Tăng tốc xóa nhà tạm, nhà dột nát: Đắk Lắk sắp 'về đích' với cách làm riêng

Giao Công an tỉnh làm nòng cốt, huy động đồng bộ các nguồn lực, Đắk Lắk triển khai xóa nhà tạm với cách làm quyết liệt, sát thực tế.

Vừa ổn định bộ máy sau sáp nhập vừa bắt tay ngay vào những nhiệm vụ an sinh cấp bách, chính quyền Đắk Lắk (mới) đang thể hiện rõ tinh thần chủ động, quyết liệt trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Kế thừa nền tảng đồng bộ từ 2 tỉnh trước hợp nhất, toàn tỉnh đã tiến rất gần vạch đích với kỳ vọng "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Phú Yên “tròn vai” trước khi nhập tỉnh

Ngay sau khi Thủ tướng phát động phong trào “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, tỉnh Phú Yên đã nhanh chóng triển khai bằng một chiến dịch thần tốc, bài bản. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngân sách tỉnh được ưu tiên, các nguồn lực xã hội hóa huy động rộng khắp.

Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh - động thái thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao nhất. Từng địa phương chủ động phát động phong trào “Chung tay xóa nhà tạm” đến tận thôn, xóm, khu dân cư.

Tại TP Tuy Hòa, chỉ sau lễ phát động đầu tháng 3, gần 550 triệu đồng được quyên góp ngay tại chỗ. Huyện miền núi Đồng Xuân là nơi còn nhiều khó khăn nhưng cũng vận động được hơn 837 triệu đồng, với thông điệp mộc mạc: “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của”.

Một hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Buôn Thu (xã Suối Trai) được bàn giao nhà mới

Một hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Buôn Thu (xã Suối Trai) được bàn giao nhà mới

Song hành với ngân sách Trung ương (30-60 triệu đồng/hộ), nhiều địa phương đã linh hoạt vận dụng thêm nguồn hỗ trợ khác. Riêng TP Tuy Hòa nâng mức hỗ trợ lên đến 100 triệu đồng/căn xây mới và 50 triệu đồng/sửa chữa. Các căn nhà đều đáp ứng tiêu chí “3 cứng”: nền, tường và mái kiên cố.

Một số huyện như Sơn Hòa còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn làm phần đối ứng. Ban chỉ đạo tỉnh cũng vận động xã hội hóa nhiều vật liệu xây dựng, hỗ trợ gần 9.000 ngày công và nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.

Đến cuối tháng 6, Phú Yên đã hoàn thành xóa 2.235 căn nhà tạm (1.448 căn xây mới), về đích trước gần 2 tháng so với kế hoạch Trung ương. Tổng kinh phí huy động hơn 218,6 tỷ đồng, trong đó hơn 35,6% là ngân sách Nhà nước, còn lại đến từ xã hội hóa và đóng góp trực tiếp của người dân.

Công an làm nòng cốt xóa nhà tạm

Khác với Phú Yên, tỉnh Đắk Lắk (trước sáp nhập) đối mặt với nhiều thách thức: địa bàn rộng, dân cư phân tán, thiếu mặt bằng, nhân công và vật liệu. Tổng nhu cầu hỗ trợ lên tới 6.758 căn, phần lớn là xây mới, với kinh phí ước tính hơn 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, địa phương không chọn cách chờ đợi. Ngay từ tháng 2, tỉnh đã ban hành Đề án 214, giao Công an tỉnh làm nòng cốt thực hiện chương trình. Đây là cách làm mới, thể hiện sự quyết đoán và khác biệt.

Ngành công an thành lập các tổ chuyên trách, rà soát danh sách, kiểm tra pháp lý, giám sát thi công và làm việc trực tiếp với doanh nghiệp cung ứng vật tư để giảm chi phí cho người dân. Cán bộ, chiến sĩ còn đóng góp 1 ngày lương và trực tiếp hỗ trợ xây dựng tại nhiều địa phương.

Những chiến sĩ công an chung tay xóa nhà dột nát

Những chiến sĩ công an chung tay xóa nhà dột nát

Song song đó, Đắk Lắk cũng ban hành chính sách hỗ trợ bổ sung theo từng nhóm đối tượng, nhằm tăng khả năng hoàn thiện và đảm bảo tiêu chuẩn nhà ở.

Cụ thể, người có công và thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ thêm 20 triệu đồng (xây mới), 10 triệu đồng (sửa chữa). Hộ nghèo dân tộc thiểu số và hộ người Kinh ở vùng khó khăn được cộng thêm 36 triệu đồng/căn. Hộ thuộc diện Quyết định 90/QĐ-TTg được hỗ trợ thêm 28,5 triệu đồng (xây mới) và 4,25 triệu đồng (sửa chữa). Các hộ nghèo, cận nghèo khác cũng nhận thêm 20 triệu đồng khi xây mới.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng đã tài trợ trực tiếp kinh phí xây nhà thông qua các chương trình thiện nguyện. Một số địa phương như Ea Kly, Vụ Bổn, Pơng Drang, Ea Drăng, Ea Kao… đã “về đích” sớm. Đặc biệt, xã Krông Bông vượt chỉ tiêu với 76/59 căn hoàn thành (đạt gần 129%).

Một hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk được nhận nhà mới kiên cố. Ảnh: Công an Đắk Lắk

Một hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk được nhận nhà mới kiên cố. Ảnh: Công an Đắk Lắk

Nơi khởi đầu hy vọng mới

Những mái nhà mới không chỉ làm đổi thay diện mạo làng quê mà còn làm thay đổi cả số phận những gia đình từng chật vật trong cảnh sống tạm bợ.

Với chị Phạm Thị Phương Linh (SN 1983, thôn Thạnh Phú, xã Ia Lốp), niềm vui ấy là có thật: “Nhờ được hỗ trợ 80 triệu đồng, gia đình tôi đã có căn nhà khang trang sau gần 20 năm sống trong cảnh xập xệ. Tôi sẽ cố gắng làm ăn, thoát nghèo để không phụ lòng chính quyền đã chăm lo”.

Một căn nhà được bàn giao cho người nghèo ở xã Ea Rốk

Một căn nhà được bàn giao cho người nghèo ở xã Ea Rốk

Ngay sau khi bộ máy chính quyền mới được kiện toàn, các sở ngành đồng loạt tháo gỡ vướng mắc, tăng tốc tiến độ. Tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ chương trình trước ngày 15/8.

Tính đến ngày 23/7, toàn tỉnh đã khởi công 8.814/8.993 căn, đạt hơn 98% kế hoạch. Trong đó, 6.413 căn đã được bàn giao (gồm 2.235 căn của Phú Yên và 4.178 căn của Đắk Lắk). Hiện nay, 2.401 căn đang được gấp rút hoàn thiện trong chặng nước rút.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cho biết quá trình triển khai không tránh khỏi khó khăn, như: thời tiết bất lợi, giá vật tư tăng cao, một số thủ tục hành chính sau sáp nhập còn chồng chéo. Nhiều hộ dân cũng vẫn giữ thói quen “xem ngày” khởi công, khiến tiến độ chung bị ảnh hưởng.

Để tháo gỡ, Công an tỉnh mời các nhà thầu và doanh nghiệp vật liệu cùng bàn giải pháp tiết giảm chi phí, rút ngắn thời gian thi công. Sở Tài chính cũng đề xuất bổ sung nguồn lực nhằm đảm bảo hộ dân đủ điều kiện không bị lỡ cơ hội.

Riêng 179 căn còn lại (khoảng 2%) không thể triển khai với các lý do như do các hộ từ chối xây dựng, không đủ điều kiện hoặc đã được hỗ trợ từ chương trình khác.

Người dân phấn khởi khi được bàn giao ngôi nhà mới khang trang

Người dân phấn khởi khi được bàn giao ngôi nhà mới khang trang

Từ một địa phương còn bộn bề gian khó, Đắk Lắk hôm nay đang từng bước thay da đổi thịt bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Mỗi mái nhà kiên cố mọc lên giữa đại ngàn Tây Nguyên không chỉ là thành quả của một chủ trương đúng đắn mà còn là minh chứng cho một cách làm quyết liệt, sát thực tế, lấy người dân làm trung tâm.

Hà Nam

Hải Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tang-toc-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-dak-lak-sap-ve-dich-voi-cach-lam-rieng-2425125.html