Tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Trong quá trình thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (QH) thời gian gần đây, vấn đề tỷ lệ đại biểu QH hoạt động chuyên trách một lần nữa lại được quan tâm đặc biệt.

Điều này là dễ hiểu vì QH chúng ta khác rất nhiều với QH các nước mà ở đó tuyệt đại đa số đại biểu QH các nước hoạt động chuyên trách. Đó thật sự là những chính khách vì họ không có nhiệm vụ gì khác ngoài vai trò hoạt động chính trị. Còn ở ta, phần lớn đại biểu QH kiêm nhiệm không thể là chính khách vì hoạt động chính không phải là chính trị mà là hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực công tác của mình. Các đại biểu chuyên trách có thể coi là chính khách khi họ phải dành toàn bộ thời gian cho hoạt động tại QH. Tuy nhiên, trong quy định của pháp luật hiện hành, địa vị pháp lý của đại biểu QH hoạt động chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm cơ bản là như nhau. Điểm khác nhau chỉ là thời gian hoạt động QH và một số điều kiện bảo đảm. Chính điều này làm bộc lộ một số bất cập khi bàn về tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách ở mức tỷ lệ 35% hay 45%. Liệu việc tăng thêm 10% có làm cho hoạt động QH hiệu quả hơn hay không nếu chỉ đơn thuần là tăng thêm thời gian, nhất là khi thời gian tăng thêm này chủ yếu để làm quen với hoạt động nghị trường? Và ngay cả khi các đại biểu QH hoạt động chuyên trách làm việc rất chuyên nghiệp thì tác động đến hiệu quả chung của hoạt động QH cũng bị hạn chế vì tính đại diện và quyền biểu quyết của tất cả các đại biểu QH là như nhau (qua nghiên cứu thực tiễn chúng tôi xin đưa ra một tình huống lý thuyết giả định: 45% đại biểu chuyên trách nhất trí nhưng 55% đại biểu kiêm nhiệm lại không nhất trí, như thế quyết định vẫn thuộc về các đại biểu kiêm nhiệm).

Vậy phải chăng không cần tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách mà nên giữ như quy định hiện hành? Trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhìn vào xu thế QH có cần chuyển từ QH kiêm nhiệm sang QH hoạt động chuyên nghiệp hay không? Xét từ thông lệ quốc tế, từ lịch sử hoạt động QH nước ta và từ chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân thì câu trả lời là mô hình QH hoạt động chuyên nghiệp thật sự rất cần thiết. Có thể khẳng định rằng, sự cần thiết phải tăng tỷ lệ đại biểu QH hoạt động chuyên trách xuất phát từ đòi hỏi nâng cao năng lực xây dựng thể chế nói riêng, hoạt động của QH nói chung.

Để việc tăng tỷ lệ đại biểu QH chuyên trách tạo ra sự chuyển biến trong hiệu quả hoạt động của QH, cần chú ý một số vấn đề cụ thể. Một là, cần xem xét việc tăng tỷ lệ đại biểu QH chuyên trách trong lộ trình dài hạn tiến đến một QH hoạt động chuyên nghiệp với ít nhất 75% đại biểu chuyên trách. Nói cách khác, chúng ta cần xem xét việc xây dựng một QH hoạt động chuyên nghiệp với đa số đại biểu hoạt động chuyên trách là một tất yếu. Tuy nhiên, do nhiều lý do, việc tăng ngay số lượng đại biểu QH chuyên trách đạt tỷ lệ như trên là không khả thi mà cần một lộ trình, có thể là ba hay năm nhiệm kỳ tiếp theo.

Hai là, cần xác định rõ hơn vai trò và địa vị pháp lý của đại biểu hoạt động chuyên trách chứ không chỉ phân biệt với đại biểu kiêm nhiệm về thời gian hoạt động QH. Đại biểu QH cần phải là lực lượng chủ công trong Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, nơi được coi là “các công xưởng” của QH. Nói cách khác, việc tăng tỷ lệ đại biểu QH chuyên trách cần xuất phát từ nhu cầu nâng cao vai trò của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH trong việc thực hiện chức năng của mình trong lĩnh vực được phân công. Trên thực tế, gánh nặng hoạt động của các cơ quan của QH hiện đang dồn vào bộ phận thường trực của các cơ quan này với một số lượng chỉ tám đến 10 đại biểu chuyên trách, trong khi lĩnh vực hoạt động của mỗi cơ quan này khá rộng, đòi hỏi sự hiểu biết chuyên sâu của đại biểu.

Luật hiện hành cũng chỉ quy định trách nhiệm của đại biểu QH chuyên trách là tham gia các hội nghị đại biểu QH chuyên trách do Ủy ban Thường vụ QH triệu tập. Trên thực tế, các hội nghị này đã đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thảo luận sâu những dự án luật phức tạp, những vấn đề còn các ý kiến khác nhau giúp Ủy ban Thường vụ QH và các cơ quan chủ trì hoàn thiện văn bản trình QH thảo luận và thông qua. Tuy nhiên, đại biểu QH chuyên trách không có quyền quyết định việc trình hoặc không trình một văn bản nào đó ra QH. Vì vậy, những hoạt động hiện nay chỉ mang tính chất trợ giúp cho hoạt động của QH trong khi lại chưa đạt được mục tiêu quan trọng hơn là giảm tải công việc của một QH hoạt động bán chuyên nghiệp. Việc xác định rõ hơn địa vị pháp lý của đại biểu QH chuyên trách do vậy cần được xem xét trong tổng thể cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của QH theo hướng các đại biểu QH chuyên trách có những thẩm quyền nhất định. Với tư cách này, đại biểu QH chuyên trách không chỉ là lực lượng chủ công trong hoạt động của các cơ quan của QH mà còn là lực lượng cùng Ủy ban Thường vụ QH thực hiện các hoạt động của QH giữa hai kỳ họp.

Ba là, chất lượng đại biểu QH chuyên trách là rất quan trọng để việc tăng tỷ lệ đại biểu QH chuyên trách tạo ra sự chuyển biến thật sự trong hoạt động của QH. Ngoài các tiêu chuẩn chung đối với các đại biểu QH thì đại biểu QH chuyên trách là những người có kinh nghiệm trong hoạch định chính sách, pháp luật, có những năng lực và phẩm chất của một chính khách chuyên nghiệp. Đại biểu QH chuyên trách cần có hiểu biết sâu, tầm nhìn rộng về chủ trương, chính sách phát triển đất nước, am hiểu thực tế hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, trước hết là hoạt động của QH, có khả năng phát hiện những vấn đề trong thực tiễn thực thi chính sách pháp luật. Ngoài những vấn đề nêu trên, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu QH chuyên trách cũng rất quan trọng, trong đó quan trọng nhất là bộ máy giúp việc của các cơ quan của QH và của từng đại biểu QH.

PGS, TS LÊ BỘ LĨNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/43691702-tang-ty-le-dai-bieu-chuyen-trach-gop-phan-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-quoc-hoi.html