Tạo bước chuyển trong công tác dân số và phát triển

Trong gần 30 năm thành lập và phát triển, ngành Dân số tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và dần chuyển trọng tâm từ dân số-KHHGĐ sang dân số và phát triển.

Tuyên truyền nhóm nhỏ về các mô hình, đề án dân số tại xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư. Ảnh: Minh Quang

Tuyên truyền nhóm nhỏ về các mô hình, đề án dân số tại xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư. Ảnh: Minh Quang

Qua đó đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân, phát huy được lợi thế cơ cấu dân số vàng, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, triển khai sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số…, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Ngô Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Công tác dân số-KHHGĐ trong những giai đoạn qua, đặc biệt từ giai đoạn thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới và thực hiện Chương trình hành động số 22- CTr/TU ngày 26/2/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, tỉnh Ninh Bình đã đạt được một số kết quả tích cực.

Tập trung vào các hoạt động trọng tâm như tuyên truyền về chuyển đổi nhận thức từ thực hiện KHHGĐ sang dân số và phát triển; triển khai đồng bộ và có hiệu quả các dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, đặc biệt suy dinh dưỡng thể thấp còi; nâng cao thể trạng trẻ, giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong bé; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Bên cạnh đó, mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh đã được củng cố cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn và thuận tiện, có chất lượng cho người dân có nhu cầu sử dụng, từ đó đã giúp các cặp vợ chồng tránh mang thai ngoài ý muốn, thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, giảm nạo phá thai; từng bước chuyển đổi hành vi của người dân từ sử dụng miễn phí sang chi trả một phần và chi trả toàn bộ chi phí dịch vụ dân số/chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ y tế, bổ sung nhân lực cho các đơn vị thực hiện dịch vụ.

Hàng năm tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hành cho cán bộ cung cấp dịch vụ dân số/chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số, nhất là đội ngũ cán bộ cấp xã và cộng tác viên, nhân viên y tế thôn, bản.

Triển khai tốt các biện pháp dự phòng và điều trị nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS. Cung cấp miễn phí phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ cho người nghèo, cận nghèo sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có mức sinh cao. Từ năm 2016 đến nay, đề án xã hội hóa đã xây dựng hoàn thiện mạng lưới cung cấp sản phẩm ở 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản đảm bảo cho người tiêu dùng được tiếp cận thuận tiện.

Việc mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình, đề án được triển khai tích cực như Đề án "Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi", đã có 90% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Tại các Trạm Y tế đã thực hiện việc quản lý sổ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi và hằng năm có khoảng 60% người cao tuổi thực hiện khám định kỳ.

Đề án "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh" được triển khai thí điểm từ năm 2007 đến nay, đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; có 152 cơ sở y tế triển khai kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân, trong đó tuyến tỉnh 1 cơ sở, tuyến huyện 8 cơ sở, tuyến xã 143 cơ sở; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh năm 2012 là 33,14%, tăng lên 79% năm 2020; tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh năm 2012 là 33,99%, tăng lên 75% năm 2020.

Đề án "Kiểm soát dân số vùng biển, đảo, ven biển" giai đoạn 2009- 2020; đề án "Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên"; đề án "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh"… góp phần nâng cao chất lượng dân số vững chắc.

Công tác dân số-KHHGĐ đạt kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ninh Bình là một trong những tỉnh đạt mức sinh thay thế sớm nhất toàn quốc. Tỷ lệ sinh và tổng tỷ suất sinh của tỉnh Ninh Bình giảm xuống mức thấp so với bình quân chung của cả nước và của khu vực (số con trung bình của một phụ nữ giao động từ 1,9 - 2,01 con).

Tỷ suất sinh giảm đều qua các năm, từ 15,85%o (năm 2011) xuống 15,15%o (năm 2015); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm đạt 0,65% duy trì mức sinh thay thế. Tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận biện pháp tránh thai đạt 77,93%.

Tuy nhiên, công tác dân số đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là kết quả giảm sinh chưa vững chắc. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang ở mức khá cao và không ổn định, tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 là 114,22 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Một bộ phận không nhỏ trong nhân dân vẫn còn mang nặng tư tưởng, tâm lý thích đông con và thích có con trai để nối dõi tông đường.

Bên cạnh đó, một số cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần gương mẫu trong thực hiện chính sách dân số, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân thực hiện chính sách pháp luật về dân số …

Theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Y tế, để giải quyết các thách thức đó, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tỉnh cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW và Chương trình hành động số 22 của Tỉnh ủy. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về dân số bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú, thiết thực để toàn xã hội nhận thức được; chính quyền các cấp vận động các đoàn thể, nhân dân cùng vào cuộc, nhận thức rõ trong giai đoạn này là thực hiện công tác dân số và phát triển.

Cụ thể hóa các mục tiêu của Chương trình hành động số 22 của Tỉnh ủy, xây dựng Kế hoạch và thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 của tỉnh Ninh Bình; triển khai các mô hình, đề án, kế hoạch công tác dân số đến năm 2025 và 2030 trên địa bàn tỉnh như chương trình truyền thông dân số, chương trình điều chỉnh mức sinh, kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình...

Cùng với đó, tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tiếp tục giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi, chú ý trẻ em dạng béo phì. Kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Tăng cường tuyên truyền cho người dân có nhận thức, việc mất cân bằng giới tính khi sinh và các hệ lụy của nó liên quan tới xã hội. Vận động, triển khai các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới.

Xử lý nghiêm minh các cơ sở sử dụng dịch vụ có can thiệp vào chẩn đoán giới tính; các cơ sở y tế và cơ sở bán tài liệu liên quan lựa chọn giới tính thai nhi. Tiếp tục tăng cường hoàn thiện hệ thống dân số từ cơ sở về chính sách, tổ chức để thực hiện công tác dân số và phát triển đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới.

Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tao-buoc-chuyen-trong-cong-tac-dan-so-va-phat-trien/d2021121608531217.htm