Tăng sức cạnh tranh cho nông sản mùa vụ

Hiện các mặt hàng có tính mùa vụ cao như vải, nhãn, xoài, chôm chôm, thanh long, sầu riêng... của Việt Nam đang chịu áp lực lớn trong việc thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ, dễ gây ùn ứ và rớt giá.

Sơ chế vải xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. (Ảnh: MINH ANH)

Sơ chế vải xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. (Ảnh: MINH ANH)

Rào cản và phi thuế quan trên thị trường quốc tế ngày càng nhiều cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu duy trì đơn hàng và giữ thị phần.

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thường xuyên và nhanh chóng về biến động giá cả, chính sách thương mại, các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ và các kênh phân phối tiềm năng để điều chỉnh kế hoạch linh hoạt, phù hợp từng giai đoạn.

Áp lực bảo quản và xuất khẩu

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam Ngô Thị Thu Hồng cho biết: Quả vải là một trong những trái cây mang tính mùa vụ rất cao của Việt Nam và đang gặp thách thức tiêu thụ khi phải tuân thủ yêu cầu kiểm dịch khác nhau của mỗi quốc gia. Cụ thể, thị trường Nhật Bản yêu cầu xử lý trái vải tươi bằng Methyl Bromide để làm sạch các đối tượng dịch bệnh. Thị trường Hàn Quốc đòi hỏi xử lý hơi nước nóng, còn thị trường Mỹ lại yêu cầu chiếu xạ.

Trong khi đó, hiện mới có cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh được cấp phép chiếu xạ cho sản phẩm trái vải xuất sang thị trường Mỹ, cho nên sau khi thu hoạch, doanh nghiệp phải vận chuyển vải từ bắc vào nam để chiếu xạ, sau đó mới xuất khẩu. Điều này dẫn đến thời gian trung chuyển dài, gây khó khăn trong quá trình bảo quản trái vải tươi.

“Bên cạnh đó, chi phí logistics của Việt Nam rất cao, nhất là trong giai đoạn 2024-2025, ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh về giá sản phẩm của doanh nghiệp của Việt Nam so với các quốc gia và vùng lãnh thổ có chi phí logistics thấp hơn như Trung Quốc, Mexico, Đài Loan (Trung Quốc)”- bà Hồng nhấn mạnh.

Thực tế, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thị trường vải thiều toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 8,79 tỷ USD vào năm 2028. Các yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng bao gồm phát triển các giống vải mới, áp dụng công nghệ tiên tiến và sự hỗ trợ về logistics từ chính phủ các nước sản xuất. Do đó, muốn tạo dựng và củng cố vị thế trên thị trường vải thiều toàn cầu, Việt Nam cần đầu tư vào chất lượng sản phẩm đồng thời cải thiện hệ thống logistics.

Bà Lê Thị Hồng Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: Sơn La là tỉnh có nhiều loại trái cây theo mùa vụ, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ từ đầu năm đến nay là dâu tây, mận hậu, chanh, xoài, chuối, nhãn… Tuy nhiên hiện vẫn diễn ra tình trạng được mùa mất giá do nhiều loại trái cây vào chính vụ sản lượng rất lớn. Thí dụ như quả mận hậu có sản lượng rất lớn, tuy nhiên nhu cầu trong nước không cao; năng lực bảo quản chế biến thấp; xuất khẩu hạn chế… khiến lượng hàng hóa ùn ứ nhiều.

Cuối tháng 7, đầu tháng 8 tới Sơn La sẽ vào vụ nhãn với sản lượng gần 160.000 tấn cũng đang tạo ra áp lực tiêu thụ lớn. Trên địa bàn tỉnh, chưa có nhà máy sơ chế, chế biến; hệ thống kho lạnh kho bảo quản nông sản còn thiếu rất nhiều cho nên phần lớn phụ thuộc vào tiêu thụ tươi. Một số lượng ít trái cây được đưa vào sấy cũng chỉ do hợp tác xã hoặc doanh nghiệp nhỏ thực hiện cho nên chưa đáp ứng các yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã để xuất khẩu.

 Cần tăng sức cạnh tranh cho nông sản mùa vụ.

Cần tăng sức cạnh tranh cho nông sản mùa vụ.

Xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại

Là một trong những doanh nghiệp có kinh nghiệm và uy tín xuất khẩu nhiều loại nông sản ra thị trường thế giới, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group chia sẻ: "Để giảm áp lực trong vụ thu hoạch chính thì yếu tố thị trường rất quan trọng. Muốn có thị trường thì phải đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm tiềm năng để hằng năm khi tới mùa vụ, người tiêu dùng thế giới phải quan tâm, chờ đợi để thưởng thức.

Từ kinh nghiệm của Vina T&T Group đối với quả thanh nhãn, chúng tôi nhận thấy công tác quảng bá rất quan trọng. Còn khoảng một tháng nữa vào vụ chính nhưng hiện chúng tôi đã nhận được rất nhiều đơn hàng tại thị trường Mỹ.

Vina T&T Group mong muốn được hỗ trợ quảng bá trái thanh nhãn thành một loại trái cây đặc trưng của Việt Nam. Hiện nay thông thường mỗi quốc gia sẽ chọn ra một vài loại quả để làm thương hiệu. Thí dụ như New Zealand có Kiwi, Mỹ có táo Washington, hay Hàn Quốc có nho mẫu đơn; trong khi Việt Nam đa dạng về trái cây, chất lượng tươi ngon nhưng chúng ta lại chưa có thương hiệu mạnh cho bất kỳ sản phẩm nào".

Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, nhằm phát huy vai trò cầu nối, thời gian qua Thương vụ đã phối hợp với các đơn vị liên quan, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu; hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường thường xuyên, kịp thời phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm hiểu của doanh nghiệp.

Đối với các nông sản mùa vụ như quả vải, ngay từ giữa quý II/2025, Thương vụ đã làm việc với các nhà nhập khẩu để trao đổi về thông tin thị trường, tiến độ nhập khẩu. Khi những lô vải đầu tiên của vụ mùa 2025 tới Nhật vào cuối tháng 5, Thương vụ đã giới thiệu tại Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2025, Thương vụ đã tổ chức hai đoàn doanh nghiệp Nhật Bản về Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh, tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu. Về dài hạn, Thương vụ đang kêu gọi, thúc đẩy hoạt động đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có logistics, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm.

Về phía cơ quan Nhà nước, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng: Khi doanh nghiệp có “đầu bài” cụ thể về xúc tiến thương mại vào thị trường mục tiêu, Cục sẵn sàng phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, hằng năm có thể hỗ trợ các doanh nghiệp làm các chương trình triển lãm, hội chợ mi-ni trong khuôn viên Đại sứ quán hoặc địa bàn nào đó ở nước sở tại.

Riêng về xây dựng thương hiệu, cụ thể như với trái thanh nhãn của Công ty Vina T&T Group, Cục cũng có thể phối hợp hỗ trợ hướng dẫn công ty đăng ký thương hiệu riêng cho sản phẩm, sau đó đẩy mạnh quảng bá xuất khẩu, nhằm mục tiêu phát triển thị trường tốt nhất cho nông sản mùa vụ.

TIẾN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-suc-canh-tranh-cho-nong-san-mua-vu-post891792.html