Tăng trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, khoáng sản

Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, có không ít cá nhân, doanh nghiệp còn vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên, khoáng sản và đã bị cơ quan chức năng xử phạt nặng với số tiền từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.

Một số phương tiện bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai bị lực lượng công an phát hiện, tạm giữ. Ảnh: T.Tâm

Một số phương tiện bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai bị lực lượng công an phát hiện, tạm giữ. Ảnh: T.Tâm

Điều này cho thấy sự quyết liệt và nghiêm khắc trong thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên, khoáng sản của các cơ quan chức năng.

Khai thác khoáng sản trái phép còn phổ biến

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 4-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh cho hay, hiện vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm về khai thác tài nguyên - môi trường như: vi phạm công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới hoặc khai thác nhưng không đảm bảo điều kiện về môi trường…

Tại Đồng Nai, theo Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, thời gian qua, hoạt động khai thác trái phép khoáng sản tuy được kéo giảm nhưng vẫn diễn ra phổ biến. Nổi lên là tình trạng khai thác cát lén lút vào ban đêm.

Điển hình, vào tối 15-4, trong quá trình tuần tra, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh) cùng lực lượng Phòng CSGT Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện ghe gỗ biển kiểm soát LA-03189, do ông Đỗ Minh Đường (43 tuổi, quê tỉnh Long An) điều khiển chở khoảng 15m3 cát nên tiến hành kiểm tra hành chính. Do ông Đường không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc số cát đang vận chuyển trên phương tiện nên tổ công tác đã tiến hành đưa phương tiện về bến tạm giữ và xử lý theo quy định.

Tương tự, vào ngày 13-4, Đội CSGT đường thủy tiến hành tuần tra trên tuyến sông Đồng Nai đoạn giáp ranh huyện Nhơn Trạch và Thành phố Hồ Chí Minh thì phát hiện một ghe gỗ có gắn thiết bị bơm hút cát đang bơm hút cát từ dưới sông lên ghe gỗ. Khi nhìn thấy lực lượng chức năng, các đối tượng trên ghe đã bỏ lại phương tiện rồi nhảy xuống sông tẩu thoát.

Đối với hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, ngoài bị xử lý hành chính thì một số trường hợp đã phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đơn cử như ngày 20-6, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Phạm Phương Tú (47 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) 18 tháng tù và Võ Ngọc Thạnh (47 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) 10 tháng tù cùng về tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Theo nội dung vụ án, Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ T.T.P. (gọi tắt Công ty T.T.P.) ký hợp đồng thi công xây dựng công trình với Công an tỉnh Đồng Nai. Theo nội dung hợp đồng thì Công ty T.T.P. thực hiện việc thi công xây dựng nạo vét, duy tu định kỳ vùng nước thuộc khu vực ụ tàu, cầu cảng bảo quản ca nô chữa cháy của Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông. Công ty bổ nhiệm Tú làm chỉ huy trưởng, chịu trách nhiệm điều hành việc thi công công trình nạo vét, duy tu định kỳ theo hợp đồng.

Trong quá trình thi công, Tú đã chỉ đạo Thạnh tiến hành bơm hút cát ở hai bên ụ tàu, cầu cảng bảo quản ca nô để lấy cát đi bán bù vào số tiền thuê nhân công. Mặc dù biết vị trí Tú yêu cầu bơm hút cát nằm ngoài khu vực được phép thi công, việc bơm hút cát tại các vị trí nêu trên là khai thác cát trái phép nhưng Thạnh vẫn đồng ý và chỉ đạo các thuyền viên trên tàu tiến hành việc bơm hút cát. Từ ngày 26-11-2022 đến ngày 3-12-2022, các bị cáo đã chỉ đạo bơm hút tổng cộng gần 2 ngàn m3 cát, thu lợi gần 20 triệu đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường ĐẶNG QUỐC KHÁNH, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thanh tra, kiểm tra để phát hiện sớm, xử lý sớm việc khai thác khoáng sản, đảm bảo không thất thoát, khai thác trái phép nguồn tài nguyên này.

Chủ động ngăn chặn có hiệu quả

Dù các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm và thu giữ các phương tiện thực hiện hành vi vi phạm nhưng tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép vẫn diễn ra. Điều này không chỉ làm thất thoát tài nguyên, khoáng sản, mà còn làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, hạ tầng và gây bức xúc trong dư luận.

Hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép diễn ra với cách thức hoạt động rất tinh vi như: hoạt động vào ban đêm, bố trí người cảnh giới nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Đặc biệt, điểm khai thác trái phép tài nguyên thường là khu vực giáp ranh với các tỉnh, thành khác nên xuất hiện tình trạng các đối tượng ở địa phương khác qua Đồng Nai khai thác và khi bị phát hiện thì nhanh chóng tẩu thoát qua địa bàn giáp ranh. Đối với hoạt động khai thác cát trái phép, các đối tượng khi bị phát hiện thường rút lù cho chìm ghe, còn người thì nhảy xuống sông bỏ trốn nên công tác xử lý gặp không ít khó khăn.

Theo đại diện Tòa án nhân dân tỉnh, việc thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến việc quản lý, khai thác tài nguyên của Nhà nước; là một trong những nguyên nhân gây thay đổi dòng chảy, các hiện tượng sạt lở đất, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Để ngăn chặn tình trạng này, theo các ngành chức năng, cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp; giúp mỗi người dân hiểu rõ tất cả các loại khoáng sản đều là tài nguyên vô giá, là tài sản quan trọng của mỗi quốc gia mà người dân cần phải giữ gìn. Đồng thời, để kéo giảm tình trạng thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, đấu tranh, xử lý kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, tài nguyên, khoáng sản.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202406/tang-trach-nhiem-bao-ve-tai-nguyen-khoang-san-1f56084/