Tăng cường trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em dịp Hè

Cứ mỗi khi Hè đến, tai nạn đuối nước, nhất là ở trẻ em lại có nguy cơ tăng cao do trời nắng nóng, một số trẻ em được nghỉ Hè thường tìm đến sông suối, ao hồ để tắm mát. Các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp phòng đuối nước, đặc biệt công tác dạy bơi được ngành chức năng chú trọng, quan tâm nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước.

Nỗi lo đuối nước

Học sinh được hướng dẫn các kỹ năng bơi lội, phòng chống đuối nước. Ảnh tư liệu: Nguyễn Xuân Dự/TTXVN

Học sinh được hướng dẫn các kỹ năng bơi lội, phòng chống đuối nước. Ảnh tư liệu: Nguyễn Xuân Dự/TTXVN

Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), đuối nước là kẻ giết người thầm lặng, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam. Tai nạn đuối nước ở trẻ em thực sự là nỗi lo đối với nhiều gia đình và cơ quan chức năng khi Hè về, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nhiều sông, suối.

Tại tỉnh Bình Dương, thống kê của các ngành chức năng cho thấy, giai đoạn năm 2020 - 2023 xảy ra 4 vụ tai nạn đuối nước, khiến 5 em tử vong. Qua đánh giá, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn đuối nước là do các em chưa có kỹ năng tự bảo vệ mình trong môi trường nước, trong khi nhiều em lại thích chơi đùa, tắm sông.

Bình Phước là địa bàn có địa hình sông, suối phức tạp. Chỉ trong thời gian từ năm 2022 đến hết quý I/2024, tỉnh có tới 49 trẻ em tử vong do đuối nước. Toàn tỉnh hiện có trên 280.900 trẻ em, thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được các cấp ngành, địa phương quan tâm, lồng ghép thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, tình hình trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, nhất là đuối nước vẫn tăng và diễn biến phức tạp. Có thể kể như vụ 3 nữ sinh bị đuối nước ở khu vực lòng sông phía cửa xả nước của Nhà máy thủy điện Cần Đơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp, ngày 17/3; hai anh em rủ nhau đi rẫy ở thôn 9, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng chơi và bị rơi xuống hồ nước dẫn đến tử vong, chiều 27/3; ba nạn nhân bị đuối nước ở nhánh sông Bé, thuộc địa phận ấp Tân Hai, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh ngày 29/4... Đây là những vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng xảy ra mới đây, gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành chức năng, địa phương và cả xã hội chung tay giải quyết.

Theo các chuyên gia, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, nếu trẻ gặp tình trạng nặng được cứu sống thì hậu quả cũng rất nặng nề về sau. Những nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước là do trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa đuối nước; thiếu sự giám sát của cha mẹ và người chăm sóc; môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước cho trẻ; nhiều nơi nguy hiểm, dễ gây đuối nước nhưng không có biển cảnh báo, không có chỉ dẫn, không có người cảnh giới. Bên cạnh đó, người dân còn thiếu ý thức chấp hành các quy định an toàn về phòng, chống đuối nước cho trẻ em; nhiều địa phương chưa quan tâm, chưa bố trí kinh phí thực hiện công tác này.

Thạc sĩ Hà Văn Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kỹ năng sống Đồng Nai cho rằng, hầu hết những vụ đuối nước ở trẻ là do sự thiếu quan tâm của người lớn. Việc trang bị cho các em những kỹ năng về phòng, chống đuối nước như: Nhận diện nguy hiểm từ môi trường nước; kỹ năng cơ bản tự xử lý khi bản thân là nạn nhân của đuối nước và kỹ năng xử lý khi người khác gặp đuối nước (tìm được vật dụng cứu đuối phù hợp, hô hấp nhân tạo, gọi người lớn hơn hỗ trợ...)… là rất quan trọng.

Nhiều giải pháp giảm thiểu

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chúng ta có thể bảo vệ mọi người, kể cả trẻ em khỏi đuối nước bằng cách hiểu biết về các mối nguy hiểm, nguy cơ. Do đó, để giảm thiểu tai nạn đuối nước, các cấp, ngành, địa phương, trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh trong việc tuân thủ các quy định về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước; kể cả những hộ dân sinh sống dọc sông, suối, ven ao, hồ để giúp bà con hiểu và nâng cao ý thức về phòng, chống đuối nước cho con trẻ.

Các đơn vị liên quan, trường học cần phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong quản lý, giáo dục các em về ý thức phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước; vận động gia đình thường xuyên quan tâm giám sát con em mình, chủ động đưa trẻ đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” trong Tháng hành động vì trẻ em 2024 (từ 1 - 30/6), tỉnh hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.

Theo đó, tỉnh Bình Phước tổ chức chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông. Tỉnh rà soát, bổ sung đủ các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn, rào chắn… tại các địa điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích; cải tạo môi trường sống, đảm bảo an toàn cho trẻ tại gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Nhân Tháng hành động vì trẻ em 2024, tỉnh xây dựng, nâng cấp các công trình (trường, lớp học, nhà bán trú, thư viện, sân chơi…) dành cho trẻ em với phương thức mỗi xã, phường, thị trấn có một công trình vì trẻ em; tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vượt khó học giỏi; tổ chức các sân chơi an toàn, lành mạnh, vui vẻ cho trẻ em trong dịp hè.

Tại tỉnh Bình Dương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh vừa phối hợp với UBND thành phố Tân Uyên tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2024. Đây là dịp để các cấp, ngành tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh về nguy cơ tai nạn đuối nước, trang bị kỹ năng cần thiết giúp các em phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ đuối nước.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương Cao Văn Chóng, các hoạt động bơi, lặn, phòng, chống đuối nước đã và đang được các đơn vị, địa phương quan tâm. Đặc biệt, công tác tổ chức dạy bơi cho trẻ em tại các hồ bơi trên địa bàn; vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn; có chế độ ưu tiên, miễn, giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi cũng được trập trung thực hiện.

Hồng Đạt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/tang-cuong-trang-bi-ky-nang-phong-chong-duoi-nuoc-cho-tre-em-dip-he-20240603135700890.htm