sức cần thiết. Qua đó, giúp chị em tiếp cận được các thông tin, phương pháp tránh thai an toàn sẽ hạn chế, hệ lụy của các tai biến sản khoa hay do vỡ kế hoạch gây ra; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của công tác dân số - KHHGĐ, chiến lược dân số/SKSS/KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 và công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh.

Kăn Sương - Văn Hưng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143074