Tăng cường vai trò của Kiểm toán Nhà nước nhằm đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng, tiêu cực

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 5/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm nội dung thuộc lĩnh vực Kiểm toán.

 Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán nhà nước, trả lời chất vấn trước Quốc hội

Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán nhà nước, trả lời chất vấn trước Quốc hội

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang,cho biết: Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy số tiền kiến nghị chưa thu được, nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm tỷ lệ còn cao (59%), kết quả này cho thấy việc chưa thực hiện nghiêm túc kết luận của đơn vị được kiểm toán. Đại biểu Thúy đề nghị cho biết lý do và nêu rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục của ngành cũng như kiến nghị Tổng Kiểm toán để nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận của Kiểm toán trong thời gian tới.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, nêu vấn đề: Kiểm toán nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét, xử lý và tự đánh giá. Hiện Kiểm toán nhà nước chỉ mới phát huy vai trò, hiệu quả, chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế. Đại biểu Yến Nhi đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước làm rõ hạn chế này có nguyên nhân do đâu và định hướng giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?

Đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, nêu câu hỏi chất vấn

Đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, nêu câu hỏi chất vấn

Làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán nhà nước, cho biết: Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, đối tượng kiểm toán là việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật. Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, với 12 nhóm đơn vị liên quan.

Trả lời chất vấn đại biểu Ma Thị Thúy, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết, hiện nay việc thực hiện kết luận của kiểm toán được các cơ quan quan tâm; đặc biệt sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, tiến độ và ý thức chấp hành trong thực hiện kết luận của Kiểm toán cao hơn. Tuy nhiên, theo thống kê vẫn còn hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận kiểm toán chưa được thực hiện, trong đó nguyên nhân từ đơn vị được kiểm toán chiếm 59,46%. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng nêu các giải pháp kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận của Kiểm toán.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra. Việc chủ động chuyển 19 vụ việc so với 1.609 hồ sơ tài liệu theo yêu cầu là còn ít và thừa nhận đây là tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Do đó, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới là áp dụng các biện pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán, kịp thời phát hiện các sai phạm và thu thập bằng chứng để kịp thời chuyển cho cơ quan điều tra.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, nêu câu hỏi chất vấn

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, nêu câu hỏi chất vấn

Trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp các tài liệu đầy đủ hơn và tiếp tục theo dõi, đôn đốc và nâng cao nâng chất lượng các báo cáo kiểm toán để những phát hiện rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng nhằm đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng, tiêu cực.

Về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Kiểm toán Nhà nước cũng đã khẳng định được tầm quan trọng thông qua việc kiểm toán, phát hiện kịp thời những sai phạm, từ đó có kiến nghị tăng thu giảm chi, góp phần giảm thất thoát tài chính công, tài sản công, đồng thời đưa ra những kiến nghị điều chỉnh kịp thời với chính sách, pháp luật, chống thất thoát, lãng phí.

Về trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán nếu các đơn vị được kiểm toán không bị phát hiện ra sai phạm cho đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện ra các sai phạm, thất thoát, tham nhũng tài sản của Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, Điều 68 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra.

Đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm nhưng đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kiểm toán mà sát phát hiện ra sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm. Nếu có lỗi thì phải xử là tùy theo mức vi phạm để xử lý theo trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính. Đây là quy định rất là rõ về trách nhiệm và khi phát hiện ra sai phạm thì theo quy định của Luật thì phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tan-cuong-vai-tro-cua-kiem-toan-nha-nuoc-nham-dua-ra-anh-sang-nhung-vu-tham-nhung-tieu-cuc-20240605102553389.htm